Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Một nhà ly khai Trung Quốc được trả tự do sau 9 năm tù

Human Rights in China, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Hoa Kỳ, hôm nay, 30/04/2014, cho biết, sau 9 năm bị cầm tù, một nhà ly khai Trung Quốc đã được trả tự do trước thời hạn 3 năm. Đây là một điều hiếm thấy tại Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh Bắc Kinh đang gia tăng trấn áp giới ly khai.

Ông Hứa Vạn Bình  trước khi bị bắt năm.
Ông Hứa Vạn Bình trước khi bị bắt năm. DR
Quảng cáo

Theo tin từ Human Rights in China, ông Hứa Vạn Bình (Xu Wanping), bị giam cầm ở nhà tù Vũ Châu (Yuzhou), Trùng Khánh (phía tây nam), đã được trả tự do trong tuần này. Ông Hứa, nguyên là công nhân, thành viên đảng Dân Chủ Trung Quốc – một tổ chức bị Bắc Kinh coi là bất hợp pháp – vào năm 2005, đã bị kết án 12 năm tù với tội danh « kích động lật đổ chính quyền Nhà nước ».

Chính quyền Trùng Khánh đã quyết định thả nhà ly khai này trước khi mãn hạn tù 3 năm, mà không giải thích lý do. Tuy nhiên, sau khi ra tù, ông Hứa bị mất quyền công dân trong vòng 4 năm, như không được phép trả lời phỏng vấn truyền thông, bị hạn chế tự do đi lại và bị giới hạn tiếp xúc.

Thực ra, ông Hứa đã bị cầm tù tổng cộng khoảng hai chục năm, gần bằng một nửa tuổi của ông. Năm 1989, ông đã bị kết án 8 năm tù vì đã tham gia biểu tình đòi dân chủ tại Trùng Khánh. Đến năm 1998, ông lại bị đưa đi cải tạo lao động 3 năm, với tội danh khuyến khích công nhân biểu tình vì bị sa thải.

Năm 2005, ông Hứa bị bắt cùng với một số nhà hoạt động đòi dân chủ khác, sau các cuộc biểu tình bài Nhật. Vào lúc đó, chính quyền lo ngại những người biểu tình đưa ra những chủ đề khác để phản đối, như nạn tham nhũng, công dân bị tước các quyền cơ bản.

Việc thả ông Hứa gây ngạc nhiên. Bởi vì từ năm ngoái đến nay, chính quyền Bắc Kinh mở chiến dịch trấn áp các tiếng nói đối lập. Các vụ bắt giữ lại càng gia tăng khi tới gần dịp kỷ niệm 25 năm vụ thảm sát Thiên An Môn, ngày 04/06/1989.

Thứ Năm, 24/04/2014, nhà báo độc lập, bà Cao Du (Gao Yu), người đã từng bị cầm tù do các bài viết chính trị, đã bị mất tích.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.