Vào nội dung chính
HÀN QUỐC - XÃ HỘI

Hàn Quốc hạn chế hôn nhân với người nước ngoài

Chính phủ Hàn Quốc trong tháng này vừa áp dụng những quy định mới hạn chế hôn nhân với người nước ngoài, nhưng những người chỉ trích cho rằng lẽ ra Seoul nên tập trung hỗ trợ các người vợ nước ngoài để giúp họ hội nhập vào xã hội Triều Tiên.

Các cô dâu Việt Nam học tiếng Hàn tại Trung Tâm Nhân Quyền của Phụ nữ Nhập cư tại Seoul.
Các cô dâu Việt Nam học tiếng Hàn tại Trung Tâm Nhân Quyền của Phụ nữ Nhập cư tại Seoul. Reuters
Quảng cáo

Từ năm 2000, số cô dâu nước ngoài, tuyệt đại đa số là từ các nước Châu Á, đã gia tăng mạnh ở Hàn Quốc, với đỉnh điểm là năm 2005, khi có đến 300 ngàn phụ nữ lấy chồng Hàn Quốc được cấp visa để cư trú ở nước này. 

Nguyên nhân của xu hướng này là do tại các vùng nông thôn, phụ nữ trẻ đua nhau kéo lên Seoul và các thành phố khác tìm việc làm, gây nên tình trạng trai thừa gái thiếu, khiến nhiều thanh niên không kiếm được vợ, cho nên phải tìm người bạn đời từ các nước khác. 

Theo các số liệu thống kê chính thức, từ năm 2000 đến nay, đã có khoảng 236 ngàn phụ nữ nước ngoài lấy chồng Hàn Quốc sang định cư ở nước này và sinh ra khoảng 190 ngàn trẻ em. 

Hơn 80% cô dâu là đến từ Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Cam Bốt, Thái Lan và Mông Cổ, chủ yếu là qua các nhà môi giới hôn nhân. Ban đầu, chính phủ Seoul để yên cho các nhà môi giới này làm việc, vì nghĩ rằng họ góp phần giải quyết tình trạng sụt giảm tỷ lệ sinh đẻ và lực lượng lao động ở vùng thôn quê Hàn Quốc. 

Nhưng kể từ năm 2010, ngày càng có nhiều thông tin về những người vợ ngoại quốc bị đánh đập, hành hạ, thậm chí bị giết chết, như vụ cô dâu Việt Nam 20 tuổi bị người chồng mắc bệnh tâm thần đâm chết chỉ một tuần sau khi đặt chân đến Hàn Quốc. 

Ngay trong năm đó, chính quyền Seoul đã ra một luật mới phạt tù 2 năm những nhà môi giới nào cung cấp thông tin sai lạc về các cô dâu tương lai, hoặc giới thiệu hơn hai phụ nữ cho cùng một người đàn ông. Luật này đã có tác động ngay lập tức, khiến con số các nhà môi giới giảm mạnh từ 1.697 năm 2011 xuống còn 512 vào cuối năm 2013. 

Những quy định mới vừa có hiệu lực từ ngày 01/04, buộc những người lấy chồng Hàn Quốc xin visa định cư phải được trắc nghiệm trình độ Hàn ngữ và buộc người chồng Hàn Quốc phải chứng minh có thu nhập hàng năm trên 14,8 triệu won ( tương đương 14 ngàn euro ). Đối với các giới chức Hàn Quốc, những quy định mới nói trên sẽ giải quyết hai nguyên nhân chính gây đổ vỡ các cuộc hôn nhân dị chủng, đó là bất đồng ngôn ngữ và thu nhập thấp. 

Nhưng các nhà môi giới hôn nhân thì cho rằng những quy định mới sẽ chỉ làm tăng chi phí tìm cô dâu nước ngoài, bởi vì họ hạn chế khả năng tìm ra các cặp đúng tiêu chuẩn. Đa số các cô dâu Châu Á là đến từ các gia đình nghèo ở nông thôn. Để đạt đủ tiêu chuẩn về trình độ Hàn ngữ, họ sẽ phải lên các thành phố để học tiếng trong nhiều tháng và dĩ nhiên là phí tổn này sẽ phải do những người chồng tương lai đài thọ. 

Thật ra thì thảm cảnh của nhiều cô dâu nước ngoài tại Hàn Quốc không chỉ là do bất đồng ngôn ngữ hay do thu nhập thấp của người chồng, mà còn là do xã hội Triều Tiên vẫn chưa thật sự chấp nhận những cuộc hôn nhân dị chủng. Một cuộc thăm dò do Viện nghiên cứu chính sách ASAN gần đây cho thấy có 32% dân Hàn Quốc nghĩ rằng các gia đình dị chủng là mối đe dọa cho tính thuần nhất của xã hội. 

Tuy chính phủ Seoul đã có nỗ lực giúp các cô dâu nước ngoài hội nhập, nhưng các nhà nghiên cứu và các nhà hoạt động xã hội cho rằng chính quyền cần phải hỗ trợ nhiều hơn nữa, thay vì đưa ra những quy định hành chính, mà chỉ khiến cặp chồng Hàn vợ ngoại, vốn đã chịu nhiều áp lực, càng thêm khó khăn. 

Các nhà hoạt động xã hội đặc biệt yêu cầu chính quyền nên dành ưu tiên cho việc bảo vệ những người vợ nước ngoài khỏi nạn bạo hành gia đình, vì có đến gần phân nữa trong số họ bị chồng đánh đập, hành hạ, nhưng rất ít người dám tố cáo với cảnh sát.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.