Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN

Miến Điện : Tên « Rohingya » bị cấm trong cuộc điều tra dân số lần đầu tiên từ 30 năm qua

Hôm nay 29/03/2014 Miến Điện loan báo những người Hồi giáo không được phép kê khai như người « Rohingya » trong cuộc điều tra dân số được tiến hành lần đầu tiên tại nước này kể từ 30 năm qua.

Người Rohingya trên một chiếc xe di chuyển qua một trại tị nạn bên ngoài Sittwe, ngày 29/03/2014.
Người Rohingya trên một chiếc xe di chuyển qua một trại tị nạn bên ngoài Sittwe, ngày 29/03/2014. REUTERS/Soe Zeya Tun
Quảng cáo

Quyết định này đáp ứng lời đe dọa của những người theo đạo Phật ờ bang Rakhine, đòi tẩy chay cuộc điều tra dân số lo sợ việc chính thức công nhận người thiểu số Rohingya Hồi giáo, được Liên Hiệp Quốc cho là một trong những dân tộc thiểu số bị trấn áp nhiều nhất trên thế giới.

Ye Htut, phát ngôn viên chính phủ ở Răngun thông báo : « Nếu một gia đình muốn được coi là người ‘Rohingya’, chúng tôi sẽ không cho họ kê khai ». Những người này có thể tự khai là người « Bengali » - từ ngữ được chính quyền Miến Điện sử dụng, vì coi hầu hết người Rohingya là người nhập cư bất hợp pháp từ nước Bangladesh láng giềng.

Trong tuần này, các đám đông Phật giáo đã tấn công vào các cơ sở của Liên Hiệp Quốc và các tổ chức nhân đạo phi chính phủ. Họ lên án các tổ chức quốc tế ủng hộ người Hồi giáo tại Sittwe, thủ phủ bang Rakhine, khiến Liên Hiệp Quốc phải rút đi khoảng 50 nhân viên ngoại quốc và địa phương tại bang này.

Cách đây hai ngày, một bé gái 11 tuổi đã thiệt mạng vì đạn lạc do cảnh sát bắn chỉ thiên để giải tán một đám đông phẫn nộ ở Sittwe. Các gia đình tại đây giăng biểu ngữ trước nhà trên đó ghi câu : « Nhà này phản đối điều tra dân số, xin đừng ghi chúng tôi vào danh sách ».

Cuộc điều tra dân số được Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc hỗ trợ kéo dài 12 ngày, sẽ cung cấp thực trạng tại đất nước đã bị tập đoàn quân sự cầm quyền trước đây đóng cửa với thế giới trong nhiều thập kỷ. Hàng chục ngàn nhân viên điều tra chủ yếu là giáo viên sẽ xuôi ngược trên cả nước, từ miền núi phía bắc cho đến những khu rừng rậm, nơi quân đội thường đụng độ với phe nổi dậy.

Điều tra dân số cũng giúp cải thiện các chính sách phát triển (giáo dục, y tế, quy hoạch đô thị…) cần thiết cho chính phủ. Chương trình quốc gia này đã gây ra những cuộc biểu tình bạo động tại bang Rakhine, làm ảnh hưởng đến tiến trình hòa bình với các phe nổi dậy thiểu số.

Miến Điện có trên 100 dân tộc thiểu số, trong đó có một số dân tộc không được công nhận như người Rohingya theo đạo Hồi, với 800.000 người sống tại bang Rakhine, không mang quốc tịch nào.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.