Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - NHẬT BẢN

Trung Quốc thụ lý vụ kiện công ty Nhật cưỡng bức lao động thời Thế chiến 2

Hôm nay, 19/03/2014, lần đầu tiên một tòa án Trung Quốc chấp nhận thụ lý một khiếu nại chống lại các doanh nghiệp Nhật Bản, do những người Trung Quốc bị cưỡng bức lao động trong thời gian Thế chiến Hai đệ trình. Theo tòa án tối cao Nhật Bản, quyền đòi hỏi đền bù cho những thiệt hại của các công dân Trung Quốc không còn hiệu lực kể từ « Thông cáo chung » Trung-Nhật năm 1972.

Nhiều gia đình người Trung Quốc mang ảnh người thân từng bị các công ty Nhật cưỡng bức lao động đến toà án Bắc Kinh nộp đơn kiện ngày 26/2/2014
Nhiều gia đình người Trung Quốc mang ảnh người thân từng bị các công ty Nhật cưỡng bức lao động đến toà án Bắc Kinh nộp đơn kiện ngày 26/2/2014 REUTERS/China Daily
Quảng cáo

Trả lời AFP, một trong các luật sư cho biết tòa án đã chấp nhận thụ lý vụ kiện này. Đơn kiện được nộp vào tháng 2. Các nỗ lực trước đây đều thất bại. Hai doanh nghiệp bị khiếu kiện là các công ty Mitsubishi Materials Corp.  và Nippon Coket & Engenerring, có tên cũ là Mitsui Mining.

Những người nộp đơn kiện, yêu cầu bồi hoàn thiệt hại 1 triệu yuan (khoảng117.000 euro), đồng thời lời xin lỗi của công ty được đăng trên báo Trung Quốc và báo Nhật. Luật sư Kang Jian nhận định : « căn cứ trên các bằng chứng mà chúng tôi có, không có bất cứ lý do nào mà tòa án không thừa nhận trách nhiệm của các doanh nghiệp này ».

Zhang Yang, con trai của một trong những người lao động bị cưỡng bức còn sống, được tờ Global Times (Hoàn cầu thời báo) trích dẫn, nói : « Bố tôi vẫn còn nhớ rõ ông đã bị bắt như thế nào (…) và hình ảnh mỏ than nơi ông bị buộc phải làm việc thời đó ».

Xâm chiếm Trung Quốc vào cuối những năm 1930, chế độ quân phiệt Nhật Bản đã buộc hàng chục nghìn người Trung Quốc phải làm việc tại các nhà máy và hầm mỏ để thỏa mãn tình trạng khan hiếm nhân công trong thời gian chiến tranh.

Hôm nay, trong một cuộc trả lời báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Nhật Bản « nhìn nhận trách nhiệm », liên quan đến những tội ác mà nước này đã phạm phải trong quá khứ, trong đó việc cưỡng bức lao động là « một trong các tội ác nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng nề về thể chất và tinh thần đối với nhiều người Trung Quốc ».

Trước đó, các tòa án Nhật Bản đã bác bỏ nhiều khiếu nại từ phía Trung Quốc về cưỡng bức lao động. Theo chính phủ Nhật Bản và tòa án tối cao Nhật Bản, quyền đòi hỏi đền bù cho những thiệt hại trong thời gian chiến tranh đối với các công dân Trung Quốc không còn hiệu lực, kể từ « Thông cáo chung » Trung-Nhật năm 1972. Trong văn bản này, Trung Quốc công nhận « không yêu cầu Nhật Bản đền bù thiệt hại do chiến tranh, vì tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước ».

Khiếu nại mới đây của những người lao động Trung Quốc bị Nhật Bản cưỡng bức trong Thế chiến Hai nằm trong tầm kiểm soát của chính quyền Bắc Kinh. Vụ kiện này diễn ra trong bối cảnh quan hệ Nhật – Trung ngày một căng thẳng do những mâu thuẫn về chủ quyền biển đảo.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.