Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Trung Quốc : Hai người Tây Tạng toan tự thiêu

Nhiều phương tiện truyền thông và các tổ chức bảo vệ người Tây Tạng ở hải ngoại vào hôm nay (17/03/2014) cho biết hai nhà sư Tây Tạng toan tự thiêu tại Trung Quốc để phản đối chính sách đàn áp tôn giáo của Bắc Kinh.

Cảnh tuần tra ở Lhasa, Tây Tạng, ngày  14 /03 / 2014. Vùng tự trị này cũng như những nơi khác, như Tứ  Xuyên có nhiều người Tây Tạng cư ngụ đểu bị kiểm soát nghiêm ngặt hầu ngăn chặn các phong trào đấu tranh.
Cảnh tuần tra ở Lhasa, Tây Tạng, ngày 14 /03 / 2014. Vùng tự trị này cũng như những nơi khác, như Tứ Xuyên có nhiều người Tây Tạng cư ngụ đểu bị kiểm soát nghiêm ngặt hầu ngăn chặn các phong trào đấu tranh. REUTERS/Jacky Chen
Quảng cáo

AFP Trích dẫn nguồn tin từ tổ chức Tây Tạng tự do và đài Châu Á tự do của Hoa Kỳ, theo đó tu sĩ Lobsang Palden, 20 tuổi, vào sáng hôm qua (16/03/2014) châm lửa tự thiêu ngay trên một trục lộ chính của thành phố Aba, thuộc tỉnh Tứ Xuyên. Cảnh sát Trung Quốc đã phát hiện kịp thời, đưa nhà sư này đi nơi khác. Nhưng đến sáng nay, các nhân chứng tại chỗ không biết nhân vật này đã được đưa đi đâu. Aba là thành trì của những nhà tranh đấu, đương đầu với các chính quyền địa phương để phản đối chính sách đàn áp của Trung Quốc đối với người Tây Tạng.

Cũng hôm nay, bản tin của Tân Hoa Xã cho hay cùng thời điểm một nhà sư Tây Tạng thứ nhì tại Hoàng Nam, thuộc tỉnh Thanh Hải, miền tây bắc Trung Quốc đã có hành động tuyệt vọng tương tự. Tân Hoa Xã không tiết lộ thêm danh tính của đương sự.

Tháng ba là cột mốc quan trọng trong lịch sử của người Tây Tạng. Năm 1959 Đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh đạo tinh thần Tây Tạng đã phải bỏ xứ sang Ấn Độ lưu vong sau cuộc nổi dậy bất thành chống lại sự đô hộ của Trung Quốc. Tháng 3/1988, 1989 và 2008 các cuộc biểu tình của giới tu sĩ Tây Tạng tại Lhassa để kỷ niệm biến cố năm 1959 đã biến thành bạo động và đặc biệt là trong đợt kỷ niệm năm 2008, bạo động đã lan rộng đến các tỉnh thành chung quanh Lhassa, nơi có đông người Tây Tạng sinh sống. Tính từ năm 2009 tới nay, đã có hơn 120 tu sĩ Tây Tạng tự thiêu để phản đối Trung Quốc đàn áp tôn giáo và chà đạp văn hóa lâu đời của người Tây Tạng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.