Vào nội dung chính
MỸ - TÂY TẠNG

Obama công khai ủng hộ đấu tranh bảo vệ văn hóa Tây Tạng

Bất chấp các phản ứng dữ dội được dự báo trước từ phía Bắc Kinh, Tổng thống Mỹ Barack Obama vào hôm qua, 21/02/2014 đã tiếp đón lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng – Đức Đạt Lai Lạt Ma – tại Nhà Trắng. Cuộc gặp đã diễn ra trong vòng một tiếng đồng hồ, trong đó ông Obama đã tái khẳng định hậu thuẫn của Mỹ đối với cuộc đấu tranh của người Tây Tạng nhằm bảo vệ tôn giáo, văn hóa và ngôn ngữ của mình.

Tổng thống Obama tiếp đón Đạt Lai Lạt Ma ngày 21/02/2014 tại Nhà Trắng.
Tổng thống Obama tiếp đón Đạt Lai Lạt Ma ngày 21/02/2014 tại Nhà Trắng. (White House)
Quảng cáo

Theo Thông tín viên Jean-Louis Pourtet tại Washington, Hoa Kỳ không mấy lo ngại trước các phản ứng giận dữ của Trung Quốc cho dù về mặt hình thức, Nhà Trắng đã có một số động thái gỡ gạc thể diện cho Bắc Kinh.

« Nhà Trắng đã thực hiện tất cả mọi thứ để Bắc Kinh bớt phẫn nộ. Trước hết, Phủ Tổng thống Mỹ xác định rằng ông Obama tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma trong tư cách một lãnh đạo tôn giáo và văn hóa chứ không phải là một lãnh đạo chính trị.

Về thủ tục đón tiếp cũng thế : Cuộc gặp diễn ra tại Phòng Bản đồ thay vì Phòng Bầu dục như đối với các lãnh đạo chính trị, và không có nghi thức chụp ảnh chính thức lúc đón và lúc đưa.

Tuy nhiên, sau cuộc hội kiến, một bản thông cáo báo chí của Nhà Trắng đã tái khẳng định hậu thuẫn của Hoa Kỳ đối với công cuộc bảo tồn các truyền thống tôn giáo, văn hóa và ngôn ngữ của Tây Tạng, cũng như việc bảo vệ nhân quyền cho người Tây Tạng trong lòng đất nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Hoa Kỳ khuyến khích đối thoại giữa Đức Đạt Lai Lạt Ma và chính quyền Trung Quốc, và yếu tố « trong lòng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa », được nêu rõ trong bản thông cáo, biểu thị quan điểm chính thức của Mỹ là không ủng hộ cuộc đấu tranh đòi lại độc lập cho Tây Tạng.

Thái độ giận dữ của Trung Quốc không khiến Nhà Trắng ngạc nhiên chút nào : Tổng thống Obama đã gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma hai lần, và lần nào Trung Quốc cũng phản đối.

Tuy nhiên, cho dù giũa hai bên còn tồn tại nhiều bất đồng, từng được Ngoại trưởng John Kerry nêu lên nhân chuyến ghé thăm Bắc Kinh hồi tuần trước – như vấn đề vùng phòng không của Trung Quốc hay tranh chấp lãnh thổ ở Biển Hoa Đông chẳng hạn – theo giới phân tích, không bên nào muốn gây tổn hại nghiêm trọng cho mối quan hệ song phương ».
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.