Vào nội dung chính
PHÁP - TRUNG QUỐC - KINH TẾ

Peugeot : Khi rồng tới cứu sư tử

Hôm qua, 18/02/2014, bản ghi nhớ về việc có thêm hai cổ đông tham gia vào vốn của tập đoàn sản xuất hơi PSA Peugeot Citroen là Nhà nước Pháp và tập đoàn Đông Phong của Trung Quốc đã được ký kết. Thỏa thuận chính thức sẽ được ký kết nhân chuyến thăm Pháp của Chủ tịch Tập Cận Bình ngày 26/03 tới. Các thắc mắc và lo ngại xung quanh sự kiện Trung Quốc hiện diện trong một tập đoàn sản xuất xe hơi truyền thống của Pháp đều được các báo ra ngày hôm nay quan tâm đưa lên trang nhất.

Quảng cáo

Phải mất một năm đàm phán, gia đình Peugeot mới chấp nhận sự tham gia của Nhà nước Pháp và tập đoàn Đông Phong Trung Quốc. Theo tóm tắt trên trang nhất của báo Le Monde, gia đình Peugeot, trong giai đoạn chia rẽ, đành từ bỏ việc kiểm soát tập đoàn. Từ hai năm nay, công ty sản xuất ô tô Pháp rơi vào tình trạng thiếu vốn và vô vọng tìm kiếm một đối tác công nghiệp. Hơn nữa, công ty muốn vươn ra ngoài thị trường Pháp và muốn phát triển hoạt động tại thị trường Châu Á.

Theo thỏa thuận kí kết giữa ba bên, từ ngày 19/02/2014, vốn của tập đoàn Peugeot sẽ tăng lên thêm 3 tỉ euro, trong đó chính phủ Pháp và tập đoàn Đông Phong sẽ tham gia khoảng từ 750 triệu tới 800 triệu mỗi bên. Như vậy, ba cổ đông chính, gia đình Peugeot, Nhà nước Pháp và tập đoàn Đông Phong, mỗi bên, sẽ nắm giữ 14% vốn của PSA Peugeot Citroen. Trên trang phân tích, phóng viên khẳng định việc Nhà nước Pháp tham gia vào nhà sản xuất xe hơi sẽ giúp ổn định vốn của tập đoàn này và duy trì việc làm của khoảng 300 000 lao động trực tiếp hay gián tiếp, cũng như cho đầu tư vào việc nghiên cứu và phát triển.

Năm ngoái, PSA Peugeot gặp nhiều khó khăn tại Châu Âu, Nga và Nam Mỹ. Báo Le Figaro nhận định, trong năm 2014, « PSA đánh cược tương lai của mình tại Trung Quốc ». Để chứng minh ý trên, tờ báo đưa ra số liệu, năm ngoái, 2,82 triệu xe Peugeot được bán trên toàn thế giới, trong khi đó, tập đoàn Đông Phong bán được 3,5 triệu xe (chiếm gần 16% thị trường). Cho dù nhiều lần hợp tác với các tập đoàn nước ngoài, Đông Phong vẫn chưa vươn ra khỏi Trung Quốc và rất trông mong vào Peugeot để thay đổi điểm yếu này.

Nhận định từ hai phía, báo Les Echos cho rằng cả Pháp và tập đoàn Đông Phong đều có lợi trong thỏa thuận này. Nhìn từ phía Pháp, tờ báo đánh giá trên trang nhất : « Peugeot : Ván cược Trung Quốc ». Nhìn từ phía Trung Quốc, trên phụ trương « Doanh nghiệp và thị trường », tờ báo ví von : « PSA-Đông Phong : Khi rồng tới cứu sư tử ». Một chuyên gia của tờ báo phân tích, sau nhiều năm lao đao, cuối cùng tương lai của Peugeot có thể được cải thiện với việc gia nhập vào thì trường khổng lồ Trung Quốc. Trong khi đó, Đông Phong, với 14% cổ phiếu, sẽ không thu được nhiều lợi nhuận và không có quyền phát ngôn trong tập đoàn PSA Peugeot, nhưng họ sẽ được tiếp cận với công nghệ mới, đặc biệt là các lĩnh vực chế tạo xe chạy diesel và điện.

Dưới tựa đề « Một Nhà nước lái xe hay chỉ là hành khách ? », báo L’Humanité lại tỏ ra nghi ngờ vai trò của Nhà nước Pháp trong tập đoàn PSA Peugeot. Lo ngại về số phận của người lao động tại đây, tờ báo đặt câu hỏi : « Thỏa thuận PSA-Đông Phong : Nhà nước Pháp chơi trò gì ? ». Bộ trưởng Bộ Phục hồi kinh tế, Arnaud Montebourg, từng hứa tới năm 2016 sẽ có 1 triệu ô tô « sản xuất tại Pháp », thay vì 930 000 xe như hiện nay. Thế nhưng, thỏa thuận với Đông Phong sẽ kéo dài tới năm 2024. Theo Tổng Thư kí nghiệp đoàn CGT Peugeot Sochaux, lời hứa trên chẳng có chút cam đoan nghiêm túc. Ông thấy tiếc là 800 triệu euro mà Nhà nước đầu tư vào vốn của Peugeot nên để dành vào việc khác thay vì xây dựng một nhà khổng lồ đi chinh phục thị trường thế giới.

Báo La Croix cũng dành trang đầu cho sự kiện trên với tựa đề : « Khi người Trung Quốc đầu tư vào Pháp ». Để minh họa cho bài phân tích : « Những rủi ro và cơ hội của đầu tư Trung Quốc » đăng trên trang hai, tờ báo đăng tranh biếm họa một phu xe Trung Quốc đội nón đang kéo một chiếc xe tay dán mác « Peugeot », ngồi bên trong là một ông tây mũi lõ. Tờ báo nhận định việc nhà sản xuất Đông Phong tham gia vào vốn của PSA Peugeot Citroen chứng tỏ sức mạnh đang lên của các doanh nghiệp Trung Quốc. Tờ báo mở rộng đề cập tới việc đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc tại Pháp, cho phép người lao động giữ lại việc làm và tạo ra nhiều việc làm mới. Năm 2013 có khoảng 200 chi nhánh của quốc gia này được thành lập tại đây và sử dụng từ 12 000 đến 15 000 lao động.

Số phận của Thủ tướng Thái Lan đang tính trên đầu ngón tay

Quay sang tình hình Châu Á, khủng hoảng tại Thái Lan vẫn tiếp tục nhận được sự quan tâm của hai tờ Les Echos và Le Figaro. Sau nhiều tháng xung đột, chính phủ luôn muốn duy trì đường lối không bạo động. Song ngày hôm qua, tình hình thay đổi hoàn toàn với việc chính phủ huy động cảnh sát chống bạo động để chiếm lại một số công sở đang bị phe đối lập chiếm giữ.

Dưới tựa đề : « Bàn tay sắt cảnh sát và tư pháp tại Bangkok », Le Figaro nhận định việc chính quyền Thái Lan thẳng tay đàn áp người biểu tình là do tranh thủ việc phong trào phản đối đang xẹp xuống với số lượng người biểu tình giảm hẳn từ sau cuộc bầu cử ngày 02/02 vừa qua. Thế nhưng, thời gian đang quay lưng lại với Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Đây cũng là nhận định của tờ Les Echos với tin : « Ngày của Thủ tướng Thái Lan đang được tính » và tờ L’Humanité, dưới dòng tựa : « Gọng kìm đang xiết chặt tại Thái Lan ».

Phe đối lập đã tìm được một đồng minh có giá là Ủy ban chống tham nhũng (NACC). Cơ quan trên thông báo ngày 27/02 tới sẽ triệu tập Thủ tướng đương nhiệm vì phát hiện những bất thường trong chương trình trợ giá của chính phủ cho nghề trồng lúa. Thủ tướng đã nhiều lần được thông tin về tình trạng tham nhũng xung quanh chương trình này nhưng bà đều làm ngơ. Điều này chứng tỏ bà cố tình gây thất thoát cho chính phủ. Quá trình tố tụng có thể buộc bà phải từ chức và sẽ mở ra một chương mới cho cuộc khủng hoảng.

Với nền kinh tế Thái Lan, đã đến lúc cuộc khủng hoảng này phải được chấm dứt. Thứ nhất, đồng bath đang mất giá so với đồng đô la mà khủng hoảng chính trị là yếu tố chính gây nên. Ngoài ra, du lịch cũng bị ảnh hưởng, đặc biệt là nguồn khách du lịch quan trọng Trung Quốc đã bỏ qua quốc gia này trong dịp Tết. Hơn nữa, GDP của quý 4 năm ngoái chỉ tăng 0,6% thay vì 2,7% của ba quý trước đó. Nhiều giấy phép đầu tư cũng bị hoãn vì lý do hành chính. Các nhà phân tích dự đoán GDP năm 2014 của Thái Lan sẽ chỉ đạt 3% thay vì 4% dự tính ban đầu.

An toàn lao động tại Bangladesh

Vẫn liên quan tới tình hình Châu Á, báo La Croix quan tâm tới vấn đề an toàn lao động tại các nhà máy dệt may ở một trong những công xưởng lớn của thế giới trong bài : « Tại Bangladesh, các nhà máy dệt may sẽ bị kiểm tra nhiều hơn ».

Sau vụ tai nạn sập một tòa nhà xảy ra hồi tháng 4 năm 2013 khiến 1 135 công nhân bị chết, lần đầu tiên, 150 công ty may mặc của 20 nước trên toàn thế giới sẽ tiến hành một chiến dịch kiểm tra an toàn lao động bắt đầu ngày hôm nay. Nỗ lực gây sức ép lên các công ty trên của các tổ chức phi chính phủ đạt kết quả là bản thỏa thuận về « an toàn các nhà máy tại Bangladesh » được kí kết ngày 15/05/2013.

Các tổ chức công đoàn và doanh nghiệp chỉ định hàng chục kỹ sư độc lập chuyên về cơ sở hạ tầng và an toàn chống hỏa hoạn. Họ được chia thành bốn nhóm và sẽ tới kiểm tra 1 700 nhà máy trên toàn lãnh thổ cho tới tháng 9 tới. Rất ít nhà máy có trang thiết bị an toàn cơ bản, như lối thoát hiểm hay bình cứu hỏa.

Thế nhưng, người phụ trách văn phòng « Quốc tế hóa và nhân quyền » của Liên đoàn quốc tế Nhân quyền (FIDH) lại lấy làm tiếc là bản thỏa thuận trên chỉ quan tâm tới vấn đề an toàn của các tòa nhà. Trong khi đó, việc cải thiện điều kiện làm việc, mà cụ thể là tôn trọng quyền tự do đoàn hội lại vẫn bị quên lãng.

Úc và chính sách chống nhập cư

« Chống làn sóng nhập cư bất hợp pháp, nước Úc lên gân chính sách của mình ». Đây là tiêu đề bài phóng sự của báo Le Figaro. Lấy lòng cử tri Úc nhờ khẩu hiệu : « Dừng các tàu nhập cư », điều kiện giam giữ của người xin tị nạn càng trở nên nặng nề hơn dưới thời Thủ tướng Tony Abbott.

Ngay sau khi lên nhậm chức, Thủ tướng Úc đã tung ra chiến dịch quân sự « Biên giới tối cao » để chống nạn nhập cư bất hợp pháp. Không một người nhập cư nào được đặt chân lên lãnh thổ Úc. Từ bây giờ, những người bị bắt chỉ còn một lựa chọn là quay về nước hoặc bị giam vô thời hạn.

Trước đây, hải quân tuần tra trên các tàu chiến với nhiệm vụ tiếp cận và áp giải các tàu vượt biên tới đảo Christmas hoặc đưa họ về các trại tập trung trên đảo Manus hay tại nước Cộng hòa Nauru. Nhưng dưới thời chính phủ mới, đầu tiên hải quân yêu cầu, nếu không được, sẽ ép người xin tị nạn phải quay về nước của mình. Chính vì thế, bạo lực đã xảy ra. Nhiều người xin tị nạn, sau khi bị đưa về Indonesia, đã lên án hải quân Úc bắn chỉ thiên để đe dọa trong lúc kéo tầu. Chính phủ của Thủ tướng Abbott từ chối bình luận những tai nạn trên vì cho rằng đây là « bí mật quốc phòng ». Trong khi đó, người Úc hoàn toàn ủng hộ chính sách trên, thậm chí 60% dân Úc còn muốn chính phủ phải mạnh tay hơn nữa với người nhập cư.

Theo thông báo của Bộ Nhập cư, không một đơn xin tị nạn nào được chuyển tới từ ngày 19/12 vừa qua. Làn sóng tới Úc đã giảm tới 80% từ khi tung ra chiến dịch. Nhưng Bộ Nhập cư không đưa ra con số thuyền vượt biên bị đưa về Indonesia. Trong quá trình áp giải tàu về Indonesia, hải quân Úc đã xâm phạm lãnh hải của nước này, điều đó đi ngược lại chính sách của Úc. Về phần mình, Indonesia cũng muốn bảo vệ chủ quyền lãnh hải và điều các tuần duyên dọc đường hải phận cùng với sự ứng trợ của ba tàu chiến.

Rất nhiều báo cáo các tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) và Theo dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch) nhấn mạnh những nguy cơ của chính sách hiện nay của Úc. Tổ chức Liên hiệp quốc về vấn đề người tị nạn tại Jakarta đã yêu cầu chính phủ Úc cung cấp những chi tiết cụ thể về chiến dịch trên nhằm nêu lên các vấn đề quan trọng có thể sẽ xếp Úc vào việc vi phạm nghĩa vụ của mình theo Công ước về người nhập cư, cũng như các nghĩa vụ khác về luật quốc tế.

Ai Cập : Du lịch khốn đốn vì khủng bố

Ba năm sau khi Tổng thống Hosni Moubarak bị lật đổ, Ai Cập vẫn sống trong những ngày tháng tăm tối và tương lai chẳng có vẻ gì sáng lạn. Điều hành đất nước từ mùa hè 2013, chế độ hiện nay hàng tuần phải đối mặt với các vụ khủng bố đang làm chao đảo đất nước. Nhân vụ khủng bố xảy ra ngày Chủ nhật vừa qua tại thung lũng sông Nil, các báo Le Monde và La Croix phân tích ảnh hưởng của cuộc nội chiến tới nền kinh tế của đất nước, đặc biệt là ngành du lịch.

Những cuộc khủng bố và khủng hoảng chính trị đã khiến khách du lịch quay lưng với các khu du lịch tại thung lũng các Đế vương. « Vắng khách du lịch, người dân vùng Louxor chẳng còn gì ». Đó là nhận định của báo Le Monde. Còn tờ La Croix đưa tin : « Tại Ai Cập, Louxor mong khách du lịch quay lại ». Trong thành phố, may mắn vẫn nằm ngoài những cuộc bạo loạn, những người sống nhờ du lịch trách cựu tổng thống Morsi và tổ chức Huynh đệ Hồi giáo đã khiến khách nước ngoài bỏ chạy.

Những ngày gần đây, chỉ có 32% phòng khách sạn tại khu vực du lịch nổi tiếng này là có khách. Hãng hàng không Egyptair vừa mở thêm một đường bay thẳng hàng tuần Paris-Louxor ngày 15/02 vừa qua với hy vọng, cùng với các chuyến bay thẳng tới Anh và Đức, sẽ mang lại khách du lịch cho thành phố cổ này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.