Vào nội dung chính
THÁI LAN

Khủng hoảng chính trị Thái Lan : Tác hại kinh tế bắt đầu rõ nét

Khủng hoảng chính trị Thái Lan đã kéo dài gần hai tháng nay. Chiến dịch phong tỏa thủ đô Bangkok do phong trào chống chính phủ tiến hành kể từ thứ Hai đầu tuần (12/01/2014) cho thấy là tình hình vẫn rất căng thẳng giữa hai phe.

Phe chống chính phủ đe dọa "phong tỏa" Bangkok : Lượng du khách tháng 12/2013 sút giảm - REUTERS /Athit Perawongmetha
Phe chống chính phủ đe dọa "phong tỏa" Bangkok : Lượng du khách tháng 12/2013 sút giảm - REUTERS /Athit Perawongmetha
Quảng cáo

Cuộc khủng hoảng dai dẳng này bắt đầu tác động đáng kể đến nền kinh tế của vương quốc Thái, thường được xem là cường quốc kinh tế thứ hai ở Đông Nam Á sau Indonesia. Dấu hiệu rõ nhất phản ánh tình hình này là các dự báo tăng trưởng kinh tế của Thái Lan trong năm 2014 đã bị hạ thấp đáng kể. Từ Bangkok, thông tín viên Arnaud Dubus giải thích :

Arnaud Dubus : Tác động kinh tế bắt đầu hiện rõ. Công ty thẩm định và xếp hạng tài chính quốc tế Moody Analytics đã hạ thấp tỷ lệ tăng trưởng kinh tế dư báo cho năm 2014 từ 5,2% xuống còn 4,3%. Các định chế khác còn mạnh tay hơn nữa.

Có 3 lĩnh vực kinh tế Thái Lan bị ảnh hưởng trực tiếp, trước hết là ngành du lịch, chiếm 6% Tổng sản phẩm quốc nội GDP của đất nước. Mức tăng số lượng du khách trong tháng Mười hai rất đáng thất vọng : Rất nhiều hãng du lịch đã hủy bỏ các tour ngay trong mùa cao điểm vì các cuộc biểu tình chống chính phủ tại Bangkok. Xu hướng hủy chuyến sẽ tiếp tục trong tháng Giêng.

Mức tiêu thụ nội địa, một động lực khác của tăng trưởng cũng bị ảnh hưởng mạnh mẽ, bởi vì người Thái không muốn chi tiêu trong thời điểm căng thẳng. Các nhà sản xuất xe hơi dự kiến là doanh số bán xe của họ sẽ sút giảm đáng kể.

Sau cùng, khu vực dịch vụ cũng bị ảnh hưởng vì các cuộc biểu tình đã ngăn không cho công nhân viên chức làm việc tại Bangkok tới sở làm một cách đều đặn, thường xuyên.

RFI : Còn đối với giới đầu tư ngoại quốc thì sao ? Có hiện tượng sút giảm tin tưởng hay không ?

Arnaud Dubus : Cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan chính ra bắt đầu từ cuối năm 2005. Bất chấp một thời gian tạm thời lắng dịu kể từ đầu nhiệm kỳ của bà Thủ tướng Yingluck Shinawatra từ tháng 7 năm 2011 cho đến cuối tháng Mười một năm ngoái 2013, dưới mắt của các nhà đầu tư nước ngoài, Thái Lan ngày càng bị coi là một quốc gia không ổn định về mặt chính trị.

Thế nhưng trong thực tế, hầu hết các nhà máy của các tập đoàn ngoại quốc đều được đặt bên ngoài Bangkok, do đó rất ít bị các biến động tại thủ đô Thái Lan ảnh hưởng. Tình trạng dây chuyền cung ứng cho các nhà máy bị gián đoạn, như đã từng xẩy ra trong thời gian lũ lụt nghiêm trọng năm 2011, đã không diễn ra.

Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, có một yếu tố đáng quan ngại. Đó là chương trình bao gồm các đại đề án xây dựng cơ sở hạ tầng của chính phủ Yingluck Shinawatra, mà trị giá lên tới hàng chục tỷ euro và rất được các công ty nước ngoài quan tâm. Các dự án có nguy cơ bị trì hoãn, nếu không muốn nói là bị hủy hẳn, do cuộc khủng hoảng.

Về lâu về dài, các hãng nước ngoài bắt đầu xem xét khả năng di chuyển các hoạt động sản xuất của họ qua quốc gia nào khác trong khu vực. Lý do là vì không ai biết được là khủng hoảng tại Thái Lan sẽ kéo dài trong bao lâu. Và tiến trình kế vị Quốc vương Thái Lan có thể làm cho tình hình khủng hoảng chính trị trầm trọng thêm trong thập kỷ tới đây.

RFI : Riêng trên bình diện tài chính, tình hình như thế nào ?

Arnaud Dubus : Trong những tháng gần đây, vốn nước ngoài có xu hướng rời khỏi Thái Lan, chủ yếu là do việc thị trường Mỹ đã trở nên hấp dẫn hơn. Căng thẳng chính trị tại Thái Lan đã góp phần thúc đẩy thêm xu hướng đó.

Hiện tượng tư bản nước ngoài chạy khỏi Thái Lan đã khiến cho giá trị đồng baht Thái giảm đi đáng kể so với đồng đô la Mỹ hay đồng euro châu Âu. Thế nhưng sự giảm giá đó lại là một tin khá tốt cho các nhà xuất khẩu Thái Lan, vì nhờ vậy mà hàng Thái Lan trở nên cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế. Đây là điều tốt bởi vì xuất khẩu chiếm hơn 60% GDP của Thái Lan.

Hiện tượng vốn nước ngoài tháo chạy không nhất thiết là một điều xấu cho nền kinh tế Thái Lan, nhưng nó làm cho giá cả hàng tiêu dùng trong nước tăng lên, cũng như giá điện và nhiên liệu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.