Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - KHÔNG GIAN

Trung Quốc muốn lập trạm nghiên cứu trên mặt trăng

Hôm qua, 14/12/2013, phi thuyền Hằng Nga 3 của Trung Quốc đã nhẹ nhàng đặt lên mặt trăng xe thăm dò Thỏ Ngọc. Vậy Trung Quốc thực hiện chương trình này nhằm mục đích gì và có lợi gì ? Báo Le Monde phỏng vấn ông Philippe Coué, tác giả nhiều cuốn sách viết chương trình không gian Trung Quốc.

Màn hình tại Trung tâm kiểm soát Không gian Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 14/12/2013
Màn hình tại Trung tâm kiểm soát Không gian Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 14/12/2013 REUTERS
Quảng cáo

Tại sao Trung Quốc lại quan tâm đến Mặt Trăng mà từ nhiều thập niên qua, Mỹ và Liên Xô cũ, cũng như Nga, không chú ý tới nữa ?

Chắc chắn, đó là do ý muốn chính trị, theo đó, Trung Quốc sẽ đưa người lên mặt trăng và làm việc ở đó, trong lúc các nước khác thì chỉ đặt trên lên mặt trăng rồi trở về. Một khi lập được một cơ sở thường trực trên đó, Trung Quốc sẽ tiến hành các thử nghiệm cụ thể. Nếu so sánh với việc lập trạm nghiên cứu trên quỹ đạo, thì công việc trên mặt trăng sẽ nhanh chóng hơn. Vấn đề hậu cần sẽ dễ dàng hơn.

Các nay vài tuần, các chuyên gia Trung Quốc đã cho khai trương một máy luyện tập, giả định làm việc trên mặt trăng, gọi là Trạm Lunar 1, cho phép đón tiếp 4 nhà du hành vũ trụ, làm việc nhiều ngày trong đó. Từ 5 năm nay, các phương tiện truyền thông kỹ thuật Trung Quốc đã nói về những chuyến bay có phi hành gia lên mặt trăng, nghiên cứu chế tạo các bộ quần áo du hành vũ trụ, cho phép ra khỏi phi thuyền, làm việc trên mặt trăng, các loại xe tự hành, tên lửa đẩy… Để phóng được phi thuyền có người lái, cần phải có tên lửa đẩy cực lớn, như loại CZ9 mà Trung Quốc lần đầu tiên nói đến vào năm 2008 và hiện nay, tên lửa này đang được phát triển, hoàn thiện.

Tại sao Trung Quốc lại tiến hành cả hai chương trình lắp đặt trạm nghiên cứu trên quỹ đạo và trên mặt trăng ?

Với trạm nghiên cứu trên quỹ đạo, các phi hành gia Trung Quốc có thể luyện tập sống và làm việc trong một thời gian dài trong không gian và hoàn thiện các hệ thống tái chế vì phải hạn chế tối đa việc vận chuyển hàng hóa lên mặt trăng. Tôi nghĩ về mặt lo gích, trạm nghiên cứu trên quỹ đạo của Trung Quốc có thể thay thế cho trạm nghiên cứu không gian quốc tế vào năm 2020. Lúc đó, trạm nghiên cứu quỹ đạo của Trung Quốc sẽ hoàn chỉnh và sẽ được mở rộng, để đón nhận thêm những khoang mới.

Trung Quốc đã tuyên bố sẵn sàng tiến hành hợp tác quốc tế trong lĩnh vực không gian. Một khi thành thạo, nhờ tham gia hợp tác quốc tế, Trung Quốc sẽ tự thực hiện sơ đồ này để lập cơ sở trên mặt trăng. Điều này giúp Trung Quốc có vị trí thuận lợi trong một chương trình nghiên cứu quan trọng. Khả năng thứ hai lý giải việc lập cơ sở trên mặt trăng là Trung Quốc cho rằng một cường quốc muốn có vai trò thống trị trong thế kỷ 21 thì phải đưa vấn đề quản lý một vật thể ngoài trái đất vào trong hệ thống phát triển kinh tế quốc gia. Các bài xã luận gần đây đã khẳng định rằng « Trung Quốc có tính chính đáng để tiếp tục hoạt động thăm dò của những nước đi tiên phong » và tự coi mình là người kế thừa hai siêu cường của thế kỷ trước.

Trung Quốc thu được gì qua chương trình thám hiểm mặt trăng ?

Khi tiến hành được các hoạt động rất phức tạp như đưa người lên không gian hoặc phóng thành công một phi thuyền lên mặt trăng, quốc gia đó chứng tỏ trình độ tổ chức rất cao. Điều đó còn cho thấy khả năng làm chủ một loạt các công nghệ rất tối tân và tạo ra hình ảnh một quốc gia hiện đại.

Loại chương trình này cũng còn nhằm mục đích tạo sự đoàn kết, gắn bó trên phạm vi quốc gia. Đây là một cách để chứng tỏ với người dân trong nước là Trung Quốc đã đạt một trình độ rất cao và Đảng đã giữ lời hứa. Điều này cũng giúp động viên thúc đẩy nghiên cứu, đạt được các tiến bộ kỹ thuật. Việc chứng tỏ các khả năng kỹ thuật như vậy cho phép giữ lại những sinh viên giỏi đang muốn ra nước ngoài làm việc và thu hút những người tài giởi về nước.
Trong mọi trường hợp, việc phi thuyền Hằng Nga 3 đưa được xe thăm dò Thỏ Ngọc lên mặt trăng đánh dấu bước khởi đầu cho hoạt động đầu tư lâu dài của Trung Quốc trên mặt trăng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.