Vào nội dung chính
MỸ - TRUNG

Căng thẳng trên Biển Hoa Đông: Mỹ muốn Trung Quốc lập "đường dây nóng"

Hôm qua 06/12/2013, Hoa Kỳ đã đề nghị Trung Quốc thiết lập một « đường dây nóng » với Hàn Quốc và Nhật Bản, trong bối cảnh căng thẳng do « vùng nhận dạng phòng không » mà Bắc Kinh đơn phương quy định tại Biển Hoa Đông.

Senkaku trên bản đồ với nhiều cách gọi theo tiếng Nhật, Trung Quốc và Đài Loan (© wikipedia)
Senkaku trên bản đồ với nhiều cách gọi theo tiếng Nhật, Trung Quốc và Đài Loan (© wikipedia)
Quảng cáo

Hôm 23/11/2013, Trung Quốc đã tự ý đặt ra một « vùng nhận dạng phòng không » bao trùm lên phần lớn Biển Hoa Đông. Vùng này cũng bao phủ cả khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, hiện đang do Tokyo quản lý nhưng Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền.

Washington, Tokyo và Seoul đã lần lượt gởi các chiến đấu cơ lên vùng này, cũng như các thông điệp cho biết không chấp nhận các quy định mới của Bắc Kinh.

Bà Marie Harf, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố : « Trung Quốc cần phải làm việc với các nước khác như Nhật Bản và Hàn Quốc để vận dụng những biện pháp nhằm tái lập lòng tin, trong đó có các kênh thông tin khẩn cấp để đối phó với các hiểm nguy từ thông báo mới đây của Bắc Kinh ».

Trong số những nguy cơ do « vùng nhận dạng phòng không » Trung Quốc gây ra, bà Marie Harf nêu lên sự kiện vùng này trải rộng lên những không phận đang do các quốc gia khác quản lý. Như vậy Bắc Kinh cũng đã tạo nên « một tình trạng trong đó hai chính quyền khác nhau đều có thể ra lệnh cho các phi cơ dân sự, có nguy cơ gây ra sự hỗn độn ».

Bà Marie Harf khẳng định : « Điều này tạo ra sự bất ổn trầm trọng, dẫn đến việc các nước láng giềng của Trung Quốc phải sử dụng đến những biện pháp để đối phó ».

Về phía Phó tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến công du châu Á, sau khi đến thăm Tokyo và Seoul, hôm thứ Năm 5/12 tại Bắc Kinh ông cũng đã nhấn mạnh, vùng nhận dạng phòng không do Trung Quốc lập ra đã gây ra « quan ngại thực sự ». Ông Biden cho rằng hòa bình và ổn định trong khu vực cũng là lợi ích của Trung Quốc.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.