Vào nội dung chính
THÁI LAN

Thái Lan : Đảng Dân chủ và chiến lược giành lại chính quyền

Từ nhiều tuần lễ nay, đời sống chính trị Thái Lan lại trải qua nhiều biến động. Tình hình đã xấu hẳn đi kể từ Thứ hai 25/11/2013 với việc hàng ngàn người biểu tình chống chính quyền chiếm đóng một số bộ ở trung tâm thủ đô Bangkok.

REUTERS/Damir Sagolj
Quảng cáo

Một cuộc đọ sức đã diễn ra giữa những người biểu tình và chính phủ của nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Tòa án Hình sự Thái Lan đã phát lệnh bắt giữ về tội gây rối trật tự công cộng đối với nhân vật lãnh đạo chính của phong trào phản đối, cựu dân biểu đối lập Suthep Thaugsuban.

RFI đã đặt câu hỏi cho Arnaud Dubus, thông tín viên trong khu vực, để tìm hiểu thêm về cuộc khủng hoảng rất phức tạp này. Trước tiên hết, Arnaud Dubus đã nêu bật căn nguyên cơ bản khiến cho tình hình chính trị Thái Lan đột nhiên căng thẳng trở lại.

Arnaud Dubus : Từ hai năm rưỡi nay, người điều hành đất nước Thái Lan là bà Yingluck Shinawatra, em gái của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Chúng ta phải nhớ lại rằng ông Thaksin, Thủ tướng chính phủ từ năm 2001 đến năm 2006, đã bị lật đổ trong một cuộc đảo chính vào năm 2006, và đã bị kết án năm 2008 về tội lạm dụng quyền lực. Từ đó đến nay, ông đã phải sống lưu vong ở ngoại quốc.

Ngay từ lúc đầu, một phần dân chúng Thái Lan cho rằng của chính phủ Yingluck chỉ là một loại con rối trong tay của ông Thaksin, và nhân vật này tiếp tục lãnh đạo đất nước thông qua người em gái.

Ngoài ra, một số chính sách kinh tế của nữ Thủ tướng Yingluck, chẳng hạn như quyết định hỗ trợ nông dân trồng lúa, đã khiến cho nhiều giới sinh sống tại các đô thị bất bình. Họ cho rằng chính sách đó đã gây nên tình trạng lãng phí tài chính rất lớn.

Tâm lý bất mãn ngày càng gia tăng và đã biến thành sự giận dữ khi đảng Puea Thai đương quyền đã bỏ phiếu thông qua vào đầu tháng 11 một đạo luật ân xá trong những điều kiện không rõ ràng. Đạo luật này được cho là sẽ mở đường cho ông Thaksin trở về nước.

Phải nói là chính phủ Yingluck đã rất vụng về trong vụ này và phe đối lập đã khai thác điều đó.

RFI : Những người biểu tình hiện nay thuộc các thành phần xã hội nào, xu hướng chính trị ra sao và họ theo đuổi mục tiêu gì ?

Arnaud Dubus : Họ chủ yếu thuộc tầng lớp trung lưu thành thị, nhưng khi hòa mình vào giữa đoàn biểu tình, điều đập mắt là một sự đa dạng xã hội nhất định.

Có rất nhiều người đến từ các tỉnh miền Nam, nơi mà đảng Dân chủ đối lập rất có ảnh hưởng. Nhưng cũng có những sinh viên đến từ các trường kỹ thuật, thường xuất thân từ các thành phần xã hội không được ưu đãi, cũng như những công nhân và tiểu thương buôn bán nhỏ ở thủ đô Bangkok. Một trong những đặc điểm của họ là lòng căm ghét gia đình Shinawatra và sự gắn bó tuyệt đối với quốc vương Thái Lan.

Trên bình diện chính trị, không thể nói rằng tất cả những người này đều ủng hộ Đảng Dân chủ, cho dù họ chú ý lắng nghe Suthep Thaugsuban, một cựu lãnh đạo của Đảng Dân chủ, phát biểu trên diễn đàn. Rất nhiều người biểu tình thuộc thành phần gọi là đa số thầm lặng, ngày thường rất ít lên tiếng, nhưng lần này đã quyết định xuống đường vì cho rằng chính phủ đã vượt quá giới hạn có thể chấp nhận được.

RFI : Anh đã nói nhiều về cựu Phó Thủ tướng và cựu dân biểu đảng Dân chủ đối lập, Suthep Thaugsuban, lãnh đạo chính của phong trào chống chính phủ hiện nay. Nhân vật đó là người như thế nào ?

Arnaud Dubus : Suthep là một chính khách khá điển hình cho tầng lớp chính trị gia « kiểu cũ » tại Thái Lan, pha trộn một chút tính chất xã hội đen mafia, tham nhũng rất dữ và rất ít tôn trọng nền dân chủ. Trên thực tế, ông ta không đáng tin cậy lắm trong tư cách lãnh đạo của một phong trào ủng hộ dân chủ và chống tham nhũng.

Chính ông là người đã khiến cho chính phủ của đảng Dân chủ bị sụp đổ vào năm 1995 , vì ông đã dính líu vào một vụ bê bối tham nhũng lớn.

Vào lúc diễn ra chiến dịch đàn áp các cuộc biểu tình của phe Áo đỏ, những người ủng hộ ông Thaksin, hồi tháng Tư và tháng Năm năm 2010, Suthep giữ chức Phó Thủ tướng. Ông được coi là kiến trúc sư đứng đằng sau cuộc đàn áp đã sát hại 90 người.

Tuy nhiên, chúng ta phải công nhận rằng ông Suthep là một con người kiên quyết, tràn đầy sinh lực và có tài kích động đám đông.

RFI : Thái độ của Đảng Dân chủ có vẻ mập mờ. Một mặt, các dân biểu trong đảng đã tham gia cuộc tranh luận về kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ tại Quốc hội, nhưng mặt khác thì một số cựu lãnh đạo trước đây của họ lại là những người đứng đầu phong trào biểu tình trên đường phố. Cần phải hiểu thế nào về thái độ này ?

Arnaud Dubus : Có một sự phân công trong nội bộ đảng Dân chủ. Ông Suthep và bảy lãnh đạo khác của đảng Dân chủ đã từ chức dân biểu để đứng ra điều hành phong trào nổi dậy trên đường phố và kêu gọi thay đổi chế độ. Còn lãnh đạo đảng Abhisit Vejjajiva và các cán bộ khác vẫn tiếp tục hành động trong khuôn khổ pháp luật và tham gia các cuộc thảo luận chống chính phủ.

Đây là một chiến lược thông minh, bởi vì nếu có chuyện gì xảy ra, cựu Thủ tướng Abhisit và các lãnh đạo khác sẽ có thể chối cãi là họ không liên quan gì đến các cuộc biểu tình.

Trong thực tế, trong gần 20 năm nay, đảng Dân chủ đã không giành được thắng lợi trong bất cứ một cuộc bầu cử Quốc hội nào, và biết rõ là cơ may chiến thắng của mình là rất thấp trong cuộc bầu cử tới đây vào năm 2015.

Đó có lẽ là lý do tại sao họ đang cố gắng lật đổ chính quyền bằng các phương tiện ngoài Hiến pháp, làm dấy lên một cuộc khủng hoảng với hy vọng giành được chính quyền.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.