Vào nội dung chính
PHILIPPINES - MỸ

Cứu trợ nhân đạo Philippines, một cách để Mỹ bảo vệ lợi ích ở Châu Á

Những ngày qua, cộng đồng quốc tế cấp tập các họat động hỗ trợ Philippines khắc phục hậu quả của cơn bão Haiyan, trong đó nổi lên là chiến dịch cứu trợ nhân đạo đang được quân đội Mỹ tiến hành với quy mô lớn. Những họat động cứu hộ khẩn cấp của quân đội Mỹ cho Philippines cũng như với nhiều nước khác trong vùng mỗi khi xảy ra thảm họa lớn, có thể được nhìn nhận như là một công cụ hữu hiệu để bảo vệ lợi ích của Washington trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Thủy thủ tàu USS Antietam (CG-54), tại vịnh Victoria Hồng Kông, nhận lệnh trước khi lên đường sang Philippines, 12/11/2013
Thủy thủ tàu USS Antietam (CG-54), tại vịnh Victoria Hồng Kông, nhận lệnh trước khi lên đường sang Philippines, 12/11/2013 REUTERS
Quảng cáo

Ngay sau cơn bão Haiyan vừa đi qua để lại hậu quả khủng khiếp về người và của cho Philippines, quân đội Mỹ đã tập trung các phương tiện lớn chưa từng có để cứu trợ đồng minh Châu Á đang bị quá tải trong việc cứu hộ nạn nhân của bão. Chiến dịch mang tên “Damayan” đã huy động một tàu sân bay, bảy chiến hạm cùng hàng chục máy bay trực thăng và vận tải quân sự vào cứu hộ nhân đạo vùng bị nạn. Hôm nay ( 14/11), hải quân Mỹ thông báo tiếp tục bổ sung thêm các phương tiện thiết bị tham gia vào chiến dịch nhân đạo này.

Bên cạnh ý nghĩa nhân đạo không thể tranh cãi trong các họat động cứu hộ, cứu nạn của quân đội Mỹ đối với Philippines trong những ngày này, giới quan sát còn nhìn thấy ở chiến dịch “quân sự-nhân đạo” Mỹ một hiệu quả của “quyền lực mềm” giữa lúc Washington đang đặt trọng tâm phát triển các quan hệ đối với vùng Châu Á –Thái Bình Dương, coi đây là khu vực lợi ích của Hoa Kỳ và đặc biệt là giữa lúc các nước trong khu vực đang ngày càng lo ngại với đà gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc.

Về họat động nhân đạo của quân đội Mỹ, ông Ely Ratner, thuộc trung tâm nghiên cứu an ninh Mỹ ( Center for a New American Security- CNSA) nhận định : " Có phương tiện trong khu vực giúp cho Hoa Kỳ tham gia cứu trợ nhanh chóng. Đó là cách để Mỹ chứng tỏ vai trò lãnh đạo và tính chính đáng trong sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Châu Á ”.

Một sĩ quan cao cấp của hải quân Mỹ cũng bảo vệ ý kiến trên với nhận xét : Thảm họa thiên tai ở Philippines là không may, nhưng lại là một thí dụ hoàn hảo cho thấy sự cần thiết quân đội Mỹ phải được triển khai và thiết lập quan hệ quân sự với các nước trong vùng.

Riêng trường hợp của Philippines lúc này thì đây cũng là dịp tốt nhất để quân đội Mỹ chứng minh hiệu quả của các cuộc tập trận chung của quân đội Mỹ-Philippines vẫn được tổ chức hàng năm mà nội dung các bài tập vẫn được thông báo là tập trung vào cứu hộ cứu nạn khẩn cấp.

Cái cớ để xích lại gần nhau

Chuyên gia về Châu Á, ông Michael Auslin, thuộcviện nghiên cứu Mỹ American Enterprise Institut nhận xét, giờ đây hợp tác quân sự trên lĩnh vực cứu trợ nhân đạo cũng là cách thuận tiện và kín đáo để các nước tạo dựng quan hệ với Hoa Kỳ. Theo ông, “có nhiều nước (Châu Á) muốn quan hệ tốt nhất với Hoa Kỳ, nhưng lại ngần ngại không muốn công khai mối liên minh ” vì vẫn sợ mếch long cường quốc láng giềng Trung Quốc. Bởi vậy, hợp tác quân sự - nhân đạo có thể là một hướng đi tuyệt vời để xích lại gần với Mỹ.

Trên thực tế, chiến dịch nhân đạo tương tự của quân đội Mỹ giúp Indonesia trong thảm họa sóng thần năm 2004 đã giúp cải thiện rất nhiều trong quan hệ quân sự giữa hai nước. Gần đây nhất, hồi tháng 8, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo cung cấp một loạt khí tài vũ trang cho Indonesia, trong đó có 8 máy bay trực thăng chiến đấu Apache. Nên nhớ, trước thời điểm 2004, các trao đổi quốc phòng giữa Indonesia và Mỹ chỉ duy trì ở mức tối thiểu.

Ngay cả với với những đồng minh lâu năm như Nhật Bản, trợ giúp nhân đạo cũng có là một phương tiện xích lại quan hệ. Chiến dịch cứu trợ của quân đội Mỹ mang tên Todomachi được tiến hành sau thảm họa động đất sóng thần hồi tháng 3 năm 2011đã tạo đà mới cho quan hệ của hai đồng minh, vốn khá căng thẳng bởi những chuyện tranh cãi xung quanh quy họach lại căn cứ quân sự Mỹ tại Nhật Bản.

Trở lại với hiện tại, cơn bão Haiyan tàn phá Philippines đúng vào lúc Manila và Washington đang thương thảo với nhau về vấn đề căn cứ quân sự Mỹ và nhất là Philippines bên trong vẫn phàn nàn chưa được Mỹ hỗ trợ đầy đủ để đối phó với Bắc Kinh trong các tranh chấp chủ quyền biển đảo. Phần đông giới phân tích đều có chung nhận định, sau chiến dịch cứu trợ nhân đạo Damayan, quan hệ chính trị và quốc phòng giữa Manila và Washington sẽ được củng cố.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.