Vào nội dung chính
SÔNG MÊKÔNG

Lào sắp xây thêm đập trên dòng chính sông Mêkông

Ủy hội Quốc tế Sông Mêkông cần phải khẩn cấp triệu tập một cuộc họp về một kế hoạch tai hại vừa được chính quyền Lào thông báo. Đó là đề án xây dựng đập thủy điện Don Sahong, con đập thứ hai trên dòng chính sông Mêkông sau đập Xayaburi đang được xúc tiến.

Nơi được chọn để xây dựng đập Don Sahong.
Nơi được chọn để xây dựng đập Don Sahong. @international rivers
Quảng cáo

Trong bản thông cáo công bố ngày 04/10/2013, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên WWF yêu cầu các nước trong khu vực phải cấp tốc xem xét tác hại môi trường của công trình này.

Sự việc khởi sự từ ngày 30/09/2013, khi chính quyền Lào chính thức thông báo cho Ủy hội Quốc tế Sông Mêkông MRC và các thành viên của Ủy hội về kế hoạch xây dựng đập thủy điện Don Sahong với công suất 260MW ngay trên sông Mêkông ở miền Nam Lào, cách biên giới Cam Bốt không xa.

Ngay sau khi quyết định của Lào được Ủy hội Sông Mêkông loan báo, Tổ chức Sông ngòi Quốc tế International Rivers – một hiệp hội đi đầu trong công việc đấu tranh bảo vệ môi trường vùng lưu vực sông Mêkông - đã lập tức lên tiếng tố cáo chính quyền Vientiane là đã né tránh, không tuân thủ quy trình ‘tham vấn trước’ các nước trong ủy hội, cụ thể là Việt Nam, Cam Bốt và Thái Lan.

Cùng với nhiều tổ chức hiệp hội quốc tế bảo vệ môi trường khác, Sông ngòi Quốc tế ngày 03/10 đã ra thông báo yêu cầu Lào hủy bỏ đề án này trước khi quá muộn vì đập này có nguy cơ ‘đẩy Cam Bốt và Việt Nam vào một cuộc khủng hoảng thực phẩm’.

Tiếp lời Sông ngòi Quốc tế, đến lượt Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên lên tiếng tố cáo chính quyền Lào coi thường các láng giềng, cũng như xem nhẹ vai trò của Ủy hội Sông Mêkông.

Trong bản thông cáo báo chí, ông Jim Leape, Tổng giám đốc đặc trách mảng quốc tế của WWF cho rằng Ủy hội Sông Mêkông MRC sẽ trở thành vô dụng nếu việc xây dựng đập Don Sahong được xúc tiến mà không có bất kỳ một cuộc tham khảo ý kiến trước nào.

Đối với Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên : "Tổ chức MRC trong thực tế đã phá vỡ khi chính quyền Lào, vào tháng Mười một năm ngoái (2012) đã đơn phương thúc đẩy tiến trình xây đập Xayaburi, bất chấp các mong muốn rõ ràng từng được Việt Nam và Cam Bốt nêu lên". Đập Xayaburi, với công suất 1.285 MW đã được Lào tiếp tục cho xây mặc dù hai láng giềng Cam Bốt và Việt Nam đã phản đối gay gắt.

Ông Jim Leape cũng kêu gọi Việt Nam, Cam Bốt và Thái Lan công khai lên tiếng bày tỏ thái độ quan ngại trước sự kiện Lào " tiếp tục không tôn trọng các thỏa thuận về việc tham khảo ý kiến." Theo người đại diện WWF : "Nếu không có sự hợp tác xuyên biên giới hiệu quả, sinh kế và an ninh lương thực của 60 triệu người đang bị đe dọa".

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.