Vào nội dung chính
THÁI LAN - BIỂN ĐÔNG - PHỎNG VẤN

Thái Lan : Môi giới tốt cho ASEAN và Trung Quốc về Biển Đông ?

Thái Lan là quốc gia điều phối quan hệ giữa Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc cho đến năm 2015. Trong vai trò đó, vương quốc sẽ phải làm trung gian hòa giải trong nỗ lực thúc đẩy đàm phán về tranh chấp ở Biển Đông, liên quan đến Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Brunei và Malaysia.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và nữ Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra tại Nam Ninh, ngày 02/09/2013.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và nữ Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra tại Nam Ninh, ngày 02/09/2013. REUTERS/China Daily
Quảng cáo

Hiện trạng các cuộc đàm phán ra sao, đặc biệt trong việc thành lập một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông ? Vai trò của Thái Lan trong cuộc thương thảo đó là gì ?

Từ Bangkok, Arnaud Dubus, thông tín viên của RFI trong khu vực trước hết xác định rằng Thái Lan hiện có nhiều ưu thế để đóng vai điều phối viên.

04:25

Thông tín viên Arnaud Dubus từ Bangkok

Arnaud Dubus : Thái Lan có một số lợi thế để đóng vai trò điều phối viên. Trước hết, Bangkok là một trụ cột của ASEAN, một thành viên sáng lập của tổ chức có trọng lượng do vị trí địa lý ở trung tâm của khu vực. Hơn nữa, Thái Lan lại không có quy chế quốc gia duyên hải nên không có được thua gì nhiều ở Biển Đông, ngược lại với Singapore và Indonesia.

Vả lại, Thái Lan còn có quan hệ rất tốt với Trung Quốc, nhưng không phải là nước lệ thuộc vào Trung Quốc, không phải là một kiểu chư hầu của Trung Quốc như Cam Bốt chẳng hạn.

Sau hết, giới chức ngoại giao Thái Lan được đào tạo tốt, thành thạo trong việc đàm phán thỏa hiệp, chuyên gia ngoại giao Thái Lan thực sự chuyên nghiệp, có kinh nghiệm và mở cửa với quốc tế.

RFI : Ngoài những lợi thế của Thái Lan đóng vai trò tích cực như một trung gian hòa giải, chúng ta có thể nói sao về những điểm yếu của Bangkok ?

Arnaud Dubus : Chúng ta có thể nói rằng có hai điểm yếu. Trước hết là vấn đề cuộc khủng hoảng chính trị – vốn đã ngăn không cho Thái Lan đóng một vai trò gì trong khu vực kể từ năm 2006 – hiện vẫn chưa kết thúc. Các chính khách Thái Lan do đó vẫn tập trung vào các vấn đề nội bộ trong nước hơn là sự phát triển của khu vực.

Nhưng điểm yếu này cũng có một khía cạnh tích cực : Vì các chính khách không quan tâm nhiều đến chính sách đối ngoại, lãnh vực này chủ yếu nằm trong tay các nhà ngoại giao chuyên nghiệp, hiểu rõ hồ sơ hơn. Đây là điều đã từng xẩy ra trước thời các chính phủ của ông Thaksin Shinawatra.

Điểm yếu thứ hai – một số nhà phân tích người Thái không tán đồng ý kiến này - là Thái Lan hiếm khi đóng một vai trò hàng đầu trong khu vực, ngoại trừ có lẽ trong thời gian ông Thaksin làm Thủ tướng. Do vấn đề văn hóa và truyền thống, các lãnh đạo Thái Lan ít quan tâm đến những gì xảy ra ở cấp độ chính trị bên ngoài biên giới của mình, và đương kim Thủ tướng Yingluck Shinawatra không phải là ngoại lệ, cho dù bà thường xuyên ra nước ngoài vì lý do thương mại.

RFI : Về vấn đề cụ thể là Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông thì tình hình hiện nay ra sao ? Nhìn từ Thái Lan thì các thách thức đối với việc hình thành ra bộ quy tắc này là gì và một khi được hình thành thì tác động của nó có thể ra sao ?

Arnaud Dubus : Trung Quốc dường như đã đồng ý về nguyên tắc việc thành lập một Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông, tức là việc hệ thống hóa các quy tắc thường trực để quản lý quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực tranh chấp.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng không nên xem cử chỉ đó của Bắc Kinh là một bước đột phá. Theo họ, Bắc Kinh tỏ vẻ mềm mỏng hơn chỉ vì lý do chiến thuật. Còn về căn bản, Trung Quốc vẫn tiếp tục chủ trương xử lý các tranh chấp trên biển một cách song phương và chống lại phương thức đàm phán đa phương. Khi các bên đi vào trọng tâm của vấn đề, Bắc Kinh chắc chắn sẽ chứng tỏ thái độ miễn cưỡng.

Một điểm khác nữa là không phải thành viên nào trong tranh chấp Biển Đông cũng thấy có lợi trong việc nhanh chóng thiết lập một bộ quy tắc ứng xử, vì điều đó sẽ buộc họ từ bỏ một số lợi ích về kinh tế hay lãnh thổ, có thể có lợi cho Trung Quốc trong tương lai.

Chẳng hạn như đối với Việt Nam, các đề án khai thác dầu khí cùng với Nga và Ấn Độ trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam có thể bị xét lại. Cũng như vây, việc tăng cường hợp tác quân sự giữa hải quân Mỹ và Philippines có thể bị đe dọa.

Tóm lại, ngay cả khi Bộ Quy tắc Ứng xử được hoàn thiện, con đường cần đi tiếp vẫn còn rất dài, và văn kiện này không phải là một phép mầu để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.