Vào nội dung chính
ẤN ĐỘ - XÃ HỘI

Ấn Độ: 23 học sinh chết vì ngộ độc thức ăn tại trường

Trong nỗ lực thu hút khoảng 120 triệu trẻ em gia đình nghèo khổ tới trường học, chính quyền Ấn Độ đã cho các em ăn miễn phí mỗi ngày một bữa. Thế nhưng, vấn đề vệ sinh thực phẩm rất tồi tệ, ngày 16/07 vừa qua, tại bang Bihar, miền đông bắc Ấn Độ. 23 học sinh tiểu học đã qua đời do ngộ độc thức ăn.

Dân làng tụ tập gần những ngôi mộ các học sinh bị chết do ngộ độc thực phẩm, bang Bihar, Ấn Độ, ngày 18/07/2013
Dân làng tụ tập gần những ngôi mộ các học sinh bị chết do ngộ độc thực phẩm, bang Bihar, Ấn Độ, ngày 18/07/2013 REUTERS
Quảng cáo

Thảm họa này đã làm cho giới phụ huynh học sinh thiếu tin tưởng vào chương trình ăn miễn phí tại các trường học. Đây là chương trình có quy mô lớn nhất thế giới, liên quan đến 120 triệu học sinh tiểu học thuộc các gia đình nghèo khó. Đối với các em, bữa ăn miễn phí tại trường là bữa ăn duy nhất trong ngày.

Trong vụ ngộ độc thực phẩm ngày 16/07 làm 23 học sinh, tuổi từ 4 đến 12, thiệt mạng, điều tra của cơ quan y tế cho biết trong dầu dùng để chế biến thức nấu, có một loại thuốc trừ sâu rất độc.

Trong các ngày sau đó, hàng chục ngàn học sinh từ chối ăn tại trường, trong lúc đa số các em ở trong tình trạng suy dinh dưỡng. Theo một cuộc điều tra vào năm ngoái, 42% trẻ em Ấn Độ dưới 5 tuổi, bị gầy ốm, thiếu cân. Vào thời điểm đó, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh coi đây là một sự « hổ thẹn quốc gia » và cách nay vài tuần, chính phủ đã thông qua chương trình trợ cấp lương thực cho gần 70% dân số nước này, tương đương 810 triệu người.

Bang Tamil Nadu, miền nam Ấn Độ là nơi đầu tiên cho học sinh tiểu học ăn miễn phí. Năm 2001, tòa án tối cao Ấn Độ ra quyết định là tất cả các bang phải bảo đảm chế độ ăn miễn phí cho học sinh ở các trường công.

Thế nhưng, các bang này lại không có đủ nguồn tài chính để thực hiện chương trình ăn miễn phí cho học sinh. Năm 2010, một báo cáo của chính phủ cho biết, đa số các trường học không có nhà bếp được trang bị đủ dụng cụ, tiện nghi, nhà ăn không bảo đảm vệ sinh. Nhiều trường còn không có đầu bếp, do vậy, các thầy cô phải thay nhau đi chợ và làm bếp. Có nơi, học sinh phải tự rửa thìa bát sau khi ăn.

Bất chấp thảm họa Bahir, giới chuyên gia vẫn cho rằng chương trình ăn miễn phí mỗi ngày một bữa tại trường học là cách tốt nhất để giảm bớt tình trạng thất học, tệ nạn xã hội và những định kiến đẳng cấp. Nhiều tổ chức phi chính phủ cũng ủng hộ chương trình này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.