Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Tin tặc Trung Quốc xâm nhập hệ thống tin học quốc phòng Mỹ

Trung Quốc vẫn là chủ đề được nhiều báo Pháp đề cập tới trong ngày hôm nay. Sau khi thành công chia rẽ nội bộ Liên hiệp châu Âu về quan hệ thương mại, Trung Quốc lại khiến các quốc gia trong Liên hiệp, cũng như toàn thế giới lo lắng khi Lầu Năm Góc thừa nhận tin tặc nước này truy cập thành công hệ thống tin học của mình.

Hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo trên đất liền Thaad (DR)
Hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo trên đất liền Thaad (DR)
Quảng cáo

Báo Les Echos ra ngày hôm nay nghi ngại « Có lẽ Bắc Kinh đã theo dõi các chương trình quân sự lớn nhất của Mỹ ». Trích lại báo cáo mật mà đồng nghiệp Washington Post đã đăng, nhật báo cho biết bản báo cáo không kết tội chính thức Trung Quốc nhưng theo nhiều cán bộ quân sự cao cấp Mỹ, vụ việc nằm trong chiến dịch tình báo tin học quy mô lớn mà Trung Quốc thực hiện. Mục đích là cho phép quân đội Trung Quốc thúc đẩy quá trình hiện đại hóa quân sự, đồng thời làm suy yếu quân đội Mỹ trong trường hợp tranh chấp giữa hai cường quốc.

Danh mục các thiết bị chiến tranh bị lộ bí mật có lẽ làm lạnh sống lưng nhiều tướng của Lầu Năm Góc và nhà lãnh đạo của các công ty sản xuất vũ khí : hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo trên đất liền Thaad hay trên biển Aegis, các máy bay chiến đấu F-18, máy bay trực thăng V-22 hay tàu hộ tống ven biển LCS. Ngay cả máy bay chiến đấu tương lai F-35 của Lockheed Martin, được coi là chương trình vũ khí đắt nhất mọi thời đại, cũng nằm trong danh sách bị lộ.

Báo Le Monde, phiên bản điện tử, ra sáng nay khẳng định thông tin trên với tựa đề « Tin tặc Trung Quốc đã thâm nhập hệ thống tin học của Lầu Năm Góc » và đăng phát biểu của tổng thống Barack Obama : « nước Mỹ rất rõ ràng với người Trung Quốc khi giải thích cho họ rằng Hoa Kỳ chờ đợi Trung Quốc tôn trọng các thỏa ước và luật pháp quốc tế ».

Thời gian gần đây, nạn tin tặc và gián điệp mạng là chủ đề nóng bỏng trong các mối quan hệ đã căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh. Ngày 20 tháng 2 vừa qua, chính quyền Obama hứa mạnh tay đối với các hành động ăn cắp bí mật công nghiệp mà thủ phạm là các công ty hay quốc gia nước ngoài. Đề tài này chắc chắn sẽ được đề cập trong cuộc gặp vào tháng 6 tới giữa tổng thống Mỹ Obama và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Lo lắng cho tình hình của Pháp, báo Les Echos đặt câu hỏi về hệ thống an ninh quốc phòng của Pháp. Tờ báo cho biết, trong « Sách Trắng » của quốc phòng, nước Pháp đẩy mạnh tăng cường thẩm quyền cho Cơ quan quốc gia về an toàn hệ thống tin học (Anssi) để phát triển và tăng cường hiệu quả hệ thống phòng thủ mạng của nhà nước. 

Bắc Kinh tiếp tục nắn gân Liên hiệp châu Âu

Vẫn liên quan tới Trung Quốc, các nhật báo Pháp đề cập đến quan hệ thương mại càng ngày càng xấu giữa Liên hiệp châu Âu và Bắc Kinh.

Bài xã luận trên trang nhất báo Le Monde nhận định Trung Quốc đang thách thức Liên hiệp châu Âu. Quốc gia đông dân nhất thế giới đang dò xét khả năng duy trì chính sách chung duy nhất liên kết 27 quốc gia : chính sách thương mại. Tác giả bài báo ủng hộ quyết định tăng thuế hải quan trên pin mặt trời nhập từ Trung Quốc của Ủy viên châu Âu phụ trách thương mại, Karel De Gucht.

Song 18 trên tổng số 27 quốc gia, đứng đầu là Đức, đã phản đối đề xuất trên, vì đối với người Đức, thị trường Trung Quốc còn quan trọng hơn là sự thống nhất của người châu Âu. Trong phụ san kinh tế, từ Bruxelles, phóng viên nhật báo cho biết « Châu Âu chia rẽ trước việc bán phá giá của Trung Quốc ».

Một lần nữa, tình đoàn kết của liên hiệp bị lung lay trước lợi ích riêng của từng quốc gia. Trung Quốc đạt được mục đích lợi dụng mối bất hòa này để gây sức ép với Đức thúc đẩy quốc gia này gây ảnh hưởng tới các quốc gia còn lại trong Liên hiệp, không chỉ trong vấn đề thương mại, mà còn trên nhiều vấn đề khác, như lĩnh vực viễn thông.

Báo La Croix đặt câu hỏi « Phải chăng chiến tranh thương mại với Trung Quốc đã kết thúc trước khi bắt đầu ? ». Vì đe dọa của Liên hiệp châu Âu nhằm mục đích buộc người Trung Quốc phải đàm phán. « Thế nhưng, nếu người Đức cắt cỏ ngay dưới chân Ủy ban châu Âu, lợi ích của chiến thuật này biến mất », Giám đốc điều hành của Quỹ Madariaga, Pierre Defraigne, trong buổi phỏng vấn với phóng viên của nhật báo, nhận định bi quan như trên. Do vậy, đàm phán sẽ trở nên khó khăn hơn. Chuyên gia này cũng đồng tình với ý kiến nước Đức đang chỉ cho người Trung Quốc thấy một châu Âu chia rẽ và chỉ trích người Đức chỉ bảo vệ mỗi quyền lợi của họ.

Phóng viên thường trú nhật báo Le Figaro tại Bắc Kinh khẳng định « Trung Quốc thích nước Đức hơn ». Chuyến công du liên hiệp châu Âu, mà điểm dừng đầu tiên là Berlin, của thủ tướng Lý Khắc Cường đã thể hiện rõ quan điểm của Bắc Kinh, dập tắt giấc mộng của tổng thống Pháp François Hollande muốn mở rộng quan hệ đối tác chiến lược giữa hai quốc gia trong chuyến thăm chớp nhoáng tháng 4 vừa qua.

Tác giả cảnh báo người châu Âu phải ghi nhớ chiến lược của Bắc Kinh là « chia để trị ». Không chỉ mượn tay người Đức, Trung Quốc còn gây sức ép với một số nước có tầm quan trọng nhỏ hơn để làm lung lay Liên hiệp. Một châu Âu bị chia rẽ sẽ mất mặt trước một Trung Quốc chỉ coi trọng duy nhất vấn đề cân bằng quyền lực.

Không những chỉ trích sự thiếu đoàn kết của Đức, tác giả còn đặt câu hỏi điều gì đã làm nên sức mạnh của Đức và sự mờ nhạt của Pháp trong Liên hiệp. Ngoài sức mạnh kinh tế vượt trội của Đức, xuất khẩu Đức chiếm 1/3 tổng xuất khẩu của châu Âu sang Trung Quốc, hình ảnh của Đức được người Trung Quốc đón nhận tích cực hơn Pháp.

Để hiểu sự ưu đãi này, phóng viên miêu tả cái nhìn của người Trung Quốc, mặc dù nhiều nhận xét được tác giả cho là không đúng. Ví dụ : với người Trung Quốc, Pháp là « đất nước của bảo tàng », còn Đức là « đất nước của công nghệ ». Nước Pháp là một đất nước đang lâm bệnh và ít tin tưởng được, trong khi đó nước Đức được xem như một nước nghiêm túc và tràn sức sống.

Với người Trung Quốc, năm 2013, người đứng đầu Liên hiệp châu Âu là Đức và chính với nước này, một mối quan hệ đặc biệt được thiết lập.

Liên hiệp châu Âu bỏ cấm vận vũ khí đối với các phe nổi dậy Syria

Sau khi nội chiến ở Syria trở nên căng thẳng hơn khi chính phủ Damas bị nghi ngờ sử dụng vũ khí hóa học đàn áp các phe chống đối, các nhật báo Pháp đều đăng tin Liên hiệp châu Âu xem xét việc bỏ cấm vận vũ khí với phe nổi loạn, đồng thời vẫn duy trì trừng phạt với Damas.

Tối thứ 2, ngày 27 tháng 5 vừa qua, các bộ trưởng ngoại giao châu Âu đã quyết định dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với phe nổi dậy. « Các vũ khí phải nhằm mục đích bảo vệ người dân và phải tuân theo nhiều điều kiện để không rơi vào tay các nhóm cực đoan », báo La Croix dẫn lại lời của bà Catherine Ashton, người đứng đầu cơ quan ngoại giao của Liên hiệp châu Âu.

Các nhật báo có những quan điểm khác nhau về quyết định này. Báo Le Monde nhận xét 27 nước đã khó khăn đưa ra thỏa ước chấp nhận giúp đỡ quân sự cho các phe nổi dậy. Báo cánh tả Le Figaro đánh giá với quyết định của mình, châu Âu muốn thể hiện thái độ cứng rắn với Damas. Báo Libération đánh giá các bên tham chiến không tán thành quyết định của châu Âu.

Báo L’Humanité cho biết, trước quyết định của Liên hiệp, Nga chỉ trích quyết định của châu Âu là đi ngược với công bố Genève (tháng 6 năm 2012) và đã không tổ chức hội nghị quốc tế về vấn đề Syria. Quốc gia này loan báo muốn cung cấp cho Damas các hệ thống tên lửa đất đối không S-300. Tờ báo lấy làm tiếc là các biện pháp mạnh được quyết định nhanh chóng, trong khi có thể hy vọng vào kết quả của hội nghị Genève 2 mà Damas sẽ tham gia. Hội nghị do Nga và Mỹ khởi xướng sẽ diễn ra vào tháng 6 tới. Chính vì thế, Paris và Luân Đôn quyết định không giao vũ khí trước ngày 1 tháng 8.

Ông và bà Trần Thanh Vân, cặp vợ chồng của khoa học

Vinh danh hai gương mặt nổi tiếng gốc Việt của làng khoa học Pháp, phóng viên báo Le Monde, trong phụ trương « Khoa học và Y tế », tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của ông bà cũng như trao đổi về dự định mở Trung tâm hội nghị quốc tế của họ tại Việt Nam.

Nghỉ hưu từ hơn 10 năm nay sau khi cống hiến cho Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp, cặp vợ chồng khoa học không định sống an nhàn. Niềm đam mê với khoa học và mong ước đóng góp cho quê hương đã giúp họ thực hiện được dự định mở Trung tâm hội thảo quốc tế tại Quy Nhơn (Việt Nam) vào tháng 8 tới, nhằm « đưa Việt Nam thành điểm gặp gỡ cho khoa học và công nghệ trong khu vực », ông Jean Trần Thanh Vân giải thích.

Tham gia chương trình sẽ có 9 giải thưởng Nobel về vật lý, cũng như những định chế tiêu biểu của các thử nghiệm vật lý quan trọng gây nhiều tiếng vang trong những năm gần đây, như : Tổ chức châu Âu vì nghiên cứu nguyên tử (CERN) và Planck, nổi tiếng về các hình ảnh Vũ trụ 380 000 năm sau vụ nổ Big Bang.

Đây chỉ một hành động mới hướng về Việt Nam tiếp nối bản danh sách dài các hoạt động mà ông bà đã làm từ năm 1958, khi lần đầu tiên họ gặp nhau trong một hội nhân đạo Pháp-Việt.

Đám cưới đồng tính đầu tiên tại Pháp

Quay lại tình hình nước Pháp, mặc dù luật hôn nhân đồng tính, đã được thông qua ngày 23 tháng 4, vẫn bị phản đối kịch liệt, đám cưới đồng tính đầu tiên được tổ chức hôm nay, tại thành phố Montpellier, miền nam nước Pháp. Báo Le Monde là tờ duy nhất đăng thông tin trên và trích cảm nhận của bốn cặp đồng tính và dự định đám cưới của họ từ khi luật hôn nhân đồng tính được thông qua.

Ca tử vong đầu tiên do coronavirus tại Pháp

Các báo L’Humanité, Libération và Le Figaro đăng tin bệnh nhân đầu tiên nhiễm coronavirus sau chuyến du lịch ở bán đảo Ả-Rập đã tử vong. Bệnh nhân thứ hai, lây trong lúc nằm cùng phòng tại bệnh viện vẫn được theo dõi. Tình trạng ổn định nhưng vẫn nguy kịch.

Báo Le Monde lo lắng vì hiện nay vẫn chưa tìm ra được nguồn gốc của coronavirus trong khi đó Ả-Rập Xê-út vừa phát hiện thêm ổ dịch thứ hai khiến một người đàn ông 63 tuổi tử vong.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.