Vào nội dung chính
CÔNG ĐOÀN - TRUNG QUỐC

Trung Quốc : Làn sóng thành lập công đoàn độc lập dâng cao

Từ mấy thập kỷ nay, kinh tế Trung Quốc phát triển với tốc độ phi mã, nước này cũng đã được xem là « công xưởng của thế giới ». Ấy thế nhưng, cuộc sống lao khổ của công nhân hoàn toàn không tương xứng với sự phát triển đó. Các tổ chức công đoàn nhà nước vẫn tồn tại khắp nơi, nhưng không dám đấu tranh đến nơi đến chốn cho việc nâng cao đời sống của người lao động. Thế là, công nhân ngày càng mất lòng tin vào các công đoàn này, và họ muốn thành lập những công đoàn độc lập để đấu tranh thật sự vì quyền lợi người lao động. Nhật báo Le Monde số ra hôm nay đăng bài phản ảnh hiện tượng này.

Một cuộc biểu tình của công nhân Foxconn trước trụ sở của công ty ở Đài Loan tháng 6/2010, trong bối cảnh làn sóng tự sát gia tăng tại các xí nghiệp của Foxconn ở Trung Quốc.
Một cuộc biểu tình của công nhân Foxconn trước trụ sở của công ty ở Đài Loan tháng 6/2010, trong bối cảnh làn sóng tự sát gia tăng tại các xí nghiệp của Foxconn ở Trung Quốc. Reuters
Quảng cáo

Tờ báo nhìn về Thẩm Quyển, đặc khu kinh tế đầu tiên của Trung Quốc, hiện là thành phố công nghiệp với hơn 10 triệu dân cư. Trước đây, nơi này thu hút đầu tư nhờ nguồn nhân công giá rẽ. Thế nhưng, từ hơn một năm nay, lương của công nhân tại Trung Quốc nói chung đã bắt đầu tăng lên theo chính sách mới của chính phủ Bắc Kinh, bởi vậy mà nhà đầu tư bắt đầu cuốn gói tìm đến khu vực Đông Nam Á - nơi có nhân công rẻ hơn, hoặc là họ tìm cách mua máy móc để tự động hóa sản xuất với sự hỗ trợ của nhà nước. Có nhiều chủ nhà máy còn buộc công nhân làm việc thêm giờ, và cố tình trả lương trễ hàng tháng để đề phòng việc công nhân bỏ đi làm ở nơi khác.

Cuộc sống công nhân ngày càng khó khăn. Họ phải sống chật chội ở những khu nhà trọ tạm bợ ở ngoại ô, lại bị buộc làm thêm giờ. Một công nhân cho Le Monde biết là người chủ của anh ta qui định mức phạt 50 nhân dân tệ đối với công nhân từ chối làm thêm giờ. Thế là, các công nhân thường làm việc đến 58 giờ/tuần. Công nhân nói trên chua xót cho biết là vật dụng xa xỉ nhất của công nhân chỉ là chiếc điện thoại di động bình thường để liên lạc với gia đình và bạn bè. Ngoài chiếc điện thoại di động ra, họ chỉ có công việc và công việc.

Trong bối cảnh đó, công nhân không trông cậy được gì nhiều vào các tổ chức công đoàn nhà nước, bởi như một công nhân tại Thẩm Quyến nhận định, thay vì bảo vệ lợi ích công nhân như hiến pháp qui định, thì họ lại đi bảo vệ quyền lợi của chủ doanh nghiệp và hạn chế lương của công nhân. Thực tế đó khiến làn sóng phản đối của công nhân ngày càng cao và hướng về việc thành lập các tổ chức công đoàn độc lập.

Công nhân : Giai cấp lãnh đạo hay bị trị ?

Tờ báo cho biết, ở Thẩm Quyến, hiện ngày nào cũng có đình công, và mức độ ngày càng tăng. Tuy vậy, Le Monde nhận định, cuộc đấu tranh này của công nhân còn lâu mới có thể giành chiến thắng. Tờ báo cho biết, công nhân ở Thẩm Quyến « đình công trong lặng lẽ », tức là không băng rôn áp phích, mà xếp hàng đứng lặng lẽ trước cơ quan thẩm quyền. Một công nhân cho Le Monde biết, công nhân được cảnh báo là nếu đình công công khai với băng rôn khẩu ngữ thì sẽ bị bắt nhốt.

Còn nói về việc thành lập công đoàn độc lập, các công nhân rất muốn được bầu đúng nghĩa người đại diện để đấu tranh cho quyền lời của mình, nhưng tại Trung Quốc thì mong ước này khó thành hiện thực. Le Monde nhắc lại, tại Trung Quốc, công đoàn độc lập bị cấm, chỉ có công đoàn nhà nước mới được phép hoạt động. Theo tờ báo, các tổ chức công đoàn ở nước này được đặt dưới quyền quản lý của Tổng liên đoàn lao động, và hiện tại có khoảng 135 triệu đoàn viên. Thế nhưng, Tổng liên đoàn thì do đảng cầm quyền kiểm soát, và chưa bao giờ thấy liên đoàn này đứng ra tổ chức một cuộc đình công nào cả.

Không chỉ công đoàn nhà nước đi ngược lại lợi ích của công nhân, mà theo Le Monde, chính quyền cũng tiếp tay với giới chủ để chèn ép người lao động thấp cổ bé họng. Vì sao chính quyền lại tiếp tay giới chủ ? Theo Le Monde, câu trả lời chỉ có hai chữ là « hối lộ ». Chủ nhà máy mới có dư dả tiền hối lộ cho chính quyền, chứ công nhân lấy đâu ra tiền để làm việc đó.

Thế là, số phận công nhân tại Trung Quốc khổ vô cùng, như lời nhận định đầy chua chát của một công nhân được Le Monde dẫn lại : « Hiện tại, Đảng Cộng sản Trung Quốc đang bảo vệ lợi ích của giới tư bản… Hiến pháp khẳng định công nhân là giai cấp lãnh đạo, thế nhưng trong thực tế lại là giai cấp bị trị ».

Nhìn về tương lai của công đoàn độc lập, Le Monde có vẻ lạc quan khi cho biết, hiện ở Thẩm Quyến có trên 10 tổ chức độc lập đấu tranh cho lợi ích công nhân, trong đó có vài tổ chức được tài trợ bởi các quỹ tại Hoa Kỳ. Cách đây vài năm, những loại tổ chức này bị chính quyền đàn áp, nhưng hiện tại có vẻ được chính quyền "mắt nhắm, mắt mở". Vì sao thế ? Theo Le Monde, vì mục tiêu tối thượng của nhà cầm quyền Trung Quốc là ổn định và trật tự, và hiện tại họ bắt đầu nhận ra rằng chính những bất công đối với công nhân đã dần dần đẩy xã hội Trung Quốc rơi vào viễn ảnh xung đột xã hội đầy nguy hiểm.

Trào lưu « hacker dân tộc chủ nghĩa » tại Trung Quốc

Cũng liên quan đến Trung Quốc, nhật báo cánh hữu Pháp Le Figaro đăng bài: «Trung Quốc hacker đầy bí ẩn ».

Tờ báo cho biết, tại Trung Quốc, hacker không chỉ đến từ các cơ quan nhà nước hay quân đội Trung Quốc, mà còn đến từ xã hội dân sự. Tức là, trong xã hội hiện có nhiều thanh niên hợp lại với nhau thành nhóm và ra sức « hacker » các tổ chức và cơ quan nước ngoài để phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc. Theo tờ báo, ước tính số thanh niên này hiện phải ở con số hơn 300 000 người. Tuy nhiên tờ báo cũng tỏ ra nghi ngờ về việc các nhóm thanh niên này bị giật dây bởi chính quyền.

Tờ báo nhắc lại vụ việc xảy ra hồi tháng rồi, theo đó phía Mỹ tố cáo quân đội Trung Quốc đứng đằng sau các vụ hacker vào quyền lợi của Mỹ. Đơn vị quân đội đó được chỉ rõ là đơn vị 61 398 tại Thượng Hải. Le Figaro cũng đề cập đến hiện tượng giới hacker quân đội có sự liên kết chặt chẽ với các trường đại học.

Le Figaro nhận định, do ý thức được rằng chưa đủ sức đối chọi với sức mạnh quân sự của Mỹ theo kiểu truyền thống, nên Trung Quốc đã lao vào chiến tranh mạng. Thế nhưng, Bắc Kinh luôn tỏ ra là nạn nhân và cho rằng Trung Quốc chỉ phát triển an ninh mạng là để phòng thủ.

Ấn Độ : Tăng cường thực phẩm vi lượng chống suy dinh dưỡng

Nhìn sang đất nước đông dân thứ hai thế giới là Ấn Độ, nhật báo Le Monde có bài : « Cách mạng xanh chống suy dinh dưỡng tại Ấn Độ ».

Chất dinh dưỡng vi lượng bao gồm các loại vitamin và chất khoáng vi lượng. Đây là những chất mà nhu cầu cho cơ thể hàng ngày rất ít, tính bằng miligam hoặc nhỏ hơn. Thế nhưng, tờ báo cho biết, ở Ấn Độ, hiện có gần 2/3 trẻ em bị thiếu vitamin và thiếu máu. Đây là những nguyên nhân làm chậm phát triển, gây suy yếu hệ miễn dịch, và có thể dẫn đến những căn bệnh chết người. Hiện tượng này chủ yếu tấn công vào bộ phận dân chúng nghèo nhất.

Chính phủ Ấn Độ đã bắt đầu chiến dịch tăng cường các chất dinh dưỡng vi lượng trong các bữa ăn của người dân. Giới khoa học đã chọn ra những loại cây thực phẩm giàu chất dinh dưỡng vi lượng để khuyến khích nông dân trồng. Năm 2013 này, New Delhi dự tính đầu tư đến 42 triệu euro cho công tác trồng các loại ngũ cốc giàu chất vi lượng như vitamine A hay kẽm.

Bên cạnh đó, các biện pháp tuyên truyền cũng được chú ý. Nhiều « chiến sĩ chống đói » đang được đào tạo. Họ sẽ được cử đến các địa phương để xem xét xác định mức độ và loại suy dinh dưỡng để có lời khuyên trồng những loại ngũ cốc phù hợp.

Bắc Triều Tiên : Sinh nhật lần thứ 101 của cố lãnh đạo Kim Nhật Thành

Nhật báo Công Giáo La Croix dành mục "Mỗi ngày một bức ảnh" đăng ảnh đám đông đứng trang nghiêm trước hai bức tượng hoàng tráng của cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và con trai ông là Kim Jong-il. Bên trên bức ảnh là hàng tựa : «Bắc Triều Tiên kỷ niệm sinh nhật của người sáng lập chế độ Kim Nhật Thành ».

Tờ báo cho biết, hôm qua, trong khi cả thế giới hồi hộp lo sợ Bắc Triều Tiên tiến hành thử tên lửa đạn đạo để kỷ niệm sinh nhật Kim Nhật Thành, thì tại Bình Nhưỡng, nhà cầm quyền đã cho tổ chức lễ kỷ niệm một cách rầm rộ với sự tham gia của hàng trăm ngàn người. Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un hôm qua cũng đã đến thăm khu lăng mộ - nơi đặt xác ướp của cha và ông nội.

Theo La Croix, tại Tokyo, cũng vào thời điểm đó, ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có động thái xoa dịu tình hình khi tuyên bố « mở rộng cửa cho những cuộc đàm phán trung thực và tin cậy về hồ sơ giải trừ hạt nhân ». Tuy nhiên ông nói thêm rằng, có đàm phán được hay không, tất cả là do Bình Nhưỡng.

Bầu cử tổng thống Venezuela : Maduro chiến thắng trong chia rẽ

Tại Venezuela, bầu cử tổng thống đã có kết quả chính thức với chiến thắng sát sao của người kế thừa ông Hugo Chavez là ông Nicolas Maduro. Báo chí Pháp hôm nay đặc biệt chú ý đến sự kiện này.

« Chiến thắng bé nhỏ của người kế thừa ông Chavez », đó là tựa đề bài viết đăng trên nhật báo cánh tả Libération. Nhật báo cộng sản Pháp L’Humanité thì dành trang nhất cho chủ đề này với dòng tựa : « Những thách thức đang chờ đợi ông Maduro ». Le Monde chạy tựa : «Phe đối lập không chấp nhận ông Maduro thắng cử ». Nhật báo Công Giáo Pháp thì có bài : «Chiến thắng sát nút đầy lo lắng của người kế thừa ông Hugo Chavez ».

Các bài viết điều dẫn lại kết quả cuộc bầu cửa vừa rồi tại Venezuela theo đó tổng thống tạm quyền Maduro được 50,66% số phiếu ủng hộ, trong khi đó ứng viên đối lập Henrique Capriles chiếm 49,07% số phiếu. Như vậy, ông Maduro chỉ có nhiều hơn 230 000 phiếu ủng hộ so với ông Capriles. Các tờ báo đều nhận định, chiến thắng quá sát sao đó cho thấy học thuyết Chavez đang giảm sự hấp dẫn, và phe đối lạp đang tiến bước sau khi ông Hugo Chavez qua đời.

L’Humanité cho biết thêm, chiến thắng của ông Maduro được các nguyên thủ khu vực châu Mỹ La Tinh chào đón nồng nhiệt, trong số đó có tổng thống Cuba Raul Castro, tổng thống Achentina Cristina Fernadez, người đứng đầu nhà nước Bolivia Evo Morales. Ngoài ra, hai ủy viên thường trực của Hồi Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc là Nga và Trung Quốc là hai trong số những nước đầu tiên chúc mừng chiến thắng của ông Maduro. Liên Hiệp Châu Âu thì tỏ ra dè dặt, trong khi Tây Ban Nha thì không ngại lên tiếng đề nghị cho kiểm lại phiếu.

Về phần mình, Le Monde đi sâu vào những nhược điểm của Venezuela thời hậu Chavez. Trước tiên, đó là một nền kinh tế đang tuột dốc, với mức nợ công đã vượt 200 tỷ đô la, tức chiếm hơn 60% GDP. Sản xuất của tập đoàn dầu khí quốc gia sụt giảm, trong khi đội ngũ nhân viên không ngừng tăng lên, các giếng dầu truyền thống đang dần mất năng suất do thiếu đầu tư, việc khai thác dầu ở khu vực Orenoque miền đông Venezuela thì đã được giao cho các công ty nước ngoài.

Chưa hết, thực phẩm tiêu dùng hàng ngày của người Venezuela chủ yếu là nhập khẩu, lạm phát đang ở mức 30%. Trong giai đoạn tạm quyền tổng thống, ông Maduro đã phải hạ giá phân nửa đồng nội tệ.

Thêm vào đó, là tình trạng bất ổn ở thủ đô Caracas. Rồi hiện tượng chia rẽ sâu sắc về chính trị tại đất nước này. Le Monde nhận định, hồ sơ gay góc và cần thiết nhất để huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển của đất nước, đó chính là hồ sơ hòa hợp dân tộc.

Tờ báo nhắc lại, khi tranh cử, ứng viên Capriles lấy chủ đề hòa hợp dân tộc, trong khi ông Maduro thì chỉ trích đối thủ là tay sai của ngoại bang. Le Monde cho rằng, hiện tại đã là lúc đối thoại và chấm dứt mọi lời lẽ hiếu chiến theo kiểu Hugo Chavez.

Pháp : Nóng bỏng hồ sơ hôn nhân đồng giới

Chủ đề hôn nhân đồng giới đang làm nóng bỏng nước Pháp và tiếp tục thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo chí Pháp hôm nay. Nhật báo Le Monde đăng bài xã luận « Hôn nhân gay : Sự cực đoan đối lại tranh luận dân chủ ».

Bài xã luận tập trung phê phán những phương cách chống đối ngày càng có vẻ cực đoan của những người phản đối hôn nhân đồng giới tại Pháp. Số là gần đây, ngoài những vụ biểu tình rầm rộ ngay trước thượng và hạ viện, trong khi các đại biểu đang thảo luận bên trong, thì tại Pháp đã xuất hiện không ít vụ tấn công đánh đập dã man những người đồng tính. Tại Paris, một cặp đồng tính hồi tuần trước cũng đã bị tấn công đến mức phải vào bệnh viện cấp cứu. Chưa hết, bên cạnh các vụ biểu tình có đăng ký đúng pháp luật, thì gần đây đã xuất hiện nhiều vụ tụ tập bất ngờ, khiến cảnh sát không kịp trở tay.

Thái độ cương quyết và cách hành động quá khích đó, theo tờ báo, trước tiên là của một bộ phận người Pháp thực hành dân chủ theo kiểu riêng của họ. Họ không còn tin vào những đại biểu mà họ đã bầu ra, họ xem quyết định của nghị viện không còn giá trị gì cả. Tờ báo nhận định, hiện tượng người dân nghi ngờ giới lãnh đạo và dân biểu không phải là mới mẻ gì ở nước Pháp, nhưng hiện tại nó đã đạt đến mức « nguy hiểm ».

Le Monde bàn thêm, sự « nổi dậy » bên trên của bộ phận cánh hữu bảo thủ cực đoan đã làm dấy lên làn sóng cánh hữu trong người dân Pháp. Bộ phận này, dù công khai hay không, xem cánh tả là không xứng đáng để nắm quyền điều khiển đất nước. Định kiến này được bùng lên dữ dội trong bối cảnh hiện tại cánh tả đang bị mất uy tín nghiêm trọng bởi vụ xì căng đan trốn thuế của cựu bộ trưởng ngân sách Cahuzac.

Còn đối với tổng thống Hollande, trong khi hồ sơ đồng tính đang chia rẽ người Pháp, thì ông lại ở thế chẳng đặng đừng, bởi đó chính là một trong những cải cách mà ông đã hứa hẹn khi tranh cử tổng thống hồi năm ngoái.

Nhật báo cảnh hữu Le Figaro thì chú ý đến cách thức biểu tình bất ngờ và lứa tuổi tham gia biểu tình. Tờ báo nhắc lại, hồi hôm chủ nhật vừa rồi, vào độ nửa đêm, một nhóm tuổi trẻ 67 người đã bất ngờ lẳng lặng dựng liều trong khu vực lân cận trụ sở quốc hội Pháp tại Paris. Đây là một động thái bất ngờ không hề được đăng ký trước. Cảnh sát đã dùng vũ lực để bắt những người tham gia về đồn và câu lưu họ một đêm. Điều đáng chú ý là Le Figaro cho hay, những người này có tuổi chỉ từ 18 đến 25.

Le Figaro cho biết thêm, cách thức biểu tình không đăng ký nói trên đang ngày càng nhiều tại Pháp. Thêm vào đó là những vụ tấn công kỳ thị người đồng tính bất ngờ. Tất cả đã khiến cho lực lượng trật tự gặp khó khăn. Thủ đô Paris đã phải điều động lực lượng chống bạo động ở những khu vực lận cận trong tư thế sẵn sàng tiếp viện. Lực lượng an ninh thì cử nhiều nhân viên mặt thường phục theo dõi những khu vực nhạy cảm. Một bộ phận khác thì túc trực theo dõi các trang mạng để lục tìm những thông tin về các vụ tập hợp bất ngờ có thể.

Tờ báo nhắc lại một sự việc cho thấy sự hoang mang của cả những đơn vị an ninh, đó là mới đây, các nhân viên theo dõi hiện trường báo động có một vụ tụ ập của những người mặc đồ tu, thế nhưng đến khi xác minh lại đó chỉ là những người vừa rời khỏi một buổi cầu nguyện.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.