Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Phát hiện thêm cúm gia cầm tại Thượng Hải

Theo truyền thông chính thức của Trung Quốc, ngày 06/04/2013, virus cúm H7N9 được phát hiện tại hai chợ bán nông sản khác ở Thượng Hải. Bộ Y tế Trung Quốc hứa sẽ minh bạch trong vấn đề H7N9. Đài Loan phát hiện hai trường hợp nghi nhiễm H7N9.

Chính quyền thành phố Thượng Hải họp báo thông tin việc tăng cường kiểm dịch.
Chính quyền thành phố Thượng Hải họp báo thông tin việc tăng cường kiểm dịch. Reuters
Quảng cáo

Virus H7N9 đã được phát hiện tại hai chợ bán các sản phẩm nông nghiệp ở quận Mẫn Hàng (Minhang), thành phố Thượng Hải. Hai chợ kể trên nằm không xa chợ bán gia cầm Hồ Hoài (Huhuai), nơi chính quyền đã ra lệnh tiêu hủy 20.000 gia cầm vào ngày 05/04/2013, sau khi phát hiện có dấu hiệu virus H7N9.

Cho đến nay, virus cúm gia cầm loại mới H7N9 đã lây sang 16 người tại Trung Quốc, tất cả đều là cư dân ở miền đông. Đây là lần đầu tiên phát hiện thấy tại Trung Quốc virus H7N9 lây sang người. Việc sáu người bị nhiễm H7N9, trong đó có bốn người Thượng Hải, đã tử vong gây nhiều lo ngại có thể sẽ xuất hiện một trận dịch lớn trên quy mô thế giới.

Thượng Hải đã ra lệnh đóng cửa ba chợ bán gia cầm sống và cấm chuyển gia cầm sống từ các nơi khác vào thành phố này để ngăn chặn dịch lan rộng. Sáng ngày 06/04/2013, toàn bộ các gian hàng bán gia cầm sống tại Thượng Hải đã bị đóng cửa. Tại Hàng Châu (thủ phủ tỉnh Chiết Giang), nơi có hai nạn nhân chết vì H7N9, chính quyền đã ra lệnh tiêu hủy toàn bộ gia cầm tại khu chợ, nơi đã tìm thấy virus H7N9 trên trứng chim cút. Theo Tân Hoa Xã, một trong hai nạn nhân kể trên đã từng mua trứng cút.

Sáng nay, phóng viên AFP cho biết, tại một chợ ở trung tâm thành phố Thượng Hải, mặc dù gia cầm sống không còn được bán và khu chợ được tẩy trùng, nhưng khách hàng vẫn có thể mua được trứng gà, kể cả trứng chim bồ câu, cũng như thịt gia cầm tươi hoặc đông lạnh. Chính quyền khuyến cáo dân chúng nên nấu thật kỹ trước khi ăn để tránh bị nhiễm virus cúm. Theo đài truyền hình địa phương, sau khi các chợ gia cầm bị đóng cửa, giá rau củ và hải sản tăng lên mạnh.

Bộ Y tế Trung Quốc hứa sẽ minh bạch trong vấn đề H7N9

Theo nhật báo China Daily hôm qua, Bộ Y tế Trung Quốc đã hứa sẽ có các « trao đổi thẳng thắn và minh bạch với Tổ chức Y tế Thế giới và các quốc gia khác » về vấn đề này. FAO - Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc – đã khuyến cáo các biện pháp nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh đối đối phó với H7N9.

Cho đến nay, theo các nhà nghiên cứu chưa có các bằng chứng nào về sự lây truyền của virus từ người sang người, tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc và Hồng Kông đã tăng cường cảnh giác đối phó với nạn dịch, sau kinh nghiệm thiệt hại nặng nề trước đây do dịch SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) năm 2002-2003. Vào thời điểm đó, Tổ chức Y tế Thế giới đã chỉ trích mạnh Bắc Kinh, vì đã chậm đưa ra báo động và có chủ trương che giấu mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh.

Thứ Tư 03/04, Tổ chức Y tế Thế giới cũng khẳng định, do không lây nhiễm trực tiếp từ người sang người nên cúm H7N9 không có nguy cơ biến thành đại dịch. Tuy nhiên các chuyên gia cũng nhấn mạnh đòi hỏi không những phải xác định được nguồn lây nhiễm mà cả phương thức lây nhiễm của H7N9 từ gia cầm sang người. Việc chim chóc có thể mang H7N9 mà không thể hiện triệu chứng bệnh khiến cho cuộc chiến chống lại virus cúm gia cầm này trở nên phức tạp hơn.

Đài Loan : Hai trường hợp nghi nhiễm H7N9

Liên quan đến nguy cơ bệnh dịch lan sang Đài Loan – vùng lãnh thổ có quan hệ hết sức mật thiết với Trung Quốc, theo tờ The China post, hôm qua, cơ quan kiểm dịch Đài Loan đã phát hiện sáu người đến từ Trung Quốc có triệu chứng bị nhiễm virus cúm. Sau khi kiểm tra đã loại trừ được bốn trường hợp, còn lại hai trường hợp - một người Đài Loan và một người Trung Quốc - thì đang chờ kết quả. Hai trường hợp nói trên đều đến từ vùng Thượng Hải, Giang Tô, là nơi được coi là vùng dịch.

Hàng chục ngàn tấn thịt gà Trung Quốc trên thị trường châu Âu

Châu Âu thận trọng trước nạn cúm gia cầm tại Trung Quốc. Theo Liên đoàn các nhà chăn nuôi gia cầm của Pháp (CFA), hàng năm có từ 15 000 đến 20 000 tấn thịt gà hoặc các sản phẩm đã được chế biến từ thịt gà nhập từ Trung Quốc được bán ra rên thị trường châu Âu. Trong lúc châu Âu nhập khoảng 900 000 tấn thịt gà hàng năm.

Bộ Nông nghiệp Pháp cho biết thêm hiện nay chỉ có thịt gà được nấu chín và sản xuất từ tỉnh Sơn Đông được nhập vào Liên Hiệp Châu Âu. Trong khi đó, thịt gà sống nhập từ Trung Quốc vẫn bị cấm kể từ năm 2004, khi dịch cúm gia cầm hoành hành.

Liên Hiệp Châu Âu chủ yếu nhập thịt gà của Brazil và Thái Lan. Theo thứ tự, hai quốc gia nói trên cung cấp hàng năm 600 000 tấn và 250 000 tấn vào châu Âu. Đức, Hà Lan là hai thị trường tiêu thụ chính, lớn hơn cả so với thị trường Pháp. Năm ngoái, Pháp nhập khẩu 465 tấn thịt gà đã được chế biến từ Trung Quốc.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.