Vào nội dung chính
CAM BỐT

Nghèo đói đe dọa ngành giáo dục Cam Bốt

Sau khi thoát khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ hồi năm 1979, Cam Bốt bước vào thời kỳ tái thiết, ngành giáo dục cũng bắt đầu được quan tâm phục hồi. Thế nhưng mấy chục năm đã trôi qua, đến hiện tại tình trạng giáo dục tại Cam Bốt vẫn không có nhiều tiến triển khi mà còn nhiều trẻ em không được đến đường. Quan tâm đến hồ sơ này, nhật báo Công giáo La Croix đăng bài viết mang tựa đề : «Con đường đến trường đầy khó khăn tại Cam Bốt ».

Người nghèo sống tạm bợ cạnh một đường ray xe lửa ở Phnom Penh. Ảnh chụp ngày 19/03/2013.
Người nghèo sống tạm bợ cạnh một đường ray xe lửa ở Phnom Penh. Ảnh chụp ngày 19/03/2013. REUTERS/Samrang Pring
Quảng cáo

Nghèo đói ngăn lối đến trường

La Croix nói về cuộc sống trẻ em ở một huyện thuộc tỉnh Prey Veng, giáp ranh với Việt Nam. Tờ báo cho hay, do có tuyến đường nối với thành phố Hồ Chí Minh, nên bên những bến phà tấp nập người nghèo từ các địa phương khác đổ xô về đây tìm kế sinh nhai. Con em của các gia đình này hầu hết không được đi học mà phải làm nghề lượm rác kiếm tiền.

Nhiều tổ chức thiện nguyện nước ngoài đã vào cuộc, tìm đến gia đình các em để thuyết phục đưa cho các em đi học. Thế nhưng việc đó rất khó, bởi theo các tổ chức này thì đối với các gia đình nghèo, « một đứa trẻ trước tiên được coi là một nguồn thu nhập, bởi vậy họ không thấy có lợi ích gì khi cho trẻ đến trường ».

Còn tại thủ đô Phnom Penh, tình trạng trẻ em không được đến trường mà phải đi lượm rác lang thang trên phố cũng có nhiều. Gần đây, số lượng các bé này tại thủ đô dường như đã giảm bớt. Thế nhưng, theo tờ báo, số lượng này không hề giảm tức tình hình thực chất không được cải thiện gì. Ban ngày người ta nhìn thấy ít bé lang thang hơn, ấy là bởi vì chúng bị cảnh sát truy đuổi để che mắt khách du lịch nhằm tạo hình ảnh thịnh vượng cho Cam Bốt trong mắt người nước ngoài.

Giáo viên phải đi vá xe đạp

Tờ báo nhắc lại, sau thời Khmer Đỏ, tình trạng thiếu giáo viên rất nghiêm trọng, nhà nước phải tuyển dụng gấp. Và vì gấp quá nên thiếu chất lượng. Đến hiện tại chất lượng này cũng chưa được cải thiện nhiều do nhiều lý do khác nhau.

Lý do thứ nhất mà tờ báo nêu ra là việc đồng lương của giáo viên tại Cam Bốt quá thấp. Giáo viên tiểu học ở nước này có lương hiện tại khoảng 40 euro/tháng, tức đủ để đổ xăng. Vì thế, để có thể bám được với nghề, giáo viên phải bươn chải mọi cách, kể cả phải tiếp tục nhờ sự hỗ trợ tài chính của cha mẹ, hoặc dã là khai thác học sinh, tức bắt học sinh học thêm ngoài giờ một cách dù không chính thức nhưng lại là bắt buộc.

Nhìn về nông thôn, giáo viên phổ thông có tình cảnh tệ hại hơn nhiều, bởi ở thành thị các gia đình khá giả còn có thể cho con em đi học thêm chứ ở nông thôn thì đa phần gia đình là bần nông lấy đâu ra tiền làm chuyện ấy. Vì thế, giáo viên nông thôn không trông mong gì kiếm được tiền từ học sinh, và như thế phải tìm cách khác. Tờ báo cho hay, có giáo viên muốn bám nghề phải chấp nhận cảnh ngoài giờ lên lớp phải ngồi sửa xe đạp kiếm tiền. Nhiều giáo viên không trụ nổi nên buộc phải bỏ lên thủ đô để làm công nhân.

Trung Quốc giúp đỡ hay phá hoại Cam Bốt ?

Tại Cam Bốt, trên phương diện chính thức, chính phủ coi giáo dục là một ưu tiên, thế nhưng chính phủ cũng có điều khó xử nên không thể lo vuông tròn cho giáo dục được. Điều khó xử đó được La Croix nêu ra là : Trung Quốc cho Cam Bốt vay tiền không lấy lãi, nhưng bù lại chính phủ Cam Bốt phải cho người Trung Quốc đến đầu tư trồng khoai mì hay là đặt nhà máy sản xuất để tận dụng nguồn nhân công rẻ như bèo tại Cam Bốt.

La Croix nói rõ, các doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng nhân công Cam Bốt với mức lương rẻ hơn 4 lần so với nhân công tại Trung Quốc. Thêm vào đó là những thiệt hại khác cho Cam Bốt : Môi trường ô nhiễm, rừng bị tàn phá, dân cư bị di tản để nhường đất sản xuất cho các doanh nghiệp Trung Quốc…

Đằng sau sự khiêu khích của Bắc Triều Tiên

Nhìn về bán đảo Triều Tiên, Les Echos đặc biệt chú ý đến những động thái khiêu khích mấy ngày qua của chính quyền Bình Nhưỡng với bài viết : «Những nguyên nhân thật sự của một chiến lược khiêu khích hạt nhân ».

Tờ báo nhắc lại việc mấy ngày qua Bình Nhưỡng không ngừng gia tăng các động thái có tính khiêu khích khi hăm dọa tiến hành « một cuộc chiến toàn diện », hay « chiến tranh hạt nhân », thậm chí là đòi biến lãnh thổ kẻ thù « biển lửa », hay như việc cắt đứt hoàn toàn các đường dây nóng với miền Nam, đặt quân đội trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu…

Trước những động thái đó phương Tây tỏ ra lo lắng, nhưng lạ thay các nước trong khu vực hầu như không mấy bận tâm. Có lẽ các nước này hiểu quá rõ Bắc Triều Tiên. Les Echos dẫn lời một giáo sư tại Seoul cho rằng : «Họ (những người Bắc Triều Tiên) có kiểu khiêu khích như vậy nhiều lần mỗi năm. Việc đó có lợi cho họ. Nhưng có ảnh hưởng gì đến nước khác không ? Không ảnh hưởng gì cả ».

Theo Les Echos, nhiều chuyên gia trong khu vực cũng có cùng nhận định như thế. Theo họ, mấy chục năm nay Bắc Triều Tiên đã nhiều lần hành động theo kiểu khiêu khích như vậy. Họ làm như vậy để buộc Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc trở lại bàn đàm phán nhằm tìm nguồn cứu trợ tài chính và nhân đạo để giải quyết khó khăn kinh tế trong nước, và khi đạt được rồi thì sẽ lại tiếp tục lên án các bên tham gia và lại tiếp tục khiêu khích.

Vì sao Bắc Triều Tiên có thể gây sức ép cho Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc ? Theo Les Echos, đó là bởi vì thật tâm những nước này không tha thiết gì với sự sụp đổ của chế độ Bình Nhưỡng. Trung Quốc thì muốn duy trì chế độ Bình Nhưỡng để làm vùng đệm đối với Hàn Quốc, nơi có nhiều căn cứ quân sự của Mỹ, đồng thời nếu Bình Nhưỡng sụp đổ thì vùng ranh giới của Trung Quốc sẽ lãnh hậu quả người di cư từ Bắc Triều Tiên. Hàn Quốc thì lo ngại cái giá kinh tế quá nặng nề khi hai miền Nam Bắc được thống nhất. Còn Mỹ thì tận dụng thái độ khiêu khích của Bắc Triều Tiên đã lấy cớ tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực.

Bàn riêng về Trung Quốc, Les Echos cho biết, nước này hiện chiếm đến 85% ngành ngoại thương của Bắc Triều Tiên. Dù Bắc Kinh có thái độ bên ngoài bớt mặn mòi với Bình Nhưỡng, nhưng thực chất là khó có thể buông tay. Tờ báo còn cho biết, quan hệ thương mại giữa hai nước không ngừng phát triển. Công ty hàng không Air Koryo của Bắc Triều Tiên đã được chính quyền Trung Quốc chấp nhận cho tăng cường đường bay đến Bắc Kinh, chính quyền tỉnh Cát Lâm giáp ranh với Bắc Triều Tiên còn dự tính xây thêm nhiều tuyến đường sắt xuyên biên giới để thúc đẩy trao đổi thương mại giữa hai nước.

BRICS : Vì sao chưa thành lập nổi ngân hàng chung ?

Hồi tháng 3/2011, tại hội nghị thượng đỉnh ở New Delhi (Ấn Độ), các nhà lãnh đạo nhóm các nước đầu tàu trong thế giới tân hưng-viết tắc là BRICS, đã đồng ý sẽ tiến hành thành lập một ngân hàng phát triển chung. Thế nhưng, đến khi kết thúc thượng đỉnh lần thứ 5 hôm qua tại Nam Phi, ngân hàng này vẫn chưa thể ra đời. Nhật báo Le Monde đăng bài xã luận nêu ra một số lý do giải thích cho sự chậm trễ này.

Theo tờ báo, nhìn trên giấy thì dự án này có vẻ rất quyến rũ bởi đó là một cách để khẳng định trọng lượng của nhóm các nước tân hưng bao gồm : Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Nhóm này hiện chiếm đến 45% dân số và 2/3 tăng trưởng toàn cầu, mức dự trữ ngoại hối của nhóm đã lên đến 4.000 tỉ đô la. Một ngân hàng phát triển chung của BRICS sẽ rất có ít cho các nước thành viên trong nhiều lĩnh vực cần đến tài chính.

Thế nhưng, các nước hiện còn chưa đồng thuận về một số điểm trong đó có việc liên quan đến mức đóng góp của các nước thành viên. Ngân hàng dự kiến sẽ có số vốn là 50 tỉ đô la, tức mỗi nước sẽ phải góp 10 tỉ đô la, một con số không nhỏ, và không tương ứng với tiềm lực rất khác nhau của mỗi nước. Chưa kể là nếu muốn vay trên thị trường, thì ngân hàng này buộc phải đạt chỉ số tín nhiệm AAA mới có thể hưởng lãi suất ưu đãi của Ngân hàng Thế giới.

Rồi những khó khăn nội bộ khác : Nam Phi nghi ngại Trung Quốc vì biết nước này không được lòng dân Châu Phi, Nga e dè trước sự bành trướng của Trung Quốc, Ấn Độ đang có nhiều khúc mắc chiến lược với Trung Quốc, Braxin thì phản đối chính sách tiền tệ của Trung Quốc. Về phần mình, Trung Quốc đang e ngại việc làm đảo lộn một trật tự kinh tế thế giới đang rất có lợi cho mình.

Le Monde kết luận : BRICS đã tạo thành « một sức mạnh kinh tế » nhưng chưa tạo ra được một « sức mạnh chiến lược ».

Pháp trong vòng lẩn quẩn kinh tế trì trệ

Tối nay, Tổng thống Pháp François Hollande sẽ xuất hiện trên truyền hình quốc gia để trấn an người Pháp. Nhật báo cánh hữu Pháp Le Figaro dành trang nhất cho chủ đề này với dòng tựa : «François Hollande làm cách nào để chuẩn bị lời giải thích ? ».

Tờ báo cho biết, đương kim Tổng thống Hollande đang khổ sở khi bị cả hai bên tả hữu chỉ trích là điều hành kinh tế không hiệu quả. Điều đáng chú ý là sự chỉ trích lại đến từ Đảng Xã hội của ông. Để chuẩn bị cho buổi giải thích trên truyền hình, Tổng thống Hollande đã gặp nhiều nhân vật trọng yếu như Thủ tướng Jean-Marc Ayrault, Bộ trưởng Ngoại giao Laurent Fabius, Bộ trưởng Kinh tế Pierre Moscovici…Mục đích cuối cùng của ông Hollande là làm sao trấn an được người Pháp về chính sách điều hành kinh tế chưa cho được kết quả như mong đợi của ông.

Bên cạnh đó, Le Figaro cũng chạy tựa lớn trên trang nhất : « Sức mua là nạn nhân của việc tăng thuế ». Tờ báo cho biết, theo số liệu thống kê được công bố hôm qua, thì vào quý 4 năm 2012, sức mua của người Pháp đã giảm đi 0,8%. Điều đáng chú ý là nguyên nhân chính lại là do việc tăng thuế của chính phủ đối với người dân, nhất là các khoản tăng dự định cho năm 2013.

Nhật báo Le Monde cũng dành trang nhất cho chủ đề này với dòng tựa : «Sự giảm sức mua mang tính lịch sử của Pháp vào năm 2012 », dẫn lại số liệu thống kê được công bố hôm qua. Tờ báo cho biết thêm, trong bối cảnh kinh tế không tăng trưởng thì tỉ lệ thất nghiệp tại Pháp hiện cũng đã gần bằng mức kỷ lục năm 1997. Nếu tính luôn các vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp (các DOM), thì hiện tại có 1/6 người dân trong độ tuổi lao động trong tình trạng cần có việc làm. Từ khi ông Hollande đắc cử tổng thống hồi tháng 5/2012 đến giờ nước Pháp đã có thêm 250.000 người thất nghiệp.

Nhật báo cánh tả Pháp Libération cũng dành trang nhất đăng bức ảnh của Tổng thống Hollande có vẻ đang giải thích gì đó để ám chỉ việc ông Hollande sẽ giải trình trên truyền hình tối nay. Tờ báo nhận định, kết quả điều hành kinh tế của Tổng thống Hollande chưa đáp ứng được mong đợi, tỉ lệ người thất vọng về ông ngày càng tăng lên, ngay cả người trong Đảng Xã hội của ông cũng lên tiếng chỉ trích. Tờ báo dẫn lại lời của một dân biểu thuộc Đảng Xã hội cho rằng : «François Hollande không phải được bầu lên là đề đưa người dẫn Pháp đến con đường không lối thoát của chính sách khắc khổ ».

Châu Âu : Đám cưới giảm, ly hôn tăng

Khủng hoảng kinh tế không chỉ là của riêng nước Pháp mà là của toàn khối 27 nước Liên Hiệp Châu Âu (EU). Khủng hoảng kinh tế đã kéo theo một hồ sơ xã hội đáng báo động được Le Monde phản ánh qua bài : «Do khủng hoảng kinh tế, người Châu Âu sinh con ít hơn nhưng ly dị nhiều hơn ».

Tờ báo đăng lại một kết quả vừa được công bố tại Bruxelles, theo đó từ năm 2009, tỉ lệ sinh tại Châu Âu đã ngừng tăng, và bắt đầu dẫm chân ở mức 1,6 trẻ em/phụ nữ. Trong khi đó ở một số nước tỉ lệ này còn thấp hơn, như ở Rumani là 1,25 và ở Hungari mà 1,23. Tuổi sinh con bình quân ở phụ nữ cũng có chiều hướng tăng lên với mức trung bình cho toàn cõi Châu Âu là 30 tuổi.

Khủng hoảng kinh tế cũng làm cho nhiều người ngại lập gia đình, dẫn đến tỉ lệ người kết hôn tại Châu Âu giảm, trong khi đó khó khăn tài chính làm tăng xích mích gia đình khiến tỉ lệ ly hôn bắt đầu tăng. Tất cả đẩy Châu Âu đến một vấn đề đau đầu, đó là tình trạng lão hóa dân số ngày càng nghiêm trọng.

Bức tranh lại càng trở nên u ám khi theo thống kê nói trên thì vào tháng 01/2013 này, số người thất nghiệp trên toàn cõi Châu Âu đã vượt 26 triệu người, tức chiếm khoảng 10,8% số người ở độ tuổi lao động, con số này ở 10 nước khu vực eurozone là 11,9%. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.