Vào nội dung chính
PHÁP - ẤN ĐỘ

Paris "trọng Ấn, khinh Trung" trong việc chuyển giao công nghệ

Nhân chuyến công du Ấn Độ trong hai ngày 14 và 15 tháng Hai vừa qua, Tổng thống Pháp François Hollande đã kêu gọi các công ty của Pháp chia sẻ công nghệ học tiên tiến của mình cho Ấn Độ. Trong bối cảnh tranh đua gay gắt hiện nay giữa New Delhi và Bắc Kinh, quyết định của Pháp có thể khiến Trung Quốc phật ý. Nhưng theo nhận định của Le Monde, Tổng thống Pháp đã không ngần ngại khẳng định sự lựa chọn của mình.

Tổng thống Pháp Francois Hollande đọc diễn văn tại trung tâm công nghệ Madhavrao Scindia Foundation 15/02/2013 (REUTERS)
Tổng thống Pháp Francois Hollande đọc diễn văn tại trung tâm công nghệ Madhavrao Scindia Foundation 15/02/2013 (REUTERS)
Quảng cáo

Trong bài viết mang tựa đề « Paris nhận trách nhiệm về mình trong việc chuyển giao công nghệ qua Ấn Độ », Jacques Follorou, đặc phái viên báo Le Monde ghi nhận : « Trong chuyến thăm cấp nhà nước qua Ấn Độ, Tổng thống François Hollande đã gạt phăng những e dè cuối cùng có thể kềm hãm Pháp trong việc chia sẻ các bí mật của mình cho cường quốc đang vươn lên này, trong các lĩnh vực nhạy cảm nhưng mang lại nhiều lợi nhuận như hạt nhân, quân sự và công nghệ cao cấp ».

Theo Le Monde, không một chút ngần ngại, người đứng đầu Nhà nước Pháp đã giải thích chủ trương của ông bằng "niềm tin" rằng Ấn Độ sẽ sử dụng đúng đắn tên lửa và tàu ngầm mua của Pháp và bằng tính chất "vô hại" của quan hệ đối tác với New Delhi trong lãnh vực điện hạt nhân.

Điều được đặc phái viên Le Monde chú ý là khi được hỏi thẳng thừng là tại sao Ấn Độ lại khiến Pháp yên tâm trong các lãnh vực mà Trung Quốc lại gây nên nỗi e ngại, ông François Hollande đã tránh trả lời trực tiếp : « Ấn Độ là một cường quốc hiếu hòa (...), không lẽ ông lại muốn tôi bất hòa với Trung Quốc hay sao ! "

Đối với Le Monde, thông điệp của Paris rất rõ ràng : Ấn Độ là một vùng đất nhiều triển vọng nơi mà các nhà công nghiệp Pháp, theo ông Hollande, « phải đầu tư nhiều hơn nữa, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao cấp. »

Theo Tổng thống Pháp, đây là một quan hệ hợp tác hợp lý vì hai nước cùng có chung những giá trị, trong đó có giá trị dân chủ. Khi nhấn mạnh đến giá trị dân chủ mà Pháp và Ấn Độ cùng chia sẻ, ông Hollande đã mặc nhiên loại người hàng xóm của Ấn Độ là Trung Quốc ra ngoài vòng hợp tác.

Ấn Độ đáng tin cậy hơn Trung Quốc vì không đánh cắp công nghệ học

Theo đặc phái viên báo Le Monde, để cho không còn một ai nghi ngờ về quyết tâm hợp tác với Ấn Độ của nước Pháp, Tổng thống Hollande nói thêm : « Nếu Ấn Độ đã tin tưởng Pháp về các thiết bị quốc phòng, thì Pháp cũng tin tưởng Ấn Độ về việc sử dụng các thiết bị đó. » Đối với người đứng đầu nước Pháp, Ấn Độ chỉ trang bị vũ khí để « chăm lo cho nền an ninh của mình » mà thôi.

Le Monde cũng ghi nhận là Phủ Tổng thống Pháp cũng không tỏ ra lo ngại trước nguy cơ tạo ra một đối thủ cạnh tranh với Pháp trong tương lai khi cung cấp công nghệ quý hiếm cho Ấn Độ, một hiểm họa tất yếu trong trường hợp chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc. Đối với điện Elysée, Ấn Độ không đi theo một logic xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp nhạy cảm có thể gây thiệt hại sau này cho lợi ích thương mại của Pháp.

Trong hội nghị kinh tế Ấn Độ-Pháp tổ chức thứ sáu 15/02 vừa qua tại Mumbai, Chủ tịch Liên đoàn các nhà công nghiệp Ấn Độ, Dhruv Swhaney, đã cho rằng ông « François Hollande đang tìm kiếm một mô hình mới có thể liên kết Pháp với các doanh nghiệp Ấn ».

Mô thức này nhìn chung dựa trên nhận định : Trong lĩnh vực công nghệ, Ấn Độ là chính diện, đối nghịch hẳn với Trung Quốc. New Delhi không hề bị nghi ngờ về âm mưu đánh cắp công nghiệp học một cách có tổ chức, và cũng không cho sản xuất đại trà các phiên bản quay cóp một cách thô thiển thiết bị, sản phẩm của phương Tây. Các cơ quan tình báo Ấn Độ (RAW), theo chính quyền Pháp, không tập trung vào chiến tranh kinh tế, trái với Trung Quốc.

Một lãnh đạo tập đoàn hàng không, không gian và vũ khí, thiết bị công nghệ Safran của Pháp đã bình luận : « Tại Trung Quốc, nơi mà chính quyền không cần đếm xỉa đến công luận hay các quyền lực đối trọng, quyền sở hữu trí tuệ vẫn là một khái niệm hoàn toàn mới lạ, cho dù đã tiến nhanh trong thời gian gần đây. Trong lúc đó, Ấn Độ đã có một hệ thống pháp luật cung cấp những bảo đảm thực thụ » cho quyền sở hữu trí tuệ của Pháp.

Trung Quốc : Tương lai "xưởng thợ của thế giới" đi về đâu ?

Cũng liên quan đến châu Á, hồ sơ nổi trội là vấn đề kinh tế, trước tiên là kinh tế Trung Quốc. La Croix có bài báo dài cả trang về Trung Quốc, tựa đề : « Tại Trung Quốc, ‘xưởng thợ của thế giới’ đang tự hỏi về tương lai của mình », trong khi Le Figaro, trích dẫn các chuyên gia, đã nhìn thấy rằng Trung Quốc là động cơ chính của kinh tế thế giới.

Trong bài phóng sự dài hai trang, thông tín viên của báo La Croix đã đến tìm hiểu tình hình ở Quảng Đông, một nơi được xem là tủ kính của chính sách kinh tế dựa trên xuất khẩu, chủ yếu nhờ giá nhân công rẻ. Tuy nhiên, vấn đề tăng lương đáng kể trong thời gian qua đã tác động trên mô hình này.

Phóng viên La Croix nêu ví dụ một cơ xưởng ở Đông Quan (Dongguan), chuyên sản xuất ghế nệm. Chủ nhân cơ sở này cho biết hiện ông chỉ có khoảng 20 nhân công, trong lúc ông phải cần đến cả chục người nữa nhưng từ năm ngoài đã rất khó tìm ra. Xưởng của ông hoạt động chậm hẳn lại.

Theo tác giả bài báo, đây cũng là tình cảnh của nhiều cơ xưởng ở vùng công nghiệp lớn này tại Quảng Đông. Chỉ mới cách đây một vài năm, người từ các vùng nông thôn kéo về đây rất đông để tìm việc làm. Bây giờ thì ngược lại, những chỗ thu dụng nhân công ở trên đường phố Đông Quan không thu hút nhiều người nữa, cho dù lương đề nghị có thể lên đến 4.500 yuan (tức khoảng 540 euro) cho những việc làm không cần chuyên môn.

Đấy là những điều chưa từng thấy chỉ hai năm trước đây thôi, trước khi các cuộc đình công buộc chính quyền điạ phương phải nhiều lần tăng mức lương tối thiểu.

Kinh tế Trung Quốc : Quảng Đông bị siết trong gọng kềm

Giới chủ nhân ở Đông Quan như bị "siết trong gọng kềm" : lương công nhân thì tăng hơn gấp đôi từ hai năm qua, giá nguyên nhiên vật liệu thì tăng mạnh do lạm phát, đơn đặt hàng từ Mỹ lại bị giảm vì khủng hoảng kinh tế, và tiền lời trên từng sản phẩm cũng ít đi vì giá trị đồng đô la không bằng như trước. Đối với công ty ở Đông Quan tình hình còn tệ hơn cả thời khủng hoảng năm 2008.

Theo tác giả bài phóng sự, tình cảnh cơ sở sản xuất ghế nệm nói trên còn đỡ hơn một số đồng nghiệp khác, như trường hợp một xưởng đóng giày, nay cỏ mọc bao quanh, với tấm bảng ‘cho thuê’ trước cổng. Xưởng này bị phá sản từ một năm nay, chủ nhân biến mất, không trả lương công nhân. Đây không phải là một trường hợp hiếm hoi ở vùng được xem là giàu có của Trung Quốc.

La Croix nhắc lại vào tháng 7/2012, một báo cáo của Liên đoàn Công nghiệp Hồng Kong (HKFI) đánh giá là khoảng 2.000 nhà máy ở Quảng Đông bị đe dọa, đóng cửa. Các tập đoàn nước ngoài thuê gia công tại đây – kể cả Foxconn – đã dời sản xuất vào sâu trong miền trung bộ Trung Quốc, còn nghèo và nhân công còn rẻ, một số khác thì dời sang các nước Đông Nam Á, như Nike đã di dời dần dần sản xuất của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam kể từ năm 2005.

Tuy nhiên, nếu các tập đoàn lớn có khả năng dời cơ sở đi tìm nơi nhân công rẻ hơn, cho dù ở những vùng xa xôi hay nghèo hơn ở Trung Quốc, thì những công ty Trung Quốc ở Quảng Đông khó làm được vì không đủ khả năng.

Theo bài báo tình cảnh Đông Quan phản ánh một thực tế. Đó là phải thay đổi mô hình phát triển kinh tế dựa trên gia công. Và như một nhà kinh tế Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội ở Quảng Đông nhân định, đấy là một kỹ nghệ dựa trên mồ hôi, chứ không có một kỹ thuật riêng nào cả.

La Croix trích dẫn chủ tịch tổng giám đốc tập đoàn chuyên về nội thất Forever Holding, khẳng định việc thay đổi mô hình không thể tránh khỏi. Hiện nay lối thoát đối với các nhà sản xuất Trung Quốc là sự vươn lên của thị trường nội điạ mà triển vọng, theo La Croix, đang làm cho các nhà sản xuất trên thế giới mơ tưởng.

Đối với các công ty Trung Quốc muốn chuyển hướng, khó khăn là phải đầu tư không ít, thay đổi dàn sản xuất. Vả lại như nhận định của ông Stanlay , phó giám đốc HKFI, đối với một xí nghiệp chuyên sản xuất một loại linh kiện, một phần sản phẩm mà thôi, như thường thấy ở đây, thì khó có thể một minh chuyển đổi.

Trung Quốc : Đầu tầu kinh tế thế giới

Le Figaro hôm nay đã tổng kết cuộc họp nhóm G20 tại Matxcơva dưới tựa đề « G20 e ngại suy thoái kinh tế toàn cầu ». Tờ báo nhắc lại rằng vấn đề tăng trưởng yếu kém tại các quốc gia phát triển đã đươc nêu bật trong cuộc họp các bộ trưởng tài chính ở Matxcơva. Cho nên các quốc gia này đã chủ trương mềm dẻo hơn trong các chính sách thắt lưng buộc bụng và phải tránh mọi chiến tranh tiền tệ.

Phỏng vấn kinh tế gia Stephen King, thuộc ngân hàng HSBC, Le Figaro chạy hàng tít : « Trung Quốc sẽ là cổ máy chính của nền kinh tế (thế giới) ». Theo ông Stephen King, thì Châu Á - nhất là Trung Quốc - sẽ kéo cả cỗ máy kinh tế thế giới đi lên. Theo ông, các mối lo ngại về nguy cơ kinh tế Trung Quốc hoạt động chậm lại được nghe gần đây, đều không có cơ sở.

Vào năm 2014, GDP của Trung Quốc quan trọng hơn đến 3,5 lần so với năm 2000. Như thế đóng góp của Trung Quốc vào tăng trưởng thế giới quan trọng hơn bao giờ hết, cao gấp 4 lần so với cách đãy 15 năm. Và nghịch lý là ngay khi hoạt động kinh tế Trung Quốc có chậm lại một chút, trọng lượng và ảnh hưởng của Trung Quốc trên kinh tế thế giới lại cao hơn.

Ai hưởng lợi nhiều nhất ? Theo ông Stephen King, trong xu thế hiện nay, có thể dựa theo yếu tố có trao đổi thương mại nhiều hay ít với Trung Quốc để cho rằng đó trước tiên hết là những láng giềng gần ở Châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc. Ngoài ra còn các nhà sản xuất năng lượng, như Kazakhstan, Ả Rập Xê- Út, Angola hay Iran, và ở Châu Âu thì có Đức. Pháp, Ý và nhất là Anh, ít thâm nhập hơn trong mấy năm qua, không được hạng tốt như Đức.

Indonesia cùng Trung Quốc và Ấn Độ là ba nền kinh tế đáng chú ý nhất

Cũng trên bình diện tăng trưởng, báo Les Echos hôm nay ghi nhận có rất nhiều khác biệt giữa các nền kinh tế đang vươn lên. Tờ báo trước tiên cũng khẳng định rằng Châu Á, là cỗ máy tăng trưởng của thể giới. Đi sâu vào chi tiết, tờ báo ghi nhận là Ấn Độ gây thất vọng, vì có một số thất bại, trong lúc Trung Quốc xác đinh tư thế vững vàng.

Cũng như đồng nghiệp Le Figaro, Les Echos trích dẫn chuyên gia cho là Trung Quốc đạt thành quả và sẽ kéo theo tất cả các nền kinh tế trong vùng. Tờ báo trích cơ quan thẩm định Ernst&Young, cho là tăng trưởng các nền kinh tế Châu Á se tăng vọt từ 6,3% năm 2012, lên 7,8% vào năm 2014.

Les Echos trở lại tình hình Ấn Độ, cho là tuy với tăng trưởng dĩ nhiên cao hơn là Châu Âu, nhưng quốc gia này đã gây thất vọng : (6,5% năm 2011/2012, so với 8,4% năm 2010/2011).

Ấn Độ đã phải trả giá cho tình trạng hạ tầng cơ sở yếu kém, làm nản chí các nhà đầu tư. Ai cũng nhớ vụ mất điện tác động đến 600 triệu người và bộc lộ thực tế của Ấn Độ.Và các nhà quan sát không tin tưởng gì nhiều vào Ấn Độ trong năm 2013 này.

Riêng Trung Quốc, với tăng trưởng 7,8%, đã trấn an được các mối lo ngại. Dĩ nhiên vẫn còn có người cho là tăng trưởng là do các kế hoạch Nhà nước, chứ không phải là tiêu thụ nội địa, doanh nghiệp Trung Quốc vẫn chưa chuyển hướng, nhưng Les Echos cho là dù như thế, Trung Quốc năm 2013 sẽ thấy tăng trưởng của mình lên 8,3-8,5% và trở nên một động cơ khu vực, mà tất cả các nền kinh tế láng giềng đều hưởng lợi, kể cả Việt Nam.

Giữa hai chàng khổng lồ Châu Âu, Les Echos nhìn thấy một nước thứ 3 đang vươn lên với nhiều triển vọng : Indonesia. Tuy còn nhiều mặt yếu kém nhưng thuận lợi của đất nước 235 triệu dân là cung cấp cho các tập đoàn đa quốc gia một kho nhân công và người tiêu dùng, do đó đất nước với 18.000 hòn đảo này đã đạt kỷ lục về đầu tư.

Trang nhất báo Pháp : Từ Paris đến Roma

Chi tiêu ngân sách và vấn đề thuế : tranh luận bùng lên trên chính sách khắc khổ tại Pháp ; nỗi tuyệt vọng của những người thất nghiệp hết hạn nhận trợ cấp ; cuộc chiến Mali biến đâu rồi ? Trên đây là số tựa lớn đập mắt trên trang nhất các báo ra hôm nay, 18/02/2013, tập trung đề cập đến thời sự nước Pháp.

Riêng Le Figaro nhìn sang Roma, đăng trên trang nhất bức ảnh Đức Giáo hoàng, chạy dòng tựa bên trên : « Vatican chuẩn bị như thế nào cho thời hậu Benedicto 16 ». Tờ báo cánh hữu bảo thủ giải thích : Trong lúc Đức giáo hoàng tĩnh tâm một tuần lễ, các Hồng y tập trung bàn chi tiết lịch trình chuẩn bị chọn người thừa kế.

Le Monde chua xót trước vấn đề thất nghiệp hiện nay ở Pháp, vì đã dẫn đến những hành động tuyệt vọng, tự sát. Tờ báo nhắc lại sau vụ tự tử ở Nantes, thất nghiệp hình như là nguyên nhân các vụ tự thiêu, như trường hợp một người đàn ông 49 tuổi,tự thiêu ở Saint Ouen, vùng ngoại ô Paris, thứ Sáu, 15/02 vừa qua.

Ông bị bỏng nặng, nhưng không nguy hại đến tính mạng. Người đàn ông tuyệt vọng này đã nói với nhũng người cứu thương ông thất nghiệp hết hạn được trợ cấp. Trước đó hai ngày, một người khác trường hợp tương tự đã  tự thiêu ở Nantes. Một số toan tự thiêu đã diễn ra những ngày gần đây.

Theo tờ báo khủng hoảng kinh tế, thất nghiệp rõ ràng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến các hành động này. Tờ báo trích dẫn số liệu chuyên gia y tế, trong thời gian 2008 đến 2011 đã có thêm 750 người tự tử và 10 780 vụ toan tự tử. Những người có hành động tuyệt cùng này nhất là hành động tự thiêu là muốn phơi bầy nỗi tuyệt vọng trước mọi người và đánh động xã hội. Phần Le Monde cũng đánh động năm 2012, số lượng người thất nghiệp hết nhận trợ cấp bùng lên đến 98 000.

Còn tờ Libération chạy tựa trang nhất, tỏ vẻ thắc mắc về Mali : "Cuộc chiến biến đâu rồi ?", tờ báo ghi nhận ở bên dưới hàng tựa là hình ảnh về cuộc chiến hiếm đi, thông tin không nhiều như trước. Libération tỏ vẻ bực mình, nhận định hóm hỉnh : Sau chiến thắng ở giai đoạn đầu, chiến dịch Serval đã tàng hình. Libération giải thích điều này một phần là do mối nghi kỵ cố hữu của quân đội đối với nhà báo.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.