Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Trung Quốc bắt đầu hạn chế việc giam giữ trong trại "lao giáo"

Hôm nay, 07/02/2013, báo chí chính thức của Trung Quốc loan tin là chính quyền tỉnh Vân Nam vừa thông báo sẽ không áp dụng hình phạt « giáo dục thông qua lao động » ( lao giáo ) đối với ba tội danh chính trị. Theo lời lãnh đạo ngành tư pháp tỉnh Vân Nam, được tờ Tân Kinh Báo trích dẫn hôm nay, việc kết án lao động cải tạo cũng sẽ tạm thời được đình chỉ đối với những « hoạt động trái phép » trong khi chờ đợi cải tổ toàn bộ hệ thống trại « lao giáo » trên toàn quốc.

Mộty công an dẫn dắt một nhóm "tội phạm" trong một trại lao giáo ở Tứ Xuyên (Reuters)
Mộty công an dẫn dắt một nhóm "tội phạm" trong một trại lao giáo ở Tứ Xuyên (Reuters)
Quảng cáo

Lãnh đạo ngành tư pháp tỉnh Vân Nam nói rõ là những người « gây phương hại an ninh quốc gia », « bôi nhọ thanh danh các lãnh đạo », cũng như « những người khiếu kiện cố chấp hoặc gây rối trật tự » kể từ nay sẽ không bị đưa vào các trại lao động cải tạo. Tuy nhiên, tờ Tân Kinh Báo không nói rõ là chính quyền Vân Nam sẽ áp dụng hình phạt mới nào đối với những đối tượng này.

Cho tới nay, mọi công dân Trung Quốc đều có thể bị kết án lao động cải tạo lên đến 4 năm chỉ theo lệnh của công an, chứ không cần thông qua xét xử của tòa án. Công cụ đàn áp có từ năm 1957 này ngày càng bị chỉ trích ở Trung Quốc, nhất là vì nó thường được sử dụng nhằm bắt giam tùy tiện những nhà đối lập.

Hơn nữa, trong những trại này, quyền của các phạm nhân bị vi phạm nghiêm trọng, đến mức mà ngay cả báo chí chính thức cũng đã lên tiếng phản đối. Gần đây, ngày càng có nhiều tín hiệu cho thấy hệ thống trại « lao giáo » này sẽ được xóa bỏ. Bản thân lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình cũng nhìn nhận rằng đây là một vấn đề « khẩn thiết ».

Theo Tân Kinh Báo, bốn thành phố Nam Kinh ( miền Đông ), Thanh Đảo ( miền Đông ), Trịnh Châu ( miền Trung ) và Lan Châu ( miền Tây Bắc ) đã được chọn là những nơi tiến hành chương trình thí điểm thay thế chế độ « lao động cải tạo » bằng hình thức « chỉnh sửa các hành vi phi pháp thông qua giáo dục ». Nhưng tờ báo không nói rõ hai chế độ đó khác nhau ở những điểm nào. Vào tuần trước, chính quyền tỉnh Quảng Đông cũng đã thông báo một dự án cải tổ hệ thống trại « lao giáo » ở địa phương này.

Vào đầu tháng Giêng, đài truyền hình Nhà nước Trung Quốc đã trích lời một lãnh đạo cao cấp tuyên bố là hệ thống trại cải tạo lao động sẽ chấm dứt trong năm nay. Nhưng thông tin này, có lẽ được đưa ra quá sớm, ngay sau đó đã bị gỡ bỏ khỏi các trang mạng chính thức.

Theo một báo cáo năm 2009 của Liên hiệp quốc, có đến khoảng 190 ngàn người Trung Quốc lúc đó đang bị giam trong các trại « lao giáo », tức là cao hơn gấp ba lần so với con số chính thức 60 ngàn người. Theo tờ Tân Kinh Báo, tổng số nhân viên làm việc trong các trại « lao giáo » là hơn 100 ngàn người, tại hơn 300 trại trên toàn quốc.

Một tổ chức chuyên về tư pháp Trung Quốc, trụ sở tại Hoa Kỳ, mang tên « Đối Thoại », cho biết là điều kiện sống trong các trại lao động cải tạo có thể khác nhau tùy nơi, nhưng nói chung các phạm nhân phải làm việc nhiều giờ, hoặc là trồng trọt, hoặc sản xuất hàng hóa, trong đó có một số mặt hàng xuất khẩu.

Đó chính là lý do vì sao nhiều chính quyền địa phương không muốn xóa bỏ hệ thống trại « lao giáo », vì như thế họ sẽ mất đi một nguồn nhân công rẻ mạt. Những người chỉ trích chế độ lao động cải tạo sợ rằng việc cải tổ hệ thống này sẽ chỉ có tính chất hình thức. Mặt khác, Trung Quốc chưa nói gì đến việc đóng cửa các trại cai nghiện cưỡng bức hoặc cải tổ hệ thống nhà tù « lao cải », mà hiện cũng đang bị giới hoạt động nhân quyền chỉ trích nặng nề.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.