Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Nhật Bản bị tố cáo khơi dậy cuộc chiến tiền tệ

Đăng ngày:

Chính sách tiền tệ của Nhật Bản đã trở thành một trong những trọng tâm tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới Davos và sẽ tiếp tục được mổ xẻ tại cuộc họp G20 ở cấp bộ trưởng Tài chính và Ngân hàng trung ương tổ chức tại Matxcơva trong hai ngày 15 và 16/02/2012. Phỏng vấn chuyên gia Evelyne Dourille Feer -CEPII

Thủ tướng Nhật phát biểu tại một hội nghị, bên trên là màn hình cho thấy tỷ giá đồng yen so với đô la, Tokyo, 11/01/2013
Thủ tướng Nhật phát biểu tại một hội nghị, bên trên là màn hình cho thấy tỷ giá đồng yen so với đô la, Tokyo, 11/01/2013 REUTERS/Toru Hanai
Quảng cáo

Tokyo phải chăng đã lao vào cuộc chiến tiền tệ ? Phá giá đồng tiền có cho phép kinh tế Nhật phục hồi hay không ? Sau đây là các phân tích của chuyên gia kinh tế Nhật Bản, Evelyne Dourille Feer thuộc Trung tâm Nghiên cứu về Triển vọng và Thông tin Quốc tế.

Tính từ tháng 11/2012 đồng yen của Nhật giảm giá 11 % so với đô la và 20 % so với đồng tiền chung châu Âu. Đơn vị tiền tệ của Nhật Bản cũng giảm giá 18 % trong ba tháng qua so với đồng won của Hàn Quốc.

Hay tin Ngân hàng Trung ương Nhật thông báo sẽ can thiệp để nới lỏng chính sách tiền tệ, từ Diễn đàn Davos, thủ tướng Đức không vòng vo cảnh cáo BoJ : « vai trò của các ngân hàng trung uơng không phải là để điều chỉnh những sai lầm về chính sách kinh tế của một nhà nước hay để cải thiện khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp ». Cũng tại Diễn đàn kinh tế thế giới, thống đốc Ngân hàng trung ương Đức cũng cảnh cáo mọi ý đồ « phá giá đồng tiền để tìm lợi thế cho các nhà sản xuất tung hàng ra thị trường quốc tế ».

Các đối tác thương mại quan trọng của Nhật Bản như Anh, Mỹ hay Trung Quốc, Hàn Quốc đều kêu gọi Tokyo không nên « mở ra cuộc chiến tiền tệ ».

Kể từ khi ra tranh cử lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do, ông Shinzo Abe đã đưa ra hai lập luận then chốt để thuyết phục cử tri và thu hút các doanh nhân Nhật Bản : cam kết hạ giá đồng yen để kích thích khu vực xuất khẩu, lấy lại cân bằng cho cán cân thương mại, và bằng mọi giá chấm dứt hiện tượng giảm phát làm suy yếu khu vực sản xuất trên xứ hoa anh đào.

Khi giành được chính quyền qua lá phiếu của cử tri ông Abe hiểu hơn ai hết thời kỳ trăng mặt của mình sẽ chỉ rất ngắn ngủi. Vì thế chỉ ba tuần sau khi chính thức lên thay thế ông Noda, thủ tướng Shinzo Abe đã lập tức thông qua dự thảo ngân sách bổ sung với mục đích tài trợ cho kế hoạch kích thích tăng trưởng hơn 10 000 tỷ yen -tương đương với 87 tỷ euro.

Gần như cùng lúc, thủ tướng Nhật đã gây sức ép lên Ngân hàng Trung ương, BoJ – trên nguyên tắc là một cơ quan hoàn toàn độc lập với chính phủ - để nới lỏng chính sách tiền tệ cho đến khi tỷ lệ lạm phát được nâng lên thành 2 %. Đó là mức lạm phát chưa từng đạt được kể từ năm 1997.

Ngày 18/01/2013 chính phủ và Ngân hàng Trung ương Nhật đồng ý phối hợp để « chấm dứt tình trạng giảm phát và thúc đẩy cỗ xe kinh tế đang bị trì trệ ». Để thực hiện được mục tiêu đó BoJ sẽ bơm thêm tiền vào thị trường tài chính, cụ thể là tung tiền ra để mua lại công trái phiếu của Nhà nước hoặc cổ phiếu của các công ty. Kể từ đầu tháng Giêng sang năm, hàng tháng định chế này sẽ mua vào 13 000 tỷ yen công trái phiếu và cổ phiếu. Biện pháp này sẽ được duy trì một cách « vô hạn định ».

Cùng lúc BoJ vẫn duy trì lãi suất chỉ đạo ở mức thấp chưa từng thấy là từ 0 đến 0,1 %. Đó là những biện pháp mạnh để thể hiện quyết tâm vực dậy kinh tế của chính quyền Abe.

Tại Diễn đàn kinh tế thế giới Nhật Bản đã bị chỉ trích khơi mào cho một cuộc chiến tiền tệ khi phá giá đồng yen. Cáo buộc đó cơ cơ sở hay không ? Bà Evelyne Dourille Feer chuyên gia về kinh tế Nhật thuộc Trung tâm nghiên cứu về triển vọng kinh tế và thông tin quốc tế (CEPII) cho rằng Tokyo chưa bước vào giai đoạn gọi là phá giá đồng tiền :

« Thực ra hiện tại Nhật Bản đang trong chu kỳ điều chỉnh tỷ giá của đồng yen so với đô la và euro, do đồng tiền của Nhật đã tăng giá quá mạnh so với đơn vị tiền tệ của Âu, Mỹ và kể cả so với hai đồng won của Hàn Quốc và nhân dân tệ của Trung Quốc. Chưa thể nói là Tokyo phá giá đồng tiền bởi vì đồng yen hiện tại vẫn còn cao giá hơn so với thời điểm nổ ra khủng hoảng tài chính mùa thu 2008, khi ngân hàng Mỹ, Lehman Brothers tuyên bố phá sản.

Đúng là từ tháng 11 năm ngoái đến nay, đồng yen giảm giá 11 % so với đô la và 20 % so với đồng euro nhưng đấy chỉ mới là một sự điều chỉnh về tỷ giá mà thôi. Mới chỉ ngần ấy cũng đủ để khiến dư luận quốc tế lo ngại nổ ra chiến tranh tiền tệ khi biết rằng Hoa Kỳ đang bơm thêm tiền để hỗ trợ kinh tế. Nhờ thế mà đồng đô la giảm giá so với các đơn vị tiền tệ khác. Tại châu Âu, do đứng ngoài khu vực đồng euro, Anh Quốc cũng đã có chính sách tiền tệ tương tự như ở Mỹ. Tại châu Á thì Hàn Quốc và Trung Quốc cùng can thiệp để đơn vị tiền tệ của họ mềm giá. Cuối cùng chỉ có khu vực đồng euro là chịu bó tay ».

Vì sao đồng yen tăng giá từ 2008 và tại sao Nhật Bản đợi đến thời điểm này mới điều chỉnh tỷ giá hối đoái ? Bà Evelyne Dourille Feer trả lời :

« Trước thủ tướng Abe, Tokyo đã nhiều lần hạ nhiệt đồng yen nhưng lần này, ông Shinzo Abe thực sự bày tỏ quyết tâm can thiệp vào chính sách tiền tệ một cách quy mô hơn. Ngân hàng trung ương Nhật Bản đã thông báo mua lại công trái phiếu và cổ phiếu của một số công ty một cách ‘vô hạn định’ đồng thời đề ra mục tiêu nâng tỷ lệ lạm phát lên tới 2 %. Điều đó cho thấy là đồng yen sẽ tiếp tục giảm giá.

Bên cạnh đó, từ cuối năm 2012, các nhà đầu tư Nhật Bản đã ồ ạt bán yen, đổi lấy ngoại tệ để đầu tư vào các thị trường quốc tế. Bởi lẽ kinh tế Hoa Kỳ bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc trở lại, châu Âu cũng bắt đầu tạm ổn định sau khi đã tưởng rằng khu vực đồng euro bị vỡ tan. Nhờ vậy đồng yen giảm giá so với các đơn vị tiền tệ của Âu Mỹ.

Trở lại câu hỏi vì sao từ năm 2008 tới nay đơn vị tiền tệ của Nhật đã tăng giá : đơn giản là khi mà Hoa Kỳ phải đương đầu với cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng nhất kể từ năm 1929 và kế tiếp là đến năm 2010 thì đến lượt châu Âu bị lôi vào vòng xoáy của khủng hoảng nợ công thì kinh tế Nhật được coi là một địa điểm đầu tư an toàn. Ai cũng muốn đầu tư vào Nhật vì vậy họ mua vào đồng yen khiến đồng tiền của Nhật Bản tăng giá. Khi Tokyo đã đặt ra mục tiêu đẩy lạm phát lên thành 2 % thay vì 1 % như trước đây. Giảm giá đồng yen sẽ cho phép Nhật Bản lấy lại cân bằng trong cán cân thương mại. Nhật Bản trong hai năm liên tiếp đã bị rơi vào tình trạng nhập siêu ».

Như vậy Ngân hàng trung ương Nhật can thiệp dưới hình thức nào ?

« Ngân hàng trung ương Nhật cam kết bơm tiền vào hệ thống kinh tế. Chỉ riêng trong năm 2013 cơ quan tài chính này sẽ bơm thêm hơn 850 tỷ euro và sẽ còn tiếp tục mua vào trái phiếu ở mức khoảng 13 ngàn tỷ yen hàng tháng trong tài khóa 2014. Biện pháp này sẽ được áp dụng một cách ‘vô hạn định’ hiểu theo nghĩa là khi nào Nhật Bản chưa đạt mục tiêu vực dậy kinh tế thì Ngân hàng trung ương sẽ còn tiếp tục can thiệp. Khi mà khối lượng tiền tệ trở nên lớn hơn, khi Ngân hàng trung ương đã phối hợp với chính phủ để ồ ạt bơm thêm tiền vào hệ thống kinh tế, thì chính sách cấp tín dụng trở nên dễ dãi hơn. Điều đó sẽ khuyến khích đầu tư và tiêu thụ, qua đó đẩy chỉ giá tiêu dùng lên cao. Nhật Bản sẽ tránh được tình trạng giảm phát.

Nhưng ở đây tôi cũng xin lưu ý một điểm then chốt : nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ chỉ có hiệu quả nếu như tư nhân chịu đầu tư. Bởi vì trong những năm 1990 khi Nhật Bản nới lỏng van tín dụng thì phần lớn các doanh nghiệp đã lợi dụng thời cơ để trả bớt nợ cũ. Đấy cũng là một điều hay nhưng tính toán đó không tạo thêm công việc làm, không tạo được một động cơ mới cho nền kinh tế Nhật Bản. Đương nhiên là để cho các doanh nghiệp chịu đầu tư, thì điều kiện tiên quyết là họ phải có được những tín hiệu báo trước là thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu có triển vọng tươi sáng.

Đó chính là lý do vì sao nội các Abe một mặt phối hợp hành động với Ngân hàng trung ương để bơm tiền vào các hoạt động kinh tế, duy trì lãi suất chỉ đạo ở mức thấp kỷ lục (từ 0 đến 0,1 %). Mặt khác thì chính quyền cũng vừa thông báo kế hoạch kích cầu ơn 10 000 tỷ yen (87 tỷ euro). Sử dụng cả hai đòn bẩy kinh tế như vậy sẽ cho phép Nhật Bản vực dậy kinh tế »

Trong hai, năm qua, cán cân thương mại của Nhật Bản bị thâm hụt do : đồng yen tăng giá gây thiệt hại cho ngành xuất khẩu. Thị trường quốc tế bị chưng lại nên đã giảm nhập hàng Nhật. Thêm vào đó nhập khẩu năng lượng đè nặng lên cán cân thương mại. Do vậy chính sách hạ giá đồng yen để kích thích xuất khẩu và vực dậy kinh tế bị coi là con dao hai lưỡi. Chuyên gia kinh tế Nhật Bản Evelyne Dourille Feer thuộc trung tâm nghiên cứu CEPII giải thích :

« Điểm lợi ở đây là với một đồng tiền mềm giá hơn, hàng xuất khẩu của Nhật sẽ trở nên hấp dẫn hơn vì rẻ hơn so với của những nơi khác. Một số hàng Nhật đã mất khả năng cạnh tranh, khi mà đồng yen tăng giá từ 20 đến 30 % so với đồng won của Hàn Quốc trong một vài năm trở lại đây, sự điều chỉnh về tỷ giá hối đoái lần này sẽ giúp cho hàng Nhật giành lại thị phần và đương nhiên là chinh phục những thị trường mới. Chẳng hạn như hàng Nhật rất có uy tín ở khu vực Đông Nam Á. Tokyo đã thắt chặt quan hệ ngoại giao, kinh tế và thương mại với nhiều nước ASEAN. Đó là những nền kinh tế có tiềm năng tăng trưởng lớn. Tựu chung đối với khu vực xuất khẩu, đồng yen giảm giá là một tin vui.

Ngược lại, khi đồng tiền của Nhật giảm giá so với đô la, hàng nhập vào thị trường xứ Hoa Anh Đào trở nên đắt đỏ hơn. Hiện tại Nhật Bản đang phải nhập nguyên nhiên liệu và nhất là năng lượng để thay thế năng lượng hạt nhân. Nếu đồng yen giảm giá quá mạnh thì kim ngạch nhập khẩu sẽ tăng nhanh. Cái khó ở đây là làm thế nào tìm ra được một thế quân bình giữa các đơn vị tiền tệ quốc tế với đồng yen để xuất khẩu của Nhật được cải thiện nhưng tránh để phải trả giá quá đắt khi cần nhập khẩu nguyên liệu và nhiên liệu. Nếu như không có chuyện gì bất trắc xảy ra trên nguyên tắc năm nay cán cân thương mại của Nhật sẽ lấy lại cân bằng hay là thặng dư trong một chừng mực nào đó ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.