Vào nội dung chính
MALAYSIA - TRUNG QUỐC

Malaysia bị chỉ trích do trục xuất 6 người Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc

Tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch và Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc lên án Malaysia trục xuất 6 người tỵ nạn Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc vào tháng 12/2012 bất chấp "tình cảnh bấp bênh và nguy hiểm" mà họ sẽ phải đương đầu.

Người Duy Ngô Nhĩ biểu tình phản đối chính sách Hán hóa của Bắc Kinh (Heriberto Araujo / RFI)
Người Duy Ngô Nhĩ biểu tình phản đối chính sách Hán hóa của Bắc Kinh (Heriberto Araujo / RFI)
Quảng cáo

Ngày 04/02/2013, phó giám đốc Human Rights Watch đặc trách khu vực châu Á, Phil Robertson cho biết trong một bức thư gửi đến thủ tướng Malaysia, tổ chức có trụ sở tại New York này đã bày tỏ « mối quan ngại » trước tình cảnh của sáu người Duy Ngô Nhĩ vừa bị trục xuất về Trung Quốc vào cuối năm ngoái.

Human Rights Watch nói rõ : theo nhiều nguồn tin đáng tin cậy, sáu người nói trên đã bị bắt giữ tại Malaysia trong năm 2012 và họ đã bị trục xuất về Trung Quốc khi tìm cách vượt khỏi biên giới Malaysia với hộ chiếu giả. Khi bị phát hiện tất cả sáu người kể trên đã bị chính quyền Kua Lumpur trao trả cho các giới chức Trung Quốc.

Vẫn theo Human Rights Watch, Malaysia đã bí mật giao họ cho công an biên phòng Trung Quốc và chính các giới chức Trung Quốc đã kín đáo áp tải người tỵ nạn Duy Ngô Nhĩ từ Malaysia về Trung Quốc trên một chuyến bay thuê bao giá rẻ. 

Về phần mình, Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (HCR) cũng tỏ ra bất bình trước cử chỉ của Malaysia do tổ chức này đã « hết sức cố gắng tránh để những người Duy Ngô Nhĩ nói trên bị đưa về Trung Quốc ». Phát ngôn viên của HCR Yante Ismail tiếc là « bất chấp sự can thiệp của Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc chính quyền Kua Lumpur vẫn trục xuất người tỵ nạn Duy Ngô Nhĩ về một quốc gia, nơi mà các quyền con người có thể bị chà đạp ».

Theo thống kê của tổ chức Human Rights Watch năm 2011 Malaysia đã trục xuất 11 người Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc và những người đó đã lãnh án 6 năm tù giam vì tội « đòi ly khai ». Thiểu số người Duy Ngô Nhĩ chủ yếu theo đạo Hồi sinh sống tại vùng Tân Cương từ nhiều năm qua luôn tố cáo chính sách Hán hóa của Trung Quốc, các biện pháp đàn áp tôn giáo và các hành vi chà đạp văn hóa của cộng đồng thiểu số này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.