Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN - PHỎNG VẤN

Vì sao chiến sự bùng lại giữa du kích Kachin và quân đội Miến Điện ?

Tại Miến Điện, xung đột giữa các lực lượng chính phủ và quân du kích của người dân tộc thiểu số Kachin ở miền Đông đã gia tăng trong những tuần lễ gần đây. Quân đội Miến Điện dường như muốn phá tan Tổng hành dinh của phiến quân Kachin tại Laiza, vùng biên giới với Trung Quốc. Họ đã sử dụng đến trực thăng trang bị súng máy và máy bay tấn công sát mặt đất để đạt mục tiêu.

Người Kachin biểu tình tại Bangkok trước đại sứ quán Miến Điện, để phản đối các cuộc tấn công của quân đội chính phủ, 17/01/2013.
Người Kachin biểu tình tại Bangkok trước đại sứ quán Miến Điện, để phản đối các cuộc tấn công của quân đội chính phủ, 17/01/2013. REUTERS/Chaiwat Subprasom
Quảng cáo

06:41

Thông tín Arnaud Dubus từ Bangkok

Khoảng 100.000 thường dân bị buộc phải sống trong các trại tỵ nạn hoặc trong các khu vực do quân chính phủ hoặc quân du kích kiểm soát, hầu như không được hỗ trợ nhân đạo.

Những người thiểu số Kachin đã chấp nhận một cuộc ngừng bắn trong 17 năm, từ năm 1994 đến tháng 6 năm 2011. Nhưng chiến sự lại bùng lên, sau một loạt sự cố vũ trang cách đây một năm rưỡi. Arnaud Dubus, thông tín viên của RFI trong khu vực, đã phân tích nguyên nhân vì sao cuộc xung đột này lại tiếp diễn, trong khi mà tất cả các phong trào vũ trang dân tộc khác đều đã ngưng chiến :

AD : Như chị vừa nói, người Kachin đã tuân thủ một lệnh ngừng bắn trong vòng 17 năm. Sau khi chính phủ dân sự lên cầm quyền ở Miến Điện sau cuộc bầu cử Tháng Mười Một năm 2010, người Kachin muốn các thỏa thuận được ghi lại bằng văn bản, điều mà chính quyền đã từ chối. Căng thẳng đã xuất hiện từ đó.

Một loạt vụ bắt giữ các cán bộ liên lạc của người Kachin đã diễn ra trong tháng 6 năm 2011, cùng lúc với việc quân đội chính phủ tấn công vào các vị trí của lực lượng du kích Kachin, Quân đội Kachin Độc lập (KIA). Thế là chiến sự bùng lên trở lại.

Quân đội chính phủ đã bị tổn thất rất nặng nề, đến mức mà bộ Tổng tham mưu không muốn tiết lộ mức độ. Điều đó giải thích lý do tại sao các chỉ thị của Tổng thống Thein Sein, người đứng đầu chính phủ dân sự, đòi ngừng các cuộc tấn công, không được quân đội lắng nghe. Đối với quân đội, vốn vẫn có trọng lượng đáng kể ở Miến Điện, ngưng chiến vào lúc này đồng nghĩa với chấp nhận thất bại. Đối với họ, đó là một vấn đề uy tín, thể diện.

RFI : Đâu là những điểm bế tắc gây trở ngại cho tiến trình hướng tới một thỏa thuận hòa bình ?

AD : Ngoài vấn đề thỏa thuận ngừng bắn, có một bất đồng cơ bản về cách tiếp cận một giải pháp chính trị.Theo quan điểm của chính phủ, Hiến pháp năm 2008 cần phải được duy trì hoặc nếu phải tu chính, thì chỉ sửa đổi tối thiểu mà thôi. Còn đối với người Kachin, vốn muốn có quyền tự trị nhất định về văn hóa, kinh tế và chính trị, thì Hiến pháp hiện hành không thể chấp nhận được, vì không đề xuất một khuôn khổ liên bang nào cho đất nước. Họ muốn có hoặc là một Hiến pháp mới, hoặc là một bản Hiến pháp hiện hành được điều chỉnh đáng kể.

Theo một số nhà phân tích, hoàn toàn có những khả năng thỏa hiệp, vì Hiến pháp năm 2008 bao gồm khái niệm về tản quyền, với việc thành lập 14 chính quyền cấp vùng. Vấn đề tuy nhiên là, tất cả các chính quyền hiện hữu tại các vùng đều nằm dưới quyền kiểm soát của quân đội hoặc của các thành viên trong đảng USDP của Tổng thống Thein Sein. Một vấn đề khác là các chính quyền cấp vùng chỉ được hưởng 6% ngân sách quốc gia.

Các nhà phân tích tin rằng, nếu một số lượng lớn của các chính quyền cấp vùng được phe đối lập hay các lãnh đạo dân tộc độc lập lãnh đạo, và nếu họ nhận được một tỷ lệ ngân sách quốc gia lớn hơn, đó sẽ là một bước tiến quan trọng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho một thỏa thuận chính trị chung.

Trong bất kỳ trường hợp nào, rõ ràng là một cuộc ngừng bắn rất cần thiết trước khi mở đàm phán về một thỏa thuận hòa bình toàn diện.

RFI : Tình hình căng thẳng xung quanh đập Myitsone do một công ty Trung Quốc tài trợ đã có ảnh hưởng gì trên cuộc xung đột giữa quân đội chính phủ và quân du kích Kachin ?

AD : Người dân Kachin rất chống con đập khổng lồ đó, do Công ty Trung Quốc China Power Investment Corporation, và hai công ty Miến Điện hợp tác xây dựng, với một tổng kinh phí 3,6 tỷ đô la. Nguyên nhân khiến người Kachin phản đối, trước hết đó là vì việc xây dựng con đập và xả nước vào hồ chứa sẽ buộc phải di dời 47 ngôi làng của người Kachin, kế đến, đó là vì tác động môi trường rất đáng kể.

Ngoài ra, cư dân địa phương sẽ không được hưởng lợi ích kinh tế nào : Đại bộ phận nguồn điện to lớn do con đập này tạo ra, sẽ được xuất khẩu sang tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, ngay ở phía bên kia biên giới.

Dường như Tổng thống Thein Sein đã chia sẻ một phần trong những mối quan ngại đó, và vào tháng 9 năm 2011, ông đã quyết định hủy bỏ đề án khiến phía Trung Quốc phải sửng sốt.

Tuy vậy, hồ sơ Myitsone không thực sự ảnh hưởng đến cuộc chiến giữa quân đội chính phủ và lực lượng Kachin, đã bùng lên trước đó vài tháng. Thật vậy, con đập chỉ là một trong nhiều vấn đề tranh chấp giữa chính phủ và người thiểu số Kachin. Đó là một vấn đề quan trọng, nhưng không ảnh hưởng đến vấn đề chính trị cơ bản, đó là quy chế của Nhà nước Kachin trong nền chính trị Miến Điện nói chung.

RFI : Sự kiện cuộc xung đột này tiếp diễn có thể ảnh hưởng ra sao đến quan hệ giữa các dân tộc thiểu số khác với chính quyền trung ương ?

AD : Các nhóm dân tộc khác đã yêu cầu chính quyền ngừng cuộc tấn công vào lực lượng Kachin. Thế nhưng cùng một lúc, có dấu hiệu cho thấy là chiến sự ở miền Đông bắc không tác hại đến các thỏa thuận ngừng bắn giữa chính phủ và các phong trào vũ trang dân tộc khác.

Giữa các nhóm dân tộc thiểu số Miến Điện thường thiếu vắng đoàn kết. Một trong các nhà đàm phán người Karen đã chỉ trích cả chính phủ và lẫn lực lượng Kachin về việc chiến sự tiếp diễn. Trên tạp chí Irrawaddy trên mạng, nhân vật này cho rằng cần phải có một thỏa thuận ngừng bắn trước khi nghĩ đến việc đạt một tiến bộ thực sự về một giải pháp chính trị.

Tuy nhiên, xung đột hiện nay liên quan đến người Kachin hàm chứa một yếu tố mang tính chất một lời cảnh báo đối với các dân tộc thiểu số khác. Đó là việc quân đội không nghe theo chỉ thị của chính phủ. Điều này có thể làm suy yếu uy tín của chính quyền Miến Điện dưới mắt các nhóm dân tộc thiểu số, mặc dù hai bên đang ở trong quá trình đàm phán những thỏa thuận hòa bình vĩnh viễn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.