Vào nội dung chính
HOA KỲ - PHILIPPINES

Tàu phá mìn Mỹ bị mắc cạn trong một khu bảo tồn biển tại Philippines

Trong một bản thông cáo công bố hôm 17/01/2013, Đại sứ quán Mỹ tại Manila cho biết là chiếc tàu phá thủy lôi USS Guardian của Hải quân Mỹ đã bị mắc cạn trên rạn san hô Tubattaha ngoài khơi Philippines vào tối 16/01. Mức độ thiệt hại cho tàu và nguyên nhân tai nạn vẫn chưa được loan báo rõ ràng.

Chiếc tàu phá mình USS Guardian
Chiếc tàu phá mình USS Guardian Ảnh US Navy
Quảng cáo

Thông cáo của Hoa Kỳ chỉ nói rằng chiếc USS Guardian gặp nạn « trong tiến trình quá cảnh bình thường » và « chính phủ Philippines đã được kịp thời thông báo sự cố và đã đề nghị hỗ trợ Hải quân Hoa Kỳ ».

Trên trang web của mình, Hải quân Mỹ cho biết là chiếc tàu dài 68 mét này đặt căn cứ tại Sasebo, miền nam Nhật Bản. Tuy nhiên, trước mắt, chưa ai rõ là chiếc tàu làm gì trong khu vực rạn san hô Tubattaha khi sự cố xảy ra.

Nằm trong vùng biển Sulu, cách đảo Palawan miền Tây Philippines khoảng 130 km về phía đông nam, Tubattaha Reef là một khu bảo tồn biển rất được giới bơi lặn biết đến. Khu vực này có những « bức tường » san hô và hệ sinh thái rất đa dạng, được giới bảo vệ môi trường cho là đối thủ của rạn san hô Great Barrier nổi tiếng ở Úc.

Thông cáo của Đại sứ quán Mỹ về sự cố liên quan đến chiếc tàu phá mìn cho biết là toàn bộ thủy thủ đoàn của con tàu đều an toàn, chưa có báo cáo ngay lập tức về khả năng dầu và nhiên liệu bị rò rỉ, nhưng không hề đề cập đến việc san hô có bị hư hại hay không.

Quân đội Philippines cũng xác nhận tai nạn của chiếc USS Guardian, nhưng cho rằng vẫn còn quá sớm để xác định xem san hô có bị thương tổn hay không.

Theo Trung tá Oliver Banaria, một phát ngôn viên quân sự tại Palawan, nguyên nhân khiến cho chiếc tàu bị mắc cạn có thể là sai lầm khi định hướng đi.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.