Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN

Đảng của Aung San Suu Kyi nhận tài trợ từ giới thân cận với tập đoàn quân sự

Theo Reuters hôm nay 17/01/2013, đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ đã nhận tiền của một số nhân vật giàu có, thân cận với tập đoàn quân sự, trong một buổi hòa nhạc quyên góp tiền. Động thái mới này được nhiều người đánh giá như là một bước tiến trong tiến trình hòa giải dân tộc.

Tai Za, một ông trùm phất lên nhờ các quan hệ với tập đoàn quân sự cũ, vừa tài trợ cho đảng đối lập Miến Điện.
Tai Za, một ông trùm phất lên nhờ các quan hệ với tập đoàn quân sự cũ, vừa tài trợ cho đảng đối lập Miến Điện. DR
Quảng cáo

Một buổi hòa nhạc được tổ chức vào tháng 12, với sự tham gia của nhiều doanh nhân Miến Điện, vốn bị liệt vào sổ đen của Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ, đã góp được tổng số tiền là 211,5 triệu kyat (tương đương 185.000 euro), để trao lại cho Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ. Lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi đã tán đồng hành động này.

SkyNet, một kênh truyền hình tư nhân của ông trùm Kyaw Win, đã đóng góp 130 triệu kyat, 41,5 triệu kyat nữa là do vợ người này bỏ ra. Bên cạnh đó, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ cũng nhận khoảng 40 triệu kyat của ngân hàng AGB của chính tỷ phú Tay Za, người từng bị Bộ Tài chính Mỹ coi như là một “trùm buôn vũ khí” và “tay chân của chế độ (tức tập đoàn quân sự cũ)”.

Trong khi bà Aung San Suu Kyi đang bị nhiều chỉ trích, vì im lặng trước các bạo lực sắc tộc tôn giáo, kéo dài từ tháng 7/2012 tại bang Rakhin, thì việc Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ mới đây nhận tài trợ từ những người vốn gắn bó với tập đoàn quân sự cũ, được một bộ phận dư luận đánh giá như một bước tiến hướng đến sự hòa giải dân tộc.

Vào năm ngoái, nhà đối lập Aung San Suu Kyi đã được bầu làm nghị sĩ, sau khi bị quản thúc tại gia liên tục từ năm 1989 đến năm 2010. Tuần trước, bà Aung San Suu Kyi đã tuyên bố ủng hộ cách tài trợ này và khẳng định : “Mọi người đều có cơ hội tự sửa đổi để trở nên tốt hơn, bất kể trong quá khứ họ đã từng làm những điều ác”.

Một cán bộ của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ cho biết, số tiền nhận được sẽ được dùng cho các mục tiêu giáo dục và sẽ không có tác động gì đến đường lối chính trị của đảng.

Theo một số nhà phân tích, đảng của bà Aung San Suu Kyi không ở thế có thể từ chối các món quà như vậy, trong bối cảnh giới quân sự vẫn còn kiểm soát ở mức độ đáng kể chính quyền dân sự của ông Thein Sein. Trong cuộc bầu cử quốc hội vào năm 2015, đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ sẽ phải đối mặt với đảng  vì sự Đoàn kết và Phát triển của Liên bang đang cầm quyền, do tổng thống Thein Sein lãnh đạo, vốn có tiềm lực tài chính mạnh hơn rất nhiều.

Cựu đại sứ Anh tại Miến Điện Derek Tonkin nhận xét : “Các tài trợ là cần cho hoạt động chính trị. (…) Vấn đề là tài trợ phải đến từ các nguồn mang tính địa phương. Nếu như những người thân cận của chế độ chấp nhận tài trợ cho các dự án tốt, tại sao lại phàn nàn ?”. Còn cựu đại sứ Úc Trevor Wilson thì cho rằng : “Những người thân cận với chế độ sẽ có một vai trò đáng kể trong tương lai của đất nước (…). Điều quan trọng là hướng họ đến hoạt động trong khuôn khổ Nhà nước pháp quyền”.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.