Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - BÁO CHÍ

Trung Quốc: Không có hy vọng cởi mở về thông tin

Làn sóng phản đối tại Trung Quốc do vụ kiểm duyệt một tuần báo cho thấy là ban lãnh đạo mới của chế độ Bắc Kinh không sẵn sàng cởi mở về mặt tự do ngôn luận. Đó là nhận định của các nhà phân tích được hãng tin AFP trích dẫn hôm nay, 11/01/2013.

Biểu tình ủng hộ các nhà báo trước trụ sở Nam phương Chu mạt, Quảng Đông, Trung Quốc, 09/01/2013
Biểu tình ủng hộ các nhà báo trước trụ sở Nam phương Chu mạt, Quảng Đông, Trung Quốc, 09/01/2013 REUTERS
Quảng cáo

Khi lên cầm quyền cách đây chưa đầy hai tháng, nhân vật lãnh đạo số một của Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tôn trọng Hiến pháp, mà theo lý thuyết, vẫn bảo đảm các quyền tự do ngôn luận và tự do xuất bản. 

Khi xuống đường phản đối việc kiểm duyệt, các phóng viên của tuần báo Nam Phương Chu Mạt chắc là muốn trắc nghiệm xem ông Tập Cận Bình có giữ đúng lời hứa hay không và xem khuôn khổ rất nghiêm ngặt đối với công việc của họ có được nới lỏng phần nào hay không. 

Tuần báo này vào dịp đầu năm Dương lịch đã viết một xã luận kêu gọi cải tổ chính trị ở Trung Quốc, đặc biệt là kêu gọi tôn trọng các quyền căn bản. Nhưng theo lệnh của ban tuyên huấn tỉnh Quảng Đông, bài xã luận nói trên đã bị chỉnh sửa rất nhiều trước khi được đăng. Cho dù hình thức kiểm duyệt này vẫn rất phổ biến ở Trung Quốc, nhưng hành động nói trên đã gây phản ứng phẫn nộ trên các mạng xã hội tại Trung Quốc và thậm chí phóng viên Nam Phương cùng những người khác đã xuống đường phản đối. Nhiều nhân vật nổi tiếng như blogger Hàn Hàn và nữ nghệ sĩ Diêu Thần đã công khai lên tiếng ủng hộ các phóng viên tuần báo Nam Phương. 

Sau các cuộc thương lượng ở hậu trường, vụ này đã kết thúc với một thỏa thuận là kể từ nay, ban tuyên huấn tỉnh sẽ không trực tiếp can thiệp chỉnh sửa nội dung trước khi đăng. Các phóng viên tham gia phong trào phản đối kiểm duyệt cũng được bảo đảm là sẽ không bị trừng phạt. 

Nhưng, ngoài bước tiến nhỏ đó, chính quyền Bắc Kinh vẫn sử dụng các vũ khí quen thuộc để chặn đứng phong trào phản kháng : Kiểm duyệt toàn bộ thông tin về vụ này, câu lưu những người biểu tình, ra chỉ thị cho các báo giảm nhẹ vụ việc. Ngày thứ Năm vừa qua, tuần báo Nam Phương Chu Mạt đã xuất bản « bình thường », nhưng tự kiểm duyệt nhiều hơn và xuất bản trong khuôn khổ nghiêm ngặt của chính quyền. 

Trả lời hãng tin AFP, ông Lâm Lập Hòa (Willy Lam), chuyên gia chính trị học thuộc đại học Trung Hoa Hồng Kông nói : « Tôi không nghĩ họ ( các phóng viên ) ngây thơ đến mức tin rằng Tập Cận Bình thật sự muốn tôn trọng Hiến pháp, vì làm thế chẳng khác gì cho phép tự do ngôn luận. Nhưng tôi nghĩ rằng họ muốn thách thức Tập Cận Bình, vì ông đã cam kết tôn trọng Hiến pháp ». 

Còn theo nhận xét của ông David Goodman, đại học Sydney, vụ này cho thấy là bản thân các nhà lãnh đạo Trung Quốc không nhất trí về cách thức đối phó với tuần báo Nam Phương. Ông nói : « Bình thường ở Trung Quốc không thể xuống đường biểu tình như vậy nếu không có một sự ủng hộ nào đó từ cấp cao. Một số người muốn có thay đổi, nhưng những người khác thì không ». 

Hãng tin AFP cũng trích lời ông Doug Young, một nhà phân tích thuộc đại học Phục Đán, Thượng Hải, cho rằng chính quyền đã thành công trong việc làm dịu tình hình, tránh cho vụ việc lan rộng, và họ đã làm điều đó một cách thực dụng hơn trước đây. Theo nhà phân tích này, ban lãnh đạo mới của Trung Quốc nay sẵn sàng để cho báo chí đóng một vai trò trong lĩnh vực xã hội, ngoài nhiệm vụ của một công cụ tuyên truyền. 

Cũng theo lòi ông Doug Young, chính quyền sẽ phải đối phó với những phong trào khác phản đối kiểm duyệt, vì người dân Trung Quốc nay được thông tin nhiều hơn và rất dễ được huy động thông qua các mạng xã hội.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.