Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - XÃ HỘI

Trung Quốc: Chính sách một con tạo ra một thế hệ nhút nhát

Một công trình nghiên cứu khoa học của Úc được công bố hôm nay, 11/01/2013, đã đi đến kết luận là chính sách một con áp dụng tại Trung Quốc từ nhiều thập niên qua đã tạo ra một thế hệ yếu kém về tâm lý : Đa nghi và sợ rủi ro hơn người thường, và có lẽ khó có thể là doanh nhân. Đây là yếu tố có thể tác hại đến nền kinh tế Trung Quốc.

Chính sách một con của Trung Quốc tạo ra một thế hệ nhút nhát, kém tự tin
Chính sách một con của Trung Quốc tạo ra một thế hệ nhút nhát, kém tự tin REUTERS
Quảng cáo

Được công bố trên tạp chí khoa học nổi tiếng Science, công trình này đã tập trung nghiên cứu hơn 400 cư dân Bắc Kinh sinh ra trong khoảng thời gian chính sách dân số gây tranh cãi được áp dụng lần đầu tiên tại Trung Quốc vào cuối thập niên 1970.

Nhà nghiên cứu Nisvan Erkal thuộc đại học Melbourne xác định : “Chúng tôi đã thấy rằng những cá nhân thuộc diện con một – hệ quả của chính sách một con của Trung Quốc – thường thiếu tự tin, đa nghi, sợ rủi ro, thiếu tính cạnh tranh, bi quan hơn, và ít siêng năng”.

Trung Quốc đã ban hành chính sách một con vào năm 1979 để kềm hãm đà tăng dân số, và trong quá khứ, đã quyết liệt bảo vệ chủ trương này, cho rằng dân số Trung Quốc - hiện ở mức 1,3 tỷ người – có thể lên đến 1,7 tỷ nếu không có chính sách đó.

Công trình nghiên cứu Úc mang tựa đề “Các tiểu hoàng đế : Tác động của chính sách một con tại Trung Quốc trên các hành xử của cá nhân” đã dựa trên các khảo sát của ông Erkal và các học giả thuộc hai trường đại học Monash và đại học Quốc gia Úc.

Theo nhà nghiên cứu Lisa Cameron tại đại học Monash, các yếu tố tâm lý kể trên có thể có tác hại đến kinh tế, làm cho Trung Quốc bị “suy giảm về khả năng kinh doanh”.

Công trình nghiên cứu Úc trên đây được cho là sẽ góp phần hậu thuẫn cho quan điểm nổi lên tại Trung Quốc trong thời gian gần đây, đòi hủy bỏ chính sách một con, và đề xuất chính sách hai con ngay từ năm 2015.

Tháng 10/2012 vừa qua, Hội Nghiên cứu Phát triển Trung Quốc (CDRF) đã kêu gọi nới lỏng chính sách một con, cho rằng Trung Quốc đã phải “trả giá đắt về chính trị và xã hội” cho chính sách này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.