Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Blogger và nghệ sĩ Trung Quốc ủng hộ các phóng viên đòi tự do báo chí

Giới blogger và một số nghệ sĩ nổi tiếng của Trung Quốc hôm nay, 08/01/2013, tuyên bố ủng hộ các phóng viên của tuần báo bị kiểm duyệt, sau khi hàng trăm người tham gia một cuộc biểu tình hiếm hoi đòi tự do báo chí ở Trung Quốc. 

Cuộc biểu tình chống kiểm duyệt báo chí bên ngoài tòa soạn Tuần báo Nam phương Chu mạt ở Quảng Châu  8/01/2013.
Cuộc biểu tình chống kiểm duyệt báo chí bên ngoài tòa soạn Tuần báo Nam phương Chu mạt ở Quảng Châu 8/01/2013. REUTERS/James Pomfret
Quảng cáo

Hôm qua, hàng trăm người ở thành phố Quảng Châu đã tập hợp trước trụ sở của tuần báo Nam Phương Chu Mạt, để phản đối việc một bài viết của tuần báo này, kêu gọi bảo vệ quyền của người dân, đã bị kiểm duyệt một cách thô bạo.

Theo AFP, blogger nổi tiếng nhất Trung Quốc Hàn Hàn đã ca ngợi Nam Phương Chu Mạt, tỏ ý muốn « truyền một ít năng lượng để giúp tờ báo này tiến tới ». Một phóng viên điều tra của một tờ báo khác hôm nay đã đăng trên trang mạng xã hội Vi Bác ( mạng Twitter của Trung Quốc ) lời bình : « Không còn cuối tuần ở miền Nam nữa », ám chỉ đến tên của tờ báo bị kiểm duyệt.

Diêu Thần, một nữ nghệ sĩ nổi tiếng Trung Quốc, hiện có đến 32 triệu follower trên mạng Vi Bác, thì đăng trên trang cá nhân logo của tờ Nam Phương Chu Mạt và trích một câu nói của nhà văn ly khai Nga thời Liên Xô Alexandr Solzhenitsyn : « Một lời sự thật sẽ có giá trị hơn cả thế giới ». Còn nam diễn viên Trần Khôn ( 27 triệu follower trên mạng Vi Bác ) thì đáp lại Diêu Thần : « Tôi không sâu sắc như thế và không biết chơi chữ. Tôi chỉ ủng hộ những người bạn ở Nam Phương Phương Chu Mạt. »

Phong trào phản đối kiểm duyệt tại Trung Quốc đã bùng phát kể từ khi các nhà kiểm duyệt chặn một bài viết của Nam Phương Chu Mạt tựa đề « Giấc mơ chính thể lập hiến tại Trung Quốc », để bảo vệ quyền của các công dân.

Phóng viên Không biên giới hôm qua đã ra thông cáo khen ngợi lòng can đảm của những người biểu tình tại Quảng Châu và yêu cầu cho đăng lại bài báo bị kiểm duyệt. Trong bản thông cáo, tổng thư ký Phóng viên không biên giới Christophe Deloire tuyên bố : « Truyền thông Trung Quốc nay đang ở một bước ngoặt lịch sử. Một phong trào chưa từng có đã ra đời nhằm lên án chế độ kiểm duyệt. Nó chứng tỏ là các nhà báo Trung Quốc, khi thể hiện quyết tâm tập thể, có thể gây áp lực lên chính quyền ».

Theo các nhà phân tích, chính quyền Bắc Kinh hiện đang tình thế rất tế nhị, vì nếu siết chặt hơn nữa thì chẳng khác gì đổ dầu vào lửa.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.