Vào nội dung chính
PHÁP - TRUNG QUỐC - HẠT NHÂN

Pháp: Lãnh đạo EDF bị điều tra về ý định chuyển giao công nghệ hạt nhân cho Trung Quốc

Là đối tượng một cuộc điều tra, phải ra điều trần trước ủy ban chiến lược của doanh nghiệp, ông Henri Proglio, chủ tịch tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Pháp – EDF sẽ phải giải trình về một dự án quan hệ đối tác hạt nhân gây nhiều tranh cãi, được ký kết theo sáng kiến của ông hồi cuối năm ngoái, với Công ty Điện hạt nhân Quảng Đông Trung Quốc (China Guangdong Nuclear Power Holding Co., Ltd - CGNPC). 

Ông Henri Proglio, chủ tịch tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Pháp – EDF.
Ông Henri Proglio, chủ tịch tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Pháp – EDF. AFP
Quảng cáo

Hôm qua, 26/12/2012, hai nguồn tin gần gũi với hồ sơ này cho AFP biết, từ vài ngày qua, ông Proglio đang là đối tượng điều tra của Tổng Thanh tra Tài chính. Mặt khác, vào tuần tới, ông sẽ phải chủ trì một cuộc họp của ủy ban chiến lược EDF, có vai trò như cơ quan chuẩn bị các quyết định quan trọng cho Hội đồng quản trị. Ủy ban này, bao gồm một số thành viên trong đó có các đại diện của Nhà nước và những người lao động, sẽ chất vấn lãnh đạo EDF về dự án hợp tác Trung Quốc.

Một loạt câu hỏi được đặt ra đối với chủ tịch tổng giám đốc EDF : Phải chăng ông đã qua mặt Nhà nước để làm việc này ? Qua việc gạt bỏ tập đoàn hạt nhân Areva, một doanh nghiệp có cổ đông chính là Nhà nước, cũng như EDF, phải chăng ông Proglio đã phản bội ngành công nghiệp hạt nhân Pháp ? Hay những hứa hẹn chuyển giao bí mật công nghệ cho Trung Quốc có được trả giá thỏa đáng hay không ?

Trong một thông cáo gửi tới AFP, tập đoàn EDF nhấn mạnh rằng dự án nói trên đã bị hủy bỏ ; mặt khác, dự án này còn « quy định là mỗi hoạt động hợp tác đều đi kèm với một thỏa thuận cụ thể về thể thức thù lao và những điều khoản bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ». Tuy nhiên, nguồn tin nội bộ EDF lại cho biết, trên thực tế, « đây là dự án chuyển giao một phần công nghệ hạt nhân cho phép Trung Quốc xây dựng các lò hạt nhân nhanh hơn » mà không cần đến các doanh nghiệp Pháp nữa. Trong khi đó, một nguồn tin khác khẳng định là dự án hợp tác với đối tác Trung Quốc mới chỉ dừng lại ở mức là « bản nháp » mà thôi.

Theo báo trào phúng cực kỳ thạo tin của Pháp, tờ Canard Enchainé – Con vịt bị xiềng – từ đầu tháng Tư vừa qua, ủy ban chiến lược EDF đã bác bỏ dự án. Đến giữa tháng Tư, cơ quan phụ trách đầu tư của Pháp (Agence des Participations de l’Etat – APE) đã phê phán gay gắt và sau đó, bộ trưởng Kinh tế lúc đó, ông François Baroin, đã ngăn chặn dự án này.

Ông Proglio là người được tổng thống cánh hữu Nicolas Sarkozy ủng hộ. Do vậy, quan hệ của ông với chính phủ cánh tả hiện nay trở nên căng thẳng. Một quan chức cao cấp trong chính phủ cảnh cáo lãnh đạo EDF : « Hội đồng chính sách hạt nhân, hồi tháng Chín, đã nhắc nhở rằng các quan hệ hợp đồng không thể được thiết lập ngoài khuôn khổ một chiến lược do Nhà nước hoạch định ».

Dường như để chữa cháy và tránh bị chính phủ cánh tả phê phán, đến tháng 10 vừa qua, một thỏa thuận ba bên được ký kết, giữa EDF, đối tác Trung Quốc và tập đoàn Areva.

Trong thời gian cánh hữu cầm quyền, quan hệ giữa hai tập đoàn hạt nhân hàng đầu của Pháp, EDF chuyên khai thác và Areva nhà sản xuất lò hạt nhân, bị trục trặc, đặc biệt là những bất đồng giữa hai lãnh đạo tập đoạn, ông Henri Proglio, thân hữu và bà Anne Lauvergeon, thân tả. Mùa xuân 2011, bà Lauvergeon đã bị mất chức chủ tịch tổng giám đốc Areva.

Từ tháng Giêng đến nay, báo chí Pháp công bố nhiều tài liệu cho thấy dường như ông Proglio đã tìm cách thúc đẩy hợp tác riêng rẽ giữa EDF và đối tác Trung Quốc. Ông Proglio biện minh rằng các quy định hiện hành không nói rõ vai trò của mỗi bên trong mối quan hệ tay ba Nhà nước Pháp – EDF và Areva. Mặt khác, lãnh đạo EDF nhấn mạnh đến những kết quả quá khiêm tốn của ngành công nghiệp hạt nhân Pháp : Đối với lò thế hệ mới EPR – công suất 1600 megawatts, tổng cộng mới chỉ có bốn hợp đồng được ký kết, trong số này, dự án ở Phần Lan và tại Pháp gặp nhiều khó khăn. Loại lò nhỏ hơn Atmea – 1000 megawatts thì còn nhiều bấp bênh.

Sau thảm họa Fukushima, Nhật Bản, nhiều nước đã đình chỉ các dự án phát triển điện hạt nhân. Còn Bắc Kinh vẫn tiếp tục nhịp độ xây dựng các lò mới. Do vậy, Trung Quốc trở thành thị trường lớn duy nhất, hấp dẫn đối với các tập đoàn điện hạt nhân nước ngoài.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.