Vào nội dung chính
NHẬT BẢN - CHÍNH TRỊ

Hòa dịu với các láng giềng : Thách thức đang chờ đợi tân thủ tướng Nhật Shinzo Abe

Ngay sau khi nhậm chức vào hôm nay, 26/12/2012, tân thủ tướng Nhật Bản sẽ phải đối mặt với một danh sách dài dằng dặc công việc cần phải làm, nhưng có thể được tóm gọn trong hai loại chính. Về đối nội, phải làm sao phục hồi một nền kinh tế đang trong giai đoạn cực kỳ khó khăn, và đối ngoại phải hàn gắn lại các mối quan hệ với các láng giềng Đông Bắc hiện đang bị sứt mẻ nghiêm trọng. Điểm thứ hai này được giới phân tích xem là một thách thức đáng kể cho một nhân vật nổi tiếng là dân tộc chủ nghĩa.

Tân thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong cuộc họp báo tại Tokyo, 26/12/2012
Tân thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong cuộc họp báo tại Tokyo, 26/12/2012 REUTERS/Toru Hanai
Quảng cáo

Gọi đấy là thách thức quan trọng không sai chút nào trong bối cảnh giữa Tokyo với Bắc Kinh và Seoul, trong thời gian gần đây, đã nổi cộm vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Việc tranh giành chủ quyền giữa Trung Quốc và Nhật Bản trên vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông, cho đến tận ngày hôm qua, cũng vẫn là hồ sơ nóng, với việc không quân hai nước đều ở trong tình trạng báo động.

Còn đối với Hàn Quốc, tranh chấp liên quan đến đảo Takeshima/Dokdo - hiện do Seoul kiểm soát, nhưng Tokyo đòi chủ quyền - bùng lên trong thời gian qua, vẫn chưa lắng dịu, bất chấp những lời kêu gọi hòa giải của Hoa Kỳ, đồng minh chung của hai nước.

Trong địa hạt ngoại giao, giải quyết quan hệ gai góc với Trung Quốc và Hàn Quốc rõ ràng là một ưu tiên nổi bật trong chương trình hành động của ông Shinzo Abe, đặc biệt trong bối cảnh tân thủ tướng Nhật đã khiến cho hai láng giềng này quan ngại với một loạt các bình luận cứng rắn về các tranh chấp lãnh thổ và với quan điểm bảo thủ cố hữu của ông liên quan đến quá khứ quân phiệt của Nhật Bản.

Các nước này, đặc biệt là Trung Quốc, lại càng quan ngại hơn trước ý định của ông Abe là muốn thúc đẩy việc sửa đổi Hiến pháp chủ hòa của Nhật Bản sau Thế chiến II, xây dựng cho nước này một quân đội đích thực.

Tuy nhiên, theo ông Jiro Yamaguchi, một giáo sư chính trị tại đại học Hokkaido, ông Abe, người đã từng có kinh nghiệm làm Thủ tướng, sẽ không đi theo quan điểm có thể nói là cực hữu mà ông từng tuyên bố. Trong nhiệm kỳ đầu của mình (2006-2007), ông Abe đã phá hỏng các nỗ lực ngoại giao của Nhật Bản với những tuyên bố hàm ý phủ nhận việc quân đội Thiên Hoàng trong thời kỳ chiến tranh, đã bắt phụ nữ nước khác làm nô lệ tình dục.

Ông Abe khi ấy đã lập luận không có bằng chứng nào cho thấy là quân đội Nhật Bản đã trực tiếp ép buộc hàng ngàn người gọi là "phụ nữ giải sầu" vào các nhà thổ trên khắp châu Á trong Thế chiến II. Lập luận này đã khiến các nhà lập pháp Mỹ nổi giận, đòi Tokyo phải lên tiếng xin lỗi. Ông Abe sau đó đã phải lùi bước, tuyên bố ủng hộ lời xin lỗi mà Nhật Bản đưa ra năm 1993 về vấn đề phụ nữ giải sầu. Ông cũng bày tỏ quan điểm tương tự, nhân chuyến công du Hoa Kỳ cách nay 5 năm.

Theo giáo sư Yamaguchi, "nếu lần này mà ông Abe lại phạm những sai lầm tương tự, bằng cách đưa ra những lập luận quá bảo thủ, Nhật Bản sẽ bị cô lập với phần còn lại của thế giới ».

Mặt khác, để phục hồi nền kinh tế, ông Shinzo Abe dư biết là không thể bỏ qua các nước láng giềng đồng thời là khách hàng của mình, nhất là Trung Quốc, với trao đổi thương mại vượt quá 340 tỷ đô la vào năm 2011. Có lẽ chính vì thế mà ông đã quyết định gửi ngay sứ giả đến Bắc Kinh cũng như đến Seoul.

Ngay sau khi ông Abe chính thức nhậm chức vào hôm nay, Bắc Kinh cho biết « sẵn sàng làm việc » với ông Abe, và hy vọng rằng Tokyo sẽ nỗ lực cụ thể « để cải thiện quan hệ song phương ». Tuy vậy, bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã không nhắc đi nhắc lại chủ quyền của Bắc Kinh đối với quần đảo đang tranh chấp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.