Vào nội dung chính
NHẬT BẢN

Nước Nhật mệt mỏi trước cuộc bầu cử Quốc hội

Kinh tế hụt hơi, ngoại giao mất tiếng. Đó tình trạng nước Nhật truớc cuộc bầu cử lập pháp, sẽ được tổ chức vào Chủ nhật 16/12/2012. Bị Trung Quốc coi thường, đồng minh Hoa Kỳ thì đối xử trịch thượng, kinh tế trì trệ, nước Nhật, dường như bị suy yếu và cô lập trên trường quốc tế, sẽ tổ chức bỏ phiếu bầu Quốc hội trước thời hạn, nhưng ít có hy vọng tìm được một « minh chủ ».

Ông Shinzo Abe, chủ tịch đảng cánh hữu Tự do - Dân chủ Nhật Bản, ừng viên nặng ký trong cuộc bầu cử Quốc hội 16/12/2012
Ông Shinzo Abe, chủ tịch đảng cánh hữu Tự do - Dân chủ Nhật Bản, ừng viên nặng ký trong cuộc bầu cử Quốc hội 16/12/2012 REUTERS
Quảng cáo

Theo giới quan sát, nền kinh tế thứ ba thế giới có những dấu hiệu mệt mỏi, bị đè nặng bởi món nợ khổng lồ, tương đương 236% tổng sản phẩm quốc nội, đồng thời hứng chịu những hậu quả nghiêm trọng của động đất, sóng thần và tai nạn hạt nhân.

Mặc dù sau thảm họa này, Nhật Bản đã đưa ra kế hoạch tái thiết trên quy mô lớn, thế nhưng, việc hầu như toàn bộ các lò phản ứng hạt nhân sản xuất điện phải ngừng hoạt động đã làm gia tăng chi phí nhiên liệu.

Nhật Bản trước đây là một trong những quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới, với thế mạnh là các sản phẩm công nghệ cao. Hiện nay, châu Âu khủng hoảng, Hoa Kỳ phục hồi chậm, đồng yên luôn cao giá, những yếu tố này đã làm cho kinh tế xứ hoa anh đào rơi vào tình trạng nhập siêu.

Sony, Panasonic, Sharp, những tên tuổi lừng lẫy một thời, giờ đây dã mất tính cạnh tranh, sáng tạo, khả năng phản ứng uyển chuyển trước các đối thủ sẩn xuất vô tuyến, điện thoại thông minh như Samsung Hàn Quốc hay Apple của Mỹ. Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Kiyohiko Nishimura nhận định ngắn gọn như sau : « Nhìn chung, kinh tế Nhật Bản đi theo hướng tiêu cực ».

Các cuộc khủng hoảng triền miên đã làm lu mờ hình ảnh một nước Nhật vốn được nể trọng và khâm phục về sức mạnh công nghiệp, phương pháp sản xuất và công nghệ phát minh. Giới phân tích cho rằng tiến trình này đáng lo ngại bởi vì ảnh hưởng của Nhật Bản trên thế giới chủ yếu dựa vào sức mạnh kinh tế của mình.

Tình hình lại càng phức tạp thêm, các đối tác nước ngoài « chóng mặt », không biết đối thoại với ai trước nhịp độ thay đổi lãnh đạo chính phủ : Trong sáu năm qua, Nhật Bản thay sáu Thủ tướng.

Đương nhiên, có những quốc gia tận dụng bối cảnh này. Khi được các nhà báo hỏi về việc tranh chấp chủ quyền một hòn đảo giữa Matxcơva và Tokyo, Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev nói thẳng một cách phũ phàng : « Liên quan đến phản ứng của Nhật Bản, điều này không làm tôi quan tâm, đến mức là tôi không muốn mất thời gian để trả lời câu hỏi này ».

Còn các nước láng giềng như Trung Quốc, Hàn Quốc thì tỏ thái độ coi thường. Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak đòi Hoàng đế Nhật phải xin lỗi về những tội ác mà quân đội Nhật Hoàng gây ra trong thời gian chiếm đóng bán đảo Triều Tiên.

Vị thế của Nhật Bản yếu hẳn đi trong cuộc tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Từ nhiều tháng nay, tàu bè Trung Quốc vẫn hiện diện gần khu vực này và thường xuyên xâm nhập vào hải phận Nhật Bản. Ngày hôm qua, máy bay Trung Quốc còn bay vào không phận quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Chính quyền Bắc Kinh bật đền xanh cho các cuộc biểu tình bài Nhật và luôn nhắc nhở Tokyo về quá khứ chiến tranh cũng như quy chế của kẻ bại trận.

Sự coi thường của Trung Quốc còn thể rõ qua việc Bắc Kinh chỉ cử những nhân vật cấp thấp đến dự các khóa họp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới, được tổ chức tại thủ đô Nhật Bản. Hiện nay, Nhật Bản chỉ là thị trường xuất khẩu đứng hàng thứ tư của Trung Quốc.

Trước sự ngạo mạn của Trung Quốc, cũng như áp lực trong quan hệ Washington – Tokyo, nền ngoại giao Nhật Bản dường như bị « mất tiếng ». Trong cuộc đối đầu với Bắc Kinh về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Ngoại trưởng Nhật Bản đi vận động mỏi chân, khản giọng, mà chỉ nhận được sự ủng hộ Anh, Pháp, Đức, vào hồi tháng 10. Còn Hoa Kỳ thì một mặt tuyên bố bảo vệ Nhật Bản, nhưng mặt khác lại khẳng định không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền, vì không muốn làm mất lòng Trung Quốc.

Là ứng viên có nhiều triển vọng thắng cử trong cuộc bỏ phiếu vào Chủ Nhật tới, ông Shinzo Abe, lãnh đạo đảng cánh hữu Tự do – Dân chủ, dường như tỏ quyết tâm chấm dứt tình trạng « mờ nhạt về ngoại giao » của nước Nhật và hứa tăng cường quan hệ với Mỹ, cứng rắn với Trung Quốc.

Ông còn dự tính, nếu quay lại cầm quyền, thì sẽ đổi tên Lực lượng Phòng thủ thành Quân đội Nhật Bản và khép lại quá khứ một nước Nhật bại trận.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.