Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Tập Cận Bình đi thăm đặc khu kinh tế Thẩm Quyến

Chủ tịch tương lai Trung Quốc vào hôm nay, 07/12/2012, đã dành chuyến kinh lý đầu tiên cho việc đi thăm Thẩm Quyến, thí điểm cải cách kinh tế. Qua động thái này, ông Tập Cận Bình muốn chứng tỏ mình đang theo dấu chân của Đặng Tiểu Bình, cha đẻ của chính sách kinh tế thị trường kiểu Trung Quốc.

Ông Tập Cận Bình tại phiên bế mạc Đại hội 18 đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 14/11/2012.
Ông Tập Cận Bình tại phiên bế mạc Đại hội 18 đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 14/11/2012. REUTERS/Xinhua/Li Xueren
Quảng cáo

Sau khi tuyên bố không có tham vọng bá quyền, Chủ tịch tương lai Trung Quốc rời Bắc Kinh đi thăm Quảng Đông. Theo báo chí Hồng-Kông, ôngTập Cận Bình đến Thẩm Quyến trong ngày thứ sáu 07/12/2012, và sẽ đi thăm một làng chài lưới..., như cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình khi chọn Thẩm Quyến làm thí điểm cải cách nền kinh tế bao cấp bị lụn bại trong thập niên 1980.

Hai năm sau cuộc đàn áp đẫm máu tại Thiên An Môn 1989, Đặng Tiểu Bình chọn Thẩm Quyến, một làng chài nghèo nằm sát nhượng địa Hồng-Kông trù phú, để làm “phòng thí nghiệm” kinh tế thị trường, cánh cửa của Trung Hoa cộng sản mở ra thế giới bên ngoài.

Tuy nhiên Thẩm Quyến cũng có lịch sử liên hệ đến “cá nhân” Tập Cận Bình. Thân phụ ông là Tập Trọng Huân, một “anh hùng cách mạng” sống sót sau thời kỳ bị Mao Trạch Đông thanh trừng, cải tạo, đã được Đặng Tiểu Bình đề bạt làm bí thư thành ủy Quảng Đông nơi lập đặc khu kinh tế Thẩm Quyến.

Vào lúc Bắc Kinh nỗ lực định hướng công luận quốc tế vào sự phát triển kinh tế của Trung Quốc thì về chính trị, chính sách bàn tay sắt tiếp tục được thực hiện từ Trung nguyên cho đến Tây Tạng.

Theo hình ảnh do hãng AP cung cấp, một năm sau ngày giáo sư Lưu Hiểu Ba được giải Nobel hòa bình, bà vợ của ông là Lưu Hà vẫn bị quản chế một cách không thể tượng tượng nổi.

An ninh bắc ghế canh trước cửa nhà. Mỗi tháng nhà họa sĩ, nhiếp ảnh chỉ được thăm chồng một lần, do xe công an đưa từ Bắc kinh đến nhà giam ở Liêu Ninh và trở về ngay. Mỗi tuần, bà Lưu Hà “được phép” dùng cơm với cha mẹ một lần.

Trên biển, Trung Quốc vẫn tiếp tục gây căng thẳng với lân bang. Tuần duyên Nhật Bản cho biết trong ngày hôm nay , 4 tàu hải giám Trung Quốc xâm phạm hải phận đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.