Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Kinh tế Nhật Bản vẫn trong vòng bế tắc

Đăng ngày:

Nhật Bản chuẩn bị bầu lại Quốc hội vào ngày 16/12/2012. Chiến dịch vận động  vừa chính thức mở màn. Đảng đối lập Tự do Dân chủ có nhiều triển vọng lên cầm quyền. Năng lượng hạt nhân là mối quan tâm hàng đầu. Về kinh tế đâu là những thách thức đặt ra cho nội các tương lai của Nhật Bản ? RFI Việt ngữ mời chuyên gia Evelyne Dourille Feer, thuộc Trung tâm Nghiên cứu về Triển vọng kinh tế quốc tế, CEPII của Pháp.

Trucks loading containers park near a container area at a port in Tokyo November 21, 2012 Vận chuyển các container hàng gần một cảng ở Tokyo, ngày 21/11/2012.
Trucks loading containers park near a container area at a port in Tokyo November 21, 2012 Vận chuyển các container hàng gần một cảng ở Tokyo, ngày 21/11/2012. REUTERS/Issei Kato
Quảng cáo

Trong cuộc bầu cử trước thời hạn vào ngày 16/12/2012 cử tri Nhật Bản sẽ chọn bầu ra 480 đại biểu Quốc hội trong số 1.500 ứng cử viên. Cuộc tuyển cử lần này diễn ra trong bối cảnh người dân xứ hoa anh đào còn bị thảm họa động đất và sóng thần ám ảnh. Chính phủ chưa khắc phục được hậu quả do tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima gây nên.

Không phải tình cờ mà trong ngày đầu tiên cuộc vận động tranh cử, 04/12/2012 lãnh đạo hai đảng lớn là đảng Dân chủ đang cầm quyền và đảng Tự do Dân chủ cùng có mặt tại Fukushima. Cả hai ông Yoshihiko Noda và Shinzo Abe đều coi hồ sơ năng lượng hạt nhân là một ưu tiên hàng đầu.

Thủ tướng sắp mãn nhiệm Noda cam kết Nhật Bản từng bước từ bỏ năng lượng hạt nhân trước năm 2040. Ngược lại lãnh đạo đảng đối lập là ông Abe thì lại chỉ hứa hẹn tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn cho các nhà máy điện nguyên tử. Phần lớn dư luận Nhật chống năng lượng hạt nhân.

Về khả năng khắc phục hậu quả sóng thần 2011, người dân Nhật tỏ ra thất vọng do những chậm trễ chồng chất trong công cuộc tái thiết cho dù nội các Noda đã thông qua ngân sách khổng lồ hơn 200 tỉ euro để xây dựng lại những thành phố bị động đất và sóng thần tàn phá.

Trực tiếp liên quan đến hồ sơ kinh tế, đúng một tháng trước ngày bầu cử, chính phủ thông báo tổng sản phẩm nội địa Nhật Bản giảm 0,9 % trong quý 3 và tính theo toàn năm, thì GDP Nhật Bản giảm đến 3,5 % so với 2011. Tại Tokyo không mấy ai chờ đợi tình hình tươi sáng hơn trong ba tháng cuối năm nay. Trong bầu không khí khá ảm đạm đó, ngày 15/11/2012 ông Shinzo Abe, lãnh đạo đảng Tự do Dân chủ, người có nhiều triển vọng lên làm Thủ tướng, thông báo kế hoạch bơm thêm 200.000 tỉ yen vào cỗ xe kinh tế, và huy động Ngân hàng Trung ương Nhật BoJ để « phục vụ mục tiêu tăng trưởng ».

Kế hoạch đó bị coi là quá táo bạo và kém thực tế đến nỗi suốt một tuần sau đó đồng yen Nhật Bản liên tục mất giá.

Theo giới quan sát nhiều biện pháp trong số những đề xướng của ông Abe sẽ khó có thể được thực hiện. Vậy Shinzo Abe đã đề nghị những gì ? Đại để thì người từng giữ chức vụ Thủ tướng trong một năm từ 2006 đến 2007 chủ trương nới lỏng chính sách tiền tệ " vô điều kiện" cho tới khi nào lạm phát tăng lên được thành 2 cho đến 3 %. Đồng thời lãnh đạo đảng Tự do Dân chủ muốn hạ lãi suất ngắn hạn xuống số âm, buộc Ngân hàng Trung ương mua công trái phiếu của chính phủ để tài trợ các công trình xậy dựng công cộng.

Giải pháp này bị chỉ trích không ít do dư luận cho rằng đây là một hình thức để chính quyền buộc Ngân hàng Trung ương đứng ra bảo lãnh cho toàn bộ các khoản nợ công của chính phủ. Tổng nợ công của Nhật đã lên tới 200 % GDP.

Dù sao đây cũng mới chỉ là kế hoạch của một đảng phái chính trị trong lúc vận động tranh cử. Thực tế cho thấy, theo quy định của Hiến pháp Nhật Bản, Ngân hàng Trung ương hiện là một cơ quan độc lập vói chính phủ.

Đề xướng của đảng Tự do Dân chủ đã không khỏi làm giới ngân hàng Nhật Bản hoang mang. Bản thân BoJ đã « âm thầm » nghiên cứu một giải pháp để tránh né những áp đặt của nội các Abe trong tương lai.

Trả lời phỏng vấn đài RFI, bà Evelyne Dourille Feer chuyên gia về kinh tế Nhật thuộc trung tâm nghiên cứu về triển vọng kinh tế quốc tế CEPII của Pháp nêu lên một số nhược điểm của kinh tế Nhật Bản hiện tại :

« Kinh tế Nhật khởi sắc trở lại trong quý 1 năm nay với tỉ lệ tăng trưởng là 5,7 %. Thành quả ấycó được chủ yếu nhờ tiêu thụ nội địa và chi tiêu công cộng tăng nhanh trong thời gian đó. Bước sang quý 2, tỉ lệ tăng trưởng GDP có phần bị chậm lại nhưng vẫn hãy còn trên số không. Thế nhưng đến quý 3 thì tổng sản phẩm nội địa Nhật Bản bị giảm mạnh - giảm đến 3,5 %. Hai nguyên nhân chính là thị trường châu Âu và Trung Quốc giảm nhập hàng của Nhật. Hai ngành nghề bị tác hại mạnh hơn cả là xe hơi và điện tử.

Tiếp theo đó là đầu tư của các doanh nghiệp cũng sụt giảm và chi tiêu của các hộ gia đình cũng bị chựng lại. Bước sang quý 4/2012 may mắn lắm thì tỉ lệ tăng trưởng sẽ là số 0. Còn nếu bị giảm xuống số âm, thì về mặt kỹ thuật mà nói, Nhật Bản bị rơi vào suy thoái.

Nhìn chung cho cả năm tăng trưởng của Nhật sẽ ở vào khoảng 1,6 %. Theo tôi đây là một thành tích không đến nỗi tồi tệ lắm trong bối cảnh khó khăn kinh tế toàn cầu hiện nay, và trong bối cảnh dân số Nhật Bản trên đà lão hóa. Còn cho năm tới, tôi nghĩ rằng tình hình sẽ không sáng sủa hơn là bao. Ngoại trừ vào những tháng cuối năm 2013. Bởi vì kể từ năm 2014 thuế trị giá gia tăng sẽ nhảy vọt lên thành 8 % thay vì 5 % như hiện tại, do vậy người tiêu dùng sẽ dồn dập mua sắm vào những tháng cuối 2013. GDP cho toàn năm dự phóng sẽ tăng từ 0,6 cho tới 1,5 % trong tài khóa 2013.

Tóm lại đã tăng trưởng của Nhật Bản hãy còn yếu kém và kinh tế nước này tùy thuộc quá nhiều vào xuất khẩu, vào khả năng của khối euro giải quyết khủng hoảng, vào sự vững chắc của kinh tế Hoa Kỳ và đương nhiên là vào tiến triển trong quan hệ giữa Nhật Bản với Trung Quốc. Tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Senkaku đã tác hại đến thương mại Nhật -Trung. Ngành công nghiệp xe hơi Nhật lao đao trong những tháng gần đây. Xe Nhật xuất khẩu sang Trung Quốc trong tháng 10/2011 giảm 80 %. Đây là một vố đau đối với khu vực xuất khẩu của Nhật Bản ».

Trong năm 2012 chính quyền của Thủ tướng Noda đã thông qua hai gói kích cầu, trị giá 5 và 8,5 tỉ euro để tạo 120.000 công việc làm cho người dân và đem lại một làn gió mới cho cỗ xe kinh tế đang bị chựng lại. Vì sao các kế hoạch kích thích kinh tế liên tiếp không cho phép nền kinh tế Nhật thực sự khởi sắc trở lại ? Chuyên gia kinh tế thuộcc trung tâm CEPII, Evelyne Dourille Feer phân tích :

« Thứ nhất đó là những kế hoạch không đáng là bao. Kế tiếp trong suốt năm nay, đồng yen Nhật Bản liên tục tăng giá, gây trở ngại cho ngành xuất khẩu. Trước hiện tượng này nhiều doanh nghiệp đã di dời cơ sở sản xuất ra nước ngoài. Vấn đề thứ ba là hiện tượng giảm phát lại bùng lên. Giảm phát kéo theo những hậu quả tai hại như là tư nhân dời lại các khoản mua sắm, còn các doanh nghiệp thì tạm đình chỉ các dự án đầu tư.

Bên cạnh những khó khăn chồng chất vừa nêu, Nhật Bản còn phải khắc phục hậu quả của tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Khu vực sản xuất không còn có thể trông cậy vào năng lượng hạt nhân vốn bảo đảm đến 30 % nhu cầu năng lượng quốc gia. Để khắc phục thiếu hụt về năng lượng hạt nhân, Nhật Bản phải nhập thêm dầu hoản khí đốt, than đá … Hóa đơn năng lượng đè nặng lên cán cân thương mại. Năng lượng đang thực sự trở thành một vấn đề lớn của Nhật Bản ».

Nhìn từ bên ngoài, người ta có cảm tưởng là từ 20 năm nay kinh tế Nhật Bản vẫn không thoát khỏi giai đoạn đình đốn bất chấp hàng chục kế hoạch kích cầu hết sức quy mô. Vậy đâu là những giải pháp có thể cho phép kinh tế Nhật Bản cất cánh trở lại ? Chuyên gia kinh tế Evelyne Dourille Feer không hoàn toàn chia sẻ quan điểm này :

« Tình trạng của nước Nhật không hẳn tồi tệ như vậy và cũng không thể nói một cách ngắn gọn như thế. Đương nhiên, từ những năm 1990 tới nay, tăng trưởng trung bình thường ở mức trên dưới 1 %. Thế nhưng chúng ta đừng quên là trong giai đoạn 2002-2007, GDP Nhật Bản đã tăng đều đặn ở mức 2 %. Đây là một nhịp độ tăng trưởng khá tốt khi biết rằng dân số trong tuổi lao động trên đà sụt giảm.

Cũng đừng quên rằng, khủng hoảng Nhật Bản trong những năm 1990 đã rất nghiêm trọng : chỉ số chứng khoán trong thời gian 1991-2008 giảm đi mất 3/4 ! Giá địa ốc giảm 60 % vào đầu những năm 2000 so với thời điểm 1991-1992.

Trước một cơn bão tài chính và kinh tế nghiêm trọng như vậy mọi người chờ đợi Nhật Bản rơi vào khủng hoảng tương tự như Hoa Kỳ ở vào những năm 1930. Nhưng kịch bản đen tối đó đã không xảy ra. Nhật Bản vẫn cầm cự được. Đến khoảng năm 2004, Tokyo đã mạnh dạn cải tổ hệ thống tài chính và ngân hàng. Chính sách đó đã giúp cho Nhật Bản tăng trưởng một cách lành mạnh hơn và cũng nhờ thế mà quốc gia này đã không bị cơn bão tiền tệ 2008-2009 xuất phát từ Mỹ cuốn bay.

Đương nhiên là xuất khẩu Nhật Bản bị chựng lại trong năm 2009 nhưng bước sang năm 2010 kinh tế Nhật nói chung đã lại vươn lên. Nhưng Nhật Bản kém may mắn. Đến tháng 3/2011 trận động đất và sóng thần, kéo theo đó là thảm họa Fukushima lại đặt ra những bài toán nan giải khác cho Tokyo ».

Nhật Bản đang chuẩn bị bầu lại Quốc hội. Có nhiều khả năng đảng đối lập, Tự do Dân chủ lên cầm quyền, lãnh đạo đảng này là ông Shinzo Abe sẽ ngồi lại vào chiếc ghế Thủ tướng. Vậy đâu là những thách thức kinh tế chờ đợi nội các sắp tới của ông Abe và đảng Dân chủ Tự do đề nghị những gì đề đem lại một làn gió mới cho kinh tế Nhật Bản ?Theo phân tích của bà Dourille Feer, trung tâm CEPII thì thách thức đối với chính phủ tương lai không chỉ giới hạn ở hồ sơ kinh tế :

« Có khả năng là ông Shinzo Abe trở thành Thủ tướng. Nhưng hiện vẫn còn 50 % cử tri Nhật chưa dứt khoát bỏ phiếu cho ai. Tôi e rằng, chính quyền sắp tới sẽ là một chính phủ liên minh, tức là đảng Tự do Dân chủ sẽ không rộng đường hành động để áp đặt những chính sách kinh tế đề ra. Hiện nay đảng này đề nghị tung ra một kế hoạch kích cầu rất quy mô, trị giá 200 000, tỉ yen, tương đương với hơn 20.000 tỉ đô la.

Trái ngược hẳn với đường lối của khối euro, đảng Tự do Dân chủ Nhật theo đuổi mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng qua các chương trình chi tiêu công cộng, xây dựng hạ tầng cơ sở … qua đó tạo công việc làm cho người dân, cho dù tỉ lệ thất nghiệp ở Nhật hiện là 4,4 % tức là ở mức rất thấp. Dù vậy có khoảng từ 30 đến 40 % người lao động tại đây làm việc trong những hoàn cảnh khá bấp bênh.

Ông Abe ngoài ra còn chủ trương hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, nâng cao khả năng cạnh tranh của các tập đoàn công nghiệp Nhật Bản, hạ giá đồng yen tạo lợi thế cho hàng xuất khẩu của nhật ra nước ngoài.

Ở vế thứ nhì, ông Abe chủ trương giải quyết vấn đề giảm phát. Để hoàn thành mục tiêu này, lãnh đạo đảng Tự do Dân chủ muốn huy động Ngân hàng trung ương. Shinzo Abe muốn BoJ nới rộng thêm chính sách tiền tệ, bơm thêm tiền vào các hoạt động kinh tế, đẩy lạm phát tăng lên đến 2 hay 3 %. Cần biết rằng, hiện nay BoJ hoàn toàn độc lập với chính phủ. Cho nên việc huy động Ngân hàng Trung ương sẽ không dễ thực hiện.

Ngoài lĩnh vực thuần túy kinh tế Thủ tướng Nhật Bản tương lai sẽ phải chú trọng đến những hồ sơ như là an ninh : ông Abe nổi tiếng là một người có chủ trương dân tộc chủ nghĩa và thân Mỹ. Chính phủ sắp tới tại Tokyo sẽ thắt chặt quan hệ với Washington, tăng ngân sách quốc phòng. Điều đó có nghĩa là Nhật Bản dưới nhiệm kỳ của Thủ tướng Shinzo Abe sẽ có thái độ cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Căng thẳng Nhật Trung sẽ khó mà lắng xuống trong bối cảnh đó.

Hồ sơ thứ ba chờ đợi ông Abe liên quan đến vấn đề năng lượng hạt nhân. Ông Abe là một người tin tưởng vào năng lượng hạt nhân, trong lúc dư luận Nhật lại không muốn điều đó.

Về phương diện xã hội hiện tượng dân số đang trên đà lão hóa đặt ra nhiều thách thức đối với chính quyền sắp tới và hồ sơ này ngày càng trở nên nóng bỏng. Hiện nay 2,8 người lao động đài thọ cho một người nghỉ hưu. Đến năm 2050 thì tỉ lệ đó rơi xuống còn 1,3. Đây thực sự là một gánh nặng xã hội. Kinh tế Nhật tăng trưởng chậm lại với nhịp độ gần như ở số không, sẽ không là một trở ngại do dân số sụt giảm. Nhưng bên cạnh đó Nhật Bản phải giải quyết hay ít ra là phải kềm hãm không để nợ công lớn thêm lên. Hiện tại nợ công của Nhật đã lớn gấp hai lần so với GDP. Theo tôi thì nội các tương lai sẽ đứng trước những thách thức rất lớn ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.