Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Truyền thông Trung Quốc công kích Mỹ can thiệp vào hồ sơ Biển Đông

Truyền thông Trung Quốc vào hôm nay 06/08/2012 đã đồng loạt “nã pháo” vào Hoa Kỳ, một hôm sau khi Bắc Kinh triệu mời Phó đại sứ Mỹ tại Trung Quốc lên để phản đối bản Tuyên bố về Biển Đông của Hoa Kỳ hôm thứ Sáu 3/8. Trước những lời tố cáo của Mỹ đối với các động thái gây căng thẳng gần đây của Trung Quốc tại Biển Đông, Bắc Kinh đã đả kích Washington xen vào điều mà Trung Quốc cho là “công việc nội bộ” của mình.

Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đoạt, thành lập cái gọi là "Tam Sa".
Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đoạt, thành lập cái gọi là "Tam Sa". DR
Quảng cáo

Trong bản tuyên bố hôm 03/08 Bộ Ngoại giao Mỹ đã bày tỏ quan ngại về những căng thẳng gia tăng tại Biển Đông, với những diễn biến đáng lo. Chẳng hạn như giọng điệu ngày càng hung hăng nhắm vào nước khác, các bất đồng lộ rõ trong việc giành quyền khai thác tài nguyên, các hành động dùng kinh tế để gây áp lực, và các sự cố tại bãi Scarborough, trong đó có việc chăng dây tại cửa vịnh ra vào khu vực để chặn tàu nước khác.

Thủ phạm của các hành động kể trên không được nêu đích danh, nhưng đều gợi đến các hành vi gần đây của Bắc Kinh. Từ các lời đe dọa chiến tranh nhắm vào Hà Nội và Manila, các tuyên bố chống lại việc Philippines cho đấu thầu khai thác dầu khi trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, cho đến vụ tập đoàn dầu khí nhà nước Trung Quốc CNOOC mời thầu thăm dò các lô dầu hỏa sâu trong vùng thềm lục địa của Việt Nam.

Trung Quốc tuy nhiên đã bị nêu đích danh trong loạt hành vi nghiêm trọng nhất : Thành lập “thành phố Tam Sa” và đơn vị đồn trú tại khu vực tranh chấp với các láng giềng, tức là hầu như toàn bộ Biển Đông, bị cho là “đi ngược lại những nỗ lực ngoại giao chung nhằm giải quyết bất đồng và có nguy cơ làm leo thang căng thẳng trong khu vực”.

Trong một bài xã luận vào hôm nay, nhật báo China Daily đã lớn tiếng cho rằng tuyên bố của Mỹ xứng đáng bị “nguyền rủa”, vì rõ ràng là nhằm mục tiêu gây rối. Đối với tờ báo này, hành động chỉ trích việc thành lập thành phố Tam Sa, vào tháng Sáu ngay trong quần đảo Hoàng Sa để củng cố đòi hỏi chủ quyền, đã “biểu thị thái độ coi thường đáng ngạc nhiên nguyên tắc không can thiệp vào chuyện nội bộ của nước khác”.

Một bài xã luận trên ấn bản quốc tế của Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc cũng thô lỗ không kém khi thẳng thừng kêu gọi Hoa Kỳ là nên “câm miệng” trên vấn đề Biển Đông, vì Trung Quốc không thể chấp nhận những “hành vi can thiệp như vậy của nước ngoài vào những vấn đề chỉ liên quân đến chủ quyền của Trung Quốc”. Ấn bản trong nước của tờ báo này cũng cứng rắn không kém, tố cáo Hoa Kỳ tìm cách gây chia rẽ giữa Trung Quốc với các láng giềng.

Với việc báo chí chính thức có những lời lẽ cực kỳ hung hăng như kể trên, Trung Quốc đang tiếp tục làm áp lực trên Hoa Kỳ về hồ sơ Biển Đông, mở thêm mặt trận truyền thông sau khi đã phản công về mặt ngoại giao.

Phải nói là sau tuyên bố của Mỹ về Biển Đông, phản ứng ngoại giao của Trung Quốc đã cứng rắn khác thường với việc triệu mời Phó đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh Robert Wang (Vương Hiểu Dân) vào hôm qua lên để đòi Hoa Kỳ “tôn trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc”.

Tuy nhiên, luận điểm Bắc Kinh đưa ra nhằm phản đối Washington “xen vào nội tình” Trung Quốc và không “tôn trọng chủ quyền” của Trung Quốc hoàn toàn không đứng vững. Bắc Kinh đã viện dẫn lý do lịch sử để đòi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông, điều cho đến nay không hề được quốc tế công nhận, và ngang nhiên vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển mà họ đã ký kết.

Lập luận cho rằng Hoa Kỳ cố tình chia rẽ Trung Quốc với các nước láng giềng cũng không đúng với thực tế, vì nguyên nhân gây bất hòa chính là các hành động lấn lướt của Bắc Kinh trong việc ép buộc các láng giềng của họ phải chấp nhận đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên các vùng biển bao quanh họ. Hầu như tất cả các nước có chung vùng biển với Trung Quốc đều lo ngại trước các hành động quyết đoán của Bắc Kinh, từ Nhật Bản, Hàn Quốc, trên biển Hoa Đông, cho đến Việt Nam, Philippines, Malaysia Brunei hay Đài Loan ở Biển Đông.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.