Vào nội dung chính
ĐÀI LOAN - TRUNG QUỐC

Quan hệ Bắc Kinh - Đài Bắc : Chủ đề trọng tâm cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan

Bầu cử tổng thống tại Đài Loan diễn ra hôm nay 14/12/2012. Đây là một trong những chủ đề được báo chí Pháp hôm nay đặc biệt quan tâm. Nhìn chung, các tờ báo lớn đều cho rằng, chủ đề trọng tâm trong cuộc bầu cử này là mối liên hệ Trung Quốc - Đài Loan. Libération đăng bài phóng sự về sự kiện này.

Tổng thống Mã Anh Cửu và phu nhân trong cuộc vận động tái tranh cử (Reuters)
Tổng thống Mã Anh Cửu và phu nhân trong cuộc vận động tái tranh cử (Reuters)
Quảng cáo

Cuộc bầu cử hôm nay là cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp lần thứ năm của Đài Loan. Hai đảng tranh cử vẫn là Quốc Dân đảng, được cho là thân Trung Quốc, và Đảng Dân Tiến, đảng phản đối việc sáp nhập Đài Loan vào Trung Quốc. Hai ứng cử viên đó là tổng thống mãn nhiệm Mã Anh Cửu, 63 tuổi, thuộc Quốc Dân Đảng và bà Thái Anh Văn, 55 tuổi, lãnh đạo Đảng Dân Tiến.

Về phần mình, bà Thái Anh Văn đặt ra một chiến lược kép : một mặt đấu tranh chống tệ nạn xã hội, chống thất nghiệp do chính sách di chuyển ngành công nghiệp Đài Loan về phía Trung Quốc. Mặt khác, bà cố gắng làm dịu bớt những đòi hỏi độc lập Đài Loan để tránh gây mất lòng Bắc Kinh.

Nói về thái độ của phía Trung Quốc, Libération cho hay, lần này, Trung Quốc không hù dọa bằng cách phóng tên lửa ngoài khơi Đài Loan như năm 1996, hay bằng giọng điệu mạnh bạo như năm 2000. Những lần đó, động thái hù dọa đã gây hiệu ứng ngược cho Trung Quốc. Bởi thế, lần này, Trung Quốc chọn cách không can thiệp vào một cuộc bầu cử mà từ ngữ chính thức của nước này gọi là « bầu cử lãnh đạo địa phương ».

Đối với ông Mã Anh Cửu, ông này được sự ủng hộ của Trung Quốc. Từ khi lên cầm quyền năm 2008, ông đã bắt đầu thực hiện chính sách thân Trung, trái hẳn với những người tiền nhiệm. Quan hệ giữa hai nước, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, không ngừng được cải thiện. Năm 2011, có đến hai triệu du khách Trung Quốc đến Đài Loan. Các chuyến bay trực tiếp giữa hai nước cũng lên mức hàng trăm chuyến mỗi tuần.

Rồi vào tháng 6 năm 2010, hai bên đã ký một thỏa thuận hợp tác kinh tế nhằm giảm bớt hàng rào thuế quan và thương mại. Trao đổi thương mại hai chiều đã tăng 36%, đầu tư của Đài Loan ở Trung Quốc hiện vượt mức 140 tỷ euro, đầu tư của Trung Quốc trên lãnh thổ Đài Loan chính thức được cho phép vào năm 2009, và đã không ngừng tăng phi mã. Hiện tại, có đến hơn 1 triệu người Đài Loan sinh sống ở Hoa Lục.

Từ đó, tờ báo đặt câu hỏi : Liệu ảnh hưởng kinh tế có kéo theo ảnh hương về chính trị ? Liệu sự hội nhập vào nền kinh tế Trung Qu ốc có khiến Đài Loan bị sáp nhập vào chế độ Bắc Kinh theo kiểu một nhà nước hai chế độ như trường hợp của Hồng Kông và Ma Cao ?

Hồi tháng 10/2011, ông Mã Anh Cửu còn cho biết muốn ký hiệp ước hòa bình với Trung Quốc trong 10 năm tới. Dự định này đã vấp phải nhiều phản đối ngay trong nội bộ Quốc Dân đảng.

Đánh giá về thái độ thân Trung của ông Mã, cựu tổng thống Đài Loan Lý Đăng Huy cho rằng, Mã Anh Cửu muốn hợp tác với Trung Quốc để sáp nhập Đài Loan. Libération còn dẫn lời một giáo sư chính trị theo đó : « Đối với Mã Anh Cửu, việc thống nhất hai miền eo biển Đài Loan là tất yếu. Việc đó có thể được thực hiện thông qua đàm phán chính trị, hoặc thông qua chính sách tăng cường quan hệ kinh tế với Trung Quốc sao cho Đài Loan và Trung Quốc bị ràng buộc với nhau đến mức không tách rời ra được ».

Tác giả bài phóng sự còn dẫn lời của một số khách du lịch Trung Quốc tại Đài Loan với nhưng lập luận theo kiểu : « Người Đài Loan thật ngốc. Họ phải hợp nhất với chúng tôi, và như vậy họ sẽ không còn phải mua vũ khí đắt đỏ của Mỹ », « Hòn đảo này nhỏ bé, bởi vậy người Đài Loan có thể có trọng lượng gì đối với chúng tôi ?! ».

Trong mục Lá thư Châu Á trên báo Le Monde, phóng viên Brice Pedroletti nhận định : « Khi được hỏi, người du lịch Trung Quốc không chút do dự mà cho biết, họ ủng hộ ông Mã Anh Cửu, vì ít ra ông này là người không có ý tách Đài Loan ra khỏi Trung Quốc ».

Miến Điện : viễn cảnh dân chủ còn khá mờ mịt

Hôm thứ năm ngày 12/1/2012, nhà cầm quyền Miến Điện đã ban hành lệnh ân xá đến 650 tù nhân, trong đó có những người từng lãnh đạo phong trào nổi dậy của sinh viên năm 1988. Báo chí Pháp hôm nay cũng đặc biệt chú ý đến hồ sơ này. Nhật báo Le Monde có bài viết chạy tựa : « Chính quyền Miến Điện không ngừng có động thái mở cửa ».

Tờ báo nhận định, những động thái cởi mở có vẻ dồn dập của chính quyền dân sự Miến Điện làm ngạc nhiên nhiều nhà quan sát. Xem xét tình hình tại chỗ, tờ báo cho biết, những bước tiến dân chủ còn khá e dè. Nạn kiểm duyệt dù được nới lỏng nhưng vẫn còn đó. Báo chí được tự do hơn nhưng vẫn trong vòng kiểm soát. Luật đình công biểu tình dù được thông qua nhưng có vẻ chỉ là hình thức. Cải cách kinh tế còn khá chậm chạp. Vẫn tiếp tục diễn ra các cuộc xung đột giữa quân đội và một vài nhóm vũ trang của các dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, ý nguyện dân chủ hóa chế độ có thể vấp phải sự phản đối của phe bảo thủ trong quân đội, từ đó, người ta lo ngại có thể sẽ có đảo chính quân sự. Nên nhớ rằng, chế độ hiện tại của Miến Điện được ra đời từ cuộc đảo chính quân sự vào năm 1962.

Tóm lại, theo Le Monde, việc thay đổi một hệ thống có tư tưởng bài ngoại, bị chi phối bởi nạn bè phái và gia đình trị, thật không phải là một việc dễ dàng.

Tuy vậy, sau nửa thế kỷ nắm quyền đất nước, những động thái mở cửa của chính quyền dân sự Miến Điện, một chính quyền bị phương Tây chỉ trích là vẫn còn nằm trong vòng kiểm soát của quân đội, cũng đã nhận được những đánh giá tích cực. Nhà lãnh đạo Đảng đối lập Aung San Suu Kyi cho biết « rất lạc quan » về tình hình hiện tại.

Pháp mất điểm tín nhiệm tài chính AAA

Một hồ sơ khác cũng được báo chí Pháp tập trung phân tích hôm nay, đó là việc công ty thẩm định tài chính Hoa K ỳ Standard & Poor’s vào tối qua vừa hạ điểm tín nhiệm tài chính của Pháp từ AAA xuống còn AA+. Libération có bài phân tích ảnh hưởng của sự kiện này đến tương lai chính trị của đương kim tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. Bài viết chạy tựa : « Một hình phạt kép dành cho ông Sarkozy ».

Tờ báo cho biết, đây không phải là tin bất ngờ đối với điện L’Elysée, mà đã từ lâu chính phủ Pháp đã cảm nhận được nguy cơ và đã bắt đầu có hành động theo kiểu chuẩn bị tâm lý cho dư luận. Tổng thống Sarkozy là người đầu tiên làm việc đó thông qua việc trả lời phỏng vấn cho báo Le Monde. Khi ấy, ông nói một cách úp mở : « Nếu các công ty thẩm định tài chính hạ điểm tín nhiệm của Pháp, đó sẽ là một khó khăn thêm vào những khó khăn khác mà chúng ta đang đối mặt. Thế nhưng, khó khăn này không phải là không thể vượt qua ». Sau đó, chính phủ và cả quan chức cánh hữu điều có động thái tương tự.

Thế nhưng, việc gì đến cũng đã đến. Pháp đã mất điểm tín nhiệm tốt nhất. Bên cạnh sự việc có thể lường trước này, theo Libération, có một điều mà phía Pháp đã dự đoán sai, đó là phía Pháp luôn cho rằng Đức cũng sẽ cùng chung số phận với Pháp là bị hạ điểm tín nhiệm. Để rồi, cuối cùng, đến hiện tại, uy tín tài chính Đức vẫn bình an vô sự.

Nói về hậu quả của việc mất điểm AAA, tờ báo nhấn mạnh, nếu hiện tại hậu quả kinh tế vẫn còn chưa thể tính trước được, thì hậu quả chính trị dành cho ông Sarkozy đã nhãn tiền. Hồi mùa hè, ông này còn cho rằng mình là "người bảo vệ" điểm AAA cho nước Pháp. Cố vấn truyền thông của tổng thống khi ấy còn hoan hỉ và mạnh miệng cho rằng : « Nếu đổi lại là Đảng Xã hội lãnh đạo đất nước, thì điểm AAA đã bỏ nước Pháp từ lâu ». Như vậy, hiện tại, ông Sarkozy có vẻ như phải bắt đầu lại từ đầu.

Cánh hữu từng ca tụng ông Sarkozy là « Vị thuyền trưởng trong cơn giông bão », thế nhưng, quyết định tối qua của Standard & Poor’s đã khiến cho người dân Pháp phải tự hỏi : Vị thuyền trưởng này còn có ích gì khi đã không thể giữ được số điểm tín nhiệm tài chính tối đa cho nước Pháp ? Cánh tả nhân dịp này cũng không thể bỏ qua cơ hội ngàn năm một thuở, nên chắc chắn sẽ tăng cường chỉ trích tổng thống. Cuối cùng tờ báo nhận định : Theo thăm dò dư luận, rõ ràng, cánh hữu không thể không lo lắng. Quyết định vừa rồi của Standard & Poor’s thật sự là « một sự sĩ nhục » đối với tổng thống Sarkozy.

Tổn thất do thiên tai năm 2011 lên đến 300 tỷ euro

Cuối cùng, liên quan đến các vấn đề thiên tai, Libération có bài thông tin : « Thiên tai : năm 2011 đã gây nhiều tổn thất». Năm 2011 là năm mà thiên tai gây tổn thất kinh tế nặng nề nhất trong lịch sử nhân loại. Hai tập đoàn bảo hiểm Swiss Re và Munich Re cho biết, tổn thất do động đất, sóng thần có thể lên đến 300 tỷ euro. Đó còn chưa kể đến những tổn thất do thảm họa công nghiệp theo kiểu Fukushima vừa qua.

Hai sự kiện gây tổn thất nhất là động đất ở New Zeland và Nhật Bản. Chỉ riêng Nhật Bản, Munich Re cho biết, chưa kể tổn thất do thảm họa hạt nhân, tổn thất do động đất và sóng thần lên đến 166 tỷ euro, mức đền bù bảo hiểm có thể lên đến 32 tỷ euro.

Nhìn chung, năm rồi, 2/3 tổn thất kinh tế và ½ lượng đền bù bảo hiểm không phải đến từ thảm họa khí hậu, mà đến từ các sự kiện địa vật lý. Một chuyên gia của Munich Re cảnh báo : « Chúng ta phải chú ý đến tầm quan trọng của việc quy hoạch, nhất là trong công tác quy hoạch các thành phố hay các nhà máy điện hạt nhân ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.