Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Trung Quốc ra lệnh giảm tốc độ tàu cao tốc và hoãn các dự án đường sắt mới

Hơn ba tuần sau tai nạn thảm khốc tại Ôn Châu, nơi hai đoàn tàu cao tốc đâm vào nhau khiến 40 người chết và 191 người bị thương, một loạt các quyết định quan trọng trong lĩnh vực đường sắt cao tốc đã được chính phủ Trung Quốc ban hành hôm nay 11/8/2011.

Lễ cầu siêu cho các nạn nhân ở Ôn Châu 31/7/2011 (Reuters)
Lễ cầu siêu cho các nạn nhân ở Ôn Châu 31/7/2011 (Reuters)
Quảng cáo

Hôm nay chính phủ Trung Quốc ra thông báo tạm thời không cấp giấy phép cho các dự án đường sắt mới. Bộ Đường sắt Trung Quốc cũng ra quyết định giảm tốc độ của các tàu cao tốc. Để lấy lại uy tín của đường sắt Trung Quốc sau tai nạn Ôn Châu (ngày 23/7/2011), Bắc Kinh đã quyết định đưa ra một loạt biện pháp mang tính triệt để.

Theo thông báo kể trên, bên cạnh việc hoãn cấp phép cho tất cả các dự án mới, chính phủ Trung Quốc cũng sẽ xem xét lại các tiêu chuẩn kỹ thuật và đồ án xây dựng của các dự án đường sắt đã được cấp phép. Tân Hoa Xã cho hay, chính phủ Trung Quốc sẽ thanh tra toàn bộ mức độ an toàn của các tuyến đường sắt cao tốc, đã xây dựng hay dự kiến sẽ được làm.

Ngày hôm nay, Bộ Đường sắt Trung Quốc ra chỉ thị giới hạn tốc độ tối đa là 200 km/giờ đối với các con tàu dự kiến chạy với tốc độ 250 km/giờ. Bên cạnh đó, giá vé cũng sẽ được giảm xuống. Riêng ga Thượng Hải, nơi vừa diễn ra lễ khai trương rầm rộ tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải (dài hơn 1.300 km) hồi cuối tháng 6, theo mạng Twiter Weibo, sẽ hoãn việc bán vé tàu cao tốc kể từ ngày 15/8.

Xin nhắc lại là, tai nạn tàu cao tốc tại Ôn Châu xảy ra vào lúc Trung Quốc đang ở trong giai đoạn phát triển mạnh hệ thống đường sắt cao tốc, với gần 9.000 cây số vào cuối năm 2010 và dự kiến sẽ có 13.000 cây số vào sang năm. Tháng 12/2010, Bộ trưởng Đường sắt Trung Quốc lúc đó đã tự hào tuyên bố thế hệ tàu cao tốc mới của Trung Quốc đạt tốc độ 486km/giờ, dẫn đầu thế giới. Tự tin về công nghệ, Trung Quốc đã xuất cảng tàu cao tốc, cạnh tranh với nhiều tập đoàn nổi tiếng trong lĩnh vực này như Alstom (Pháp), Bombardier (Canada) hay Siemens (Đức).

Vụ tai nạn Ôn Châu khi vừa xảy ra đã bị chính quyền bưng bít thông tin. Báo chí không được phép tiến hành các điều tra độc lập. Tuy nhiên, nhiều đoạn video được đưa lên mạng Twitter Weibo cho thấy lực lượng cứu nạn đã cố tình « làm sạch » hiện trường một cách nhanh chóng ngay sau khi tai nạn xảy ra. Nhiều ý kiến lên án cách đối xử thiếu nhân tính đối với các nạn nhân vụ đâm tàu.

Bên cạnh nhiều bê bối tham nhũng, hối lộ dẫn đến việc bộ trưởng Đường sắt cũ bị cách chức hồi đầu năm, vụ đâm tàu Ôn Châu cho thấy sự yếu kém của ngành đường sắt Trung Quốc trong lĩnh vực bảo đảm an toàn giao thông. Vụ việc gây ra một phẫn nộ ghê gớm trong dân chúng, đã trở thành một cú sốc đối với giới lãnh đạo Trung Quốc.

Ngay tờ Nhân dân Nhật báo, tờ báo chính thức của đảng Cộng sản Trung Quốc, sau đó cũng phải cảnh báo rằng sự phát triển của Trung Quốc không thể bị « vấy máu » (với các kiểu tai nạn như vậy). Theo giới chuyên gia, vụ tai nạn này sẽ ảnh hưởng đến việc xuất cảng tàu cao tốc của Trung Quốc nói riêng và các vật tư thiết bị đường sắt nói chung.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.