Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - HẢI QUÂN

Trung Quốc cho hạ thủy chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên

Hôm nay 10/08/2011, chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc đã được hạ thủy. Về mặt chính thức, chiếc tàu này chỉ mới được cho chạy thử, mặc dù theo các chuyên gia, chiếc tàu đã hoàn toàn sẳn sàng tham gia tác chiến. Chiếc hàng không mẫu hạm mang tên Varyag, dài 300 mét, được chế tạo từ thời Liên Xô, được Trung Quốc mua lại của Ukraina từ năm 1998, rồi sau đó được tu sửa và trang bị toàn bộ ở Trung Quốc.

Hàng không mẫu hạm " Varyag " ở cảng Đại Liên. Ảnh chụp ngày 17/04/2011
Hàng không mẫu hạm " Varyag " ở cảng Đại Liên. Ảnh chụp ngày 17/04/2011 REUTERS/Stringer/Files
Quảng cáo

Theo các nguồn tin quân sự Trung Quốc do Tân Hoa Xã trích dẫn, Varyag sẽ được cho chạy thử trong thời gian ngắn, vì sau đó, chiếc hàng không mẫu hạm này sẽ trở lại cảng Đại Liên để tiếp tục được tu sửa.

Một chuyên gia thuộc Trung tâm Chiến lược và Đánh giá Quốc tế, ông Rick Fisher hôm nay giải thích với AFP rằng : « Tàu Varyag sẽ được cho chạy thử nhiều lần và sẽ được sử dụng để đội máy bay tập luyện, nhưng chiếc hàng không mẫu hạm này coi như đã sẳn sàng yểm trợ tác chiến ».

Đối với Quân đội Nhân dân Giải phóng Trung Quốc, sở hữu một chiếc hàng không mẫu hạm là vấn đề danh tiếng, để không bị thua kém một số nước láng giềng như Ấn Độ và Thái Lan, hiện đã có hàng không mẫu hạm. Như lời ông Dennis Blasko, Trung Quốc nay có thể tự hào rằng kể từ nay, họ có một trong những quân đội hiện đại nhất thế giới. ».

Nhưng sở hữu một hàng không mẫu hạm còn là một sự cần thiết về mặt chiến lược đối với Bắc Kinh, vì hiện nay, quyền lợi Trung Quốc trải rộng khắp thế giới, nước này cần phải can thiệp xa hơn, đặc biệt là trên các tuyến hàng hải vận chuyển dầu khí cung cấp cho Trung Quốc.

Các chuyên gia độc lập tin rằng Bộ Quốc phòng Trung Quốc, tuy không nói ra, nhưng đã tiến hành xây thêm một, thậm chí hai chiếc hàng không mẫu hạm nữa.

Bắc Kinh cũng hỵ vọng rằng việc hạ thủy chiếc tàu Varyag sẽ gây một tác động tâm lý trong khu vực, nhất là đối với những nước đang có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc như Nhật Bản và Việt Nam. Theo lời ông Fisher, « Trung Quốc muốn hù dọa các đối thủ trên biển Hoa Nam ( tức Biển Đông ). Đây rất có thể sẽ là vùng biển tuần tra lớn đầu tiên của các tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc và việc bảo vệ những tàu ngầm này sẽ là một trong những nhiệm vụ của các hàng không mẫu hạm Trung Quốc ».

Vấn đề là hàng không mẫu hạm đầu tiên ( mà hiện chưa được đặt tên Trung Quốc ) có thể ảnh hưởng đến hình ảnh mà Trung Quốc tự tạo cho mình, đó là hình ảnh một quốc gia hiện đại hóa quân sự chỉ để nhằm tự vệ, chứ không có ý đồ bành trướng. Cho nên hôm nay, sự kiện này diễn ra khá kín đáo. Tân Hoa Xã chỉ phát một bản tin rất ngắn gọn. Có lẽ Bắc Kinh ngại rằng chiếc hàng không mẫu hạm làm nổi rõ một hình ảnh hiếu chiến của Trung Quốc.

Một lý do khác khiến Bắc Kinh hôm nay không muốn tỏ ra tự mãn với chiếc tàu Varyag, đó là vì Trung Quốc cần có thêm thời gian để có thể đưa vào hoạt động một đội hàng không mẫu hạm và nói chung trong lĩnh vực này, Trung Quốc còn thua rất xa Hoa Kỳ.

Nhưng bên cạnh đó, Trung Quốc đang tiếp tục phát triển những loại vũ khí mới để nâng cao sức chiến đấu của mọi binh chủng hải, lục không quân, chẳng hạn như máy bay tiêm kích tàng hình J-20 hay tên lửa đạn đạo bắn từ các chiến hạm đến những mục tiêu cách đó hàng ngàn cây số.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.