Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - XÃ HỘI

Tham nhũng, hối lộ đe dọa Trung Quốc

Quá trình đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc diễn ra với tốc độ chóng mặt. Xã hội hình như mất định hướng trước những thay đổi quá mau chóng này. Lần đầu tiên, một tờ báo thuộc đảng Cộng sản Trung Quốc là tờ Hoàn Cầu Thời báo đăng bài phân tích và cảnh báo tình trạng xuống dốc nghiêm trọng của đạo đức xã hội và nạn tham nhũng hối lộ tràn lan.

Quảng cáo

Trước tiên, tờ báo cảnh báo sự xuống dốc trầm trọng của đạo đức xã hội với nhiều dẫn chứng cụ thể. Từ việc chỉ một va quẹt xe trên đường, người ta cũng có thể đâm nhau đến 8 nhát dao. Một thanh niên Trung Quốc đã đâm chết mẹ mình tại sân bay chỉ vì cãi vã về vấn đề học phí.

Tờ báo cũng nhìn vào lĩnh vực kinh tế với hàng loạt vụ tai tiếng thương mại gần đây. Các nhà kinh doanh Trung Quốc đang nhắm mắt chạy theo lợi nhuận, bất chấp đạo đức, lương tâm của một con người. Nào là việc sữa nhiễm chất gây hại, nào là việc thịt heo chứa nhiều hóa chất, nào là hàng loạt các vụ ngộ độc thực phẩm, nào là nhiều công nhân làm việc như nô lệ trong xã hội văn minh hiện đại.

Nói về tham nhũng, tờ báo cho biết, nạn tham nhũng hối lộ đang hoành hành từ trung ương đến địa phương. Đến mức mà người dân buộc phải cam lòng gánh chịu nếu muốn được việc. Tờ báo ví von : Khi có việc đến cơ quan nhà nước, khi được giải quyết, dù bằng cách nào đi nữa, thì người ta cũng đã lạy cảm tạ trời đất rồi.

Đánh giá về hiện trạng này, tờ báo cho rằng, cái « ranh giới xã hội nội tại », theo đó, một người biết mình được phép và không được phép làm gì, phải tôn trọng người khác thế nào, đang bị lùi dần và chỉ được một bộ phận nhỏ trong xã hội tuân thủ. Những đòi hỏi tối thiểu về mặt đạo đức vì thế cũng ngày càng thấp. Đến mức mà tham nhũng đôi khi cũng được tha thứ. Xã hội bắt đầu mang tâm lí : Khi một công chức thâm lạm của công, nhưng không quá mức, và còn có ý thức biết làm việc để phục vụ lợi ích người dân, thì có thể được thưởng danh hiệu vinh dự « Công chức liêm chính», thậm chí đôi khi còn được quay phim nêu điển hình.

Tờ báo nhấn mạnh, khi xã hội bị thao túng bởi « cái lý của kẻ mạnh », khi ai nấy đều đặt lợi ích vật chất lên hàng đầu, thì mọi chuẩn mực đạo đức đều bị xáo trộn, mọi lĩnh vực đời sống đều bị ảnh hưởng. Tờ báo chỉ rõ sự sa đà đã tiến sâu vào mọi lĩnh vực : thực phẩm, thương mại, thậm chí cả giáo dục và khoa học.

Sự xuống cấp của xã hội Trung Quốc trầm trọng đến mức mà Hoàn Cầu thời báo cho biết, nó đã không còn xa lạ với các hoạt động theo kiểu mafia. Các đại gia có thể loại trừ nhau bằng cách thuê sát thủ. Tờ báo cho biết, trên Internet, chỉ cần gõ chữ « Tìm sát thủ », là lập tức xuất hiện 180 000 câu trả lời. Giới nghiên cứu và báo chí đã cảnh báo về khuynh hướng mafia này của xã hội Trung Quốc.

Tờ báo nhận định : Khi mà chuẩn mực đạo đức bị xem thường, và khi người ta không còn lòng tin vào người khác, thì bạo lực bỗng nhiên trở thành cơ chế chính yếu để đảm bảo sự vận hành của xã hội. Khi công chức chỉ có mục tiêu duy nhất là nhận hối lộ, thì không có gì phải ngạc nhiên khi thấy họ hành xử một cách vô lí, bất chấp luật pháp.

Để cứu vãn đạo đức xã hội, có người đã toan nhờ đến uy tín của đức Khổng Tử. Hồi đầu năm nay, nhiều đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Đông đã đề nghị cho dựng tượng ông ngay trung tâm thành phố Quảng Châu. Họ hy vọng có thể nhờ hình ảnh Khổng Tử nhắc nhở mọi người phải biết tôn trọng và gìn giữ đạo đức.

Thế nhưng, Hoàn Cầu thời báo đặt câu hỏi : Liệu chỉ với tượng Khổng Tử, người ta có thể cứu vãn đạo đức xã hội không ?

Bảy vết tử thương của xã hội Trung Quốc

Liên quan đến vấn đề này, trong bài xã luận của mình, Courrier International nhận định, tình hình rất trầm trọng, do vậy, báo chí Trung Quốc mới được phép nhắc đến. Và đặc biệt hơn nữa, là bài viết nêu trên lại là của tờ Hoàn Cầu Thời báo, một trong những cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Trung Quốc.

Theo Courrier International, trong xã hội Trung Quốc, lạm quyền và tham nhũng đã gây ra nhiều hệ lụy : bất công xã hội, tình trạng vô pháp vô thiên, đàn áp, bắt bớ tùy tiện, trưng dụng đất đai cưỡng bức, môi trường ô nhiễm và sự xuống dốc của các dịch vụ công. Với bảy vết thương này, trong tương lai gần, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với sự nỗi dậy của người dân và sự sụp đổ của toàn hệ thống.

Biển Đông và sự thèm khát của Trung Quốc

Tình hình tranh chấp tại Biển Đông tiếp tục thu hút dư luận thế giới. Tuần san Le Nouvel Observateur dành bài phân tích mang tên « Biển Đông : sự thèm khát của Trung Quốc ».

Tận dụng sức mạnh kinh tế đang tăng trưởng mạnh, bị cuốn vào một tham vọng chiến lược, Trung Quốc đang « diễu võ dương oai » trong yêu sách lợi ích với các nước láng giềng.

Tờ báo nhắc lại, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, tàu Trung Quốc đã hai lần tấn công tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam. Theo Bắc Kinh, chiếc tàu bị cắt cáp của PetroVietnam hoạt động trong lãnh hải của Trung Quốc. Trong khi đó, Hà Nội khẳng định, chiếc tàu này bị tấn công khi đang hoạt động trong khu vực hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Từ một năm nay, ngoài rắc rối với Việt Nam, tàu Trung Quốc cũng đụng độ với tàu Nhật Bản và Philippines.

Trong cuộc tranh chấp trên biển này, Bắc Kinh phải đối mặt với Đài Loan, Nhật Bản, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Mỗi nước đều có tuyên bố chủ quyền trên quần đảo Trường Sa, những vùng được xem là có chứa một trữ lượng tài nguyên dầu hỏa khổng lồ. Cuộc tranh chấp này cũng là nguồn gốc của cuộc đụng độ giữa hải quân Việt Nam và Trung Quốc hồi năm 1988.

Hoa Kỳ lấy làm quan ngại về tình hình, do nước này muốn duy trì sự hiện diện ở Thái Bình Dương và do không muốn Biển Đông trở thành « ao của Trung Quốc ». Năm 2010, có 74 000 tàu (với mức vận tải tương đương 1/3 thương mại hàng hải thế giới) đi qua eo biển Malacca. Tuyệt đại đa số các tàu này đã phải đi qua Biển Đông. Vì thế, vấn đề tự do lưu thông hàng hải trở thành « lợi ích quốc gia » của Hoa Kỳ. Năm rồi, ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã khẳng định điều đó tại một diễn đàn an ninh khu vực.

Tờ báo nhắc lại, hồi năm 2002, tại Cam Bốt, các nước có liên quan đã thông qua bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông. Thế nhưng, Trung Quốc ỷ vào sức mạnh quân sự của mình không muốn đàm phán đa phương, và đặc biệt không muốn sự can thiệp của Mỹ, trong khi lại luôn cam kết sẽ không dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp.

Cựu chủ tịch nhà nước Khmer Đỏ sắp hầu tòa

L’Express quan tâm đến vụ án ông Khieu Samphan, cựu chủ tịch nhà nước Khmer Đỏ, sắp bị đưa ra xét xử tại tòa án quốc tế Phnom Penh vào ngày mai, 27/06/2011.

Ở tuổi 79, ông Khieu Samphan cùng với ba nhân vật cao cấp khác của chế độ Khmer Đỏ phải ra hầu tòa. Theo cáo trạng, họ bị buộc tội « Phạm tội ác chiến tranh và tội các chống lại nhân loại ». Cả bốn người điều phủ nhận có liên quan đến việc tra tấn, thảm sát, những thảm họa đã cướp đi tính mạng của gần một phần tư dân số Cam Bốt thời bấy giờ.

Khieu Samphan theo học ở Paris hồi năm 1950. Năm 1959, ông trở về nước với tấm bằng tiến sỹ kinh tế, và lần lượt làm nhà báo, giảng viên, dân biểu, và có khi là bộ trưởng Thương mại của quốc vương Norodom Sihanouk. Năm 1966, trước làn sóng thân Mỹ do tướng Lon Nol lãnh đạo, ông Samphan đã vào hoạt động bí mật. Năm 1973, ông xuất hiện với vai trò là tổng tư lệnh quân đội Khmer Đỏ. Một năm sau đó, ông được bổ nhiệm làm chủ tịch nhà nước Khmer Đỏ. Năm 1998, ông đầu hàng, nhưng vẫn được tự do. Năm 2007, ông bị bắt giam.

Tờ báo cho biết, ông Samphan phủ nhận có liên quan đến những tội ác mà chế độ Khmer Đỏ đã phạm. Lúc đầu, ông còn khẳng định là hoàn toàn không có tội này. Thế nhưng, trong một lần trả lời phỏng vấn cho tờ L’Express vào năm 1979, ông đã thừa nhận « có khoảng vài ngàn người bị giết trong giai đoạn 1975-1979 ». Từ năm 2003, ông lại thay đổi chiến thuật : ông thừa nhận là có xảy ra nạn diệt chủng, nhưng phủ nhận có dính líu bởi cho rằng khi đó, ông đặc trách về ngoại giao.

Tuy nhiên, các sử gia đã bác bỏ lập luận này. Theo họ, ông Khieu Samphan là ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng từ năm 1976, rồi là chủ nhiệm văn phòng đặc trách việc thực thi quyết định chính trị của ban lãnh đạo Đảng, vì thế, ông đã tham gia từ đầu đến cuối quá trình đề ra quyết định dẫn đến cuộc diệt chủng kinh hoàng tại Cam Bốt.

Thiếu niên và các mạng xã hội

Le Figaro dành nhiều bài viết thông tin về sự phát triển của trang Facebook, trong đó có bài cảnh báo « Lứa tuổi 9-13 là lứa tuổi của mọi sự nguy hiểm ».

Tờ báo liệt kê đến 10 lợi ích của Facebook. Bởi quá tiện lợi như vậy, nên dù có luật cấm trẻ em dưới 13 tuổi được tham gia trang mạng xã hội, nhưng thực tế có rất nhiều « » đã rượt rào.

Theo thống kê, tại Hoa Kỳ, nhiều trẻ em đã tham gia Facebook ngay từ cấp một. Còn ở châu Âu, có 38% trẻ em từ 9-12 tuổi đăng ký trang mạng này.

Nguy cơ dành cho trẻ em tham gia Facebook không phải là nhỏ. Vừa rồi, Ủy ban châu Âu đã cảnh báo việc các trang mạng xã hội không bảo vệ tốt cho các trẻ em. Một chuyên gia tâm lý nhận định : « Các trẻ thời tiền vị thành niên là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, đó là lứa tuổi của mọi nguy hiểm ». Các trẻ thường hay « mở rộng cửa » cho bất cứ ai vào thăm trang cá nhân của mình, có khi lại làm quen nói chuyện với người không quen biết về cuộc sống riêng tư của mình, rồi đến việc cho địa chỉ, số điện thoại cho người lạ để kéo theo những cuộc gặp mặt có hại.

Thêm vào đó, một nhà tâm lí cho biết, vào Facebook, để hấp dẫn, người ta phải làm cái gì « là lạ », để tránh nhàm chán, tức phải nói nhiều về bản thân mình, về người khác…Trẻ nhỏ bị lôi vào vòng xoáy này một cách mạnh mẽ.

Theo một chuyên gia mạng từng tham gia nghiên cứu vụ việc, các trẻ nhỏ không ý thức được nhiều về cái mình viết trên Facebook, cái mà có thể phát tán rất dễ dàng.

Liên quan đến giải pháp, chuyên gia trên đề nghị, nên « đi cùng » các em trên Facebook để giải thích cho chúng cách đi đúng hướng.

Hiện tại, mỗi ngày Facebook phải hủy khoảng 20 000 địa chỉ đăng ký của người có độ tuổi dưới 13.

 

Một đặc san về châu Á vừa ra đời tại Pháp

Cuối cùng, chúng tôi xin giới thiệu cùng quý vị một đặc san chuyên về châu Á viết bằng tiếng Pháp vừa được ra mắt hồi đầu tháng sáu này, đó là tập san ASIES.

Giám đốc xuất bản là nhà văn kiêm nhà báo Laurent Passicousset. Đây là một nhân vật không xa lạ gì với Việt Nam, bởi ông đã từng hành nghề nhà báo tại việt Nam suốt 8 năm (1992-2000). Ông rành từng con phố, góc đường của Hà Nội. Ông am hiểu về xã hội Việt Nam. Đặc biệt, tiếng Việt của ông thì không chê vào đâu được. Ông cũng chính là tác giả quyển sách viết bằng tiếng Pháp vừa được xuất bản tại Pháp năm 2010, mang tên « Vivre avec les Vietnamiens » (Sống với người Việt Nam). Đây là một quyển sách tham khảo rất có giá trị, giới thiệu về lối sống, tâm lý của người Việt Nam trong xã hội hiện đại. Tác phẩm này ông thực hiện chung với giáo sư Philippines Papin, một người nổi tiếng trong các nghiên cứu về Việt Nam thuộc trường Viễn đông bác cổ Pháp tại Paris.

Đặc san Asies xuất bản ba tháng 1 lần, và số đầu tiên vừa ấn hành trong tháng 6 này. Với mạng lưới phóng viên sống và làm việc tại các nước Á châu, nên những bài viết có tính thực tiễn cao với những hình ảnh minh họa đa dạng và sống động.

Bước vào thế kỷ 21, như nhiều chuyên gia nhận định, trọng tâm của thế giới dịch chuyển về phía châu Á. Thế nên, giới nghiên cứu và báo giới trên khắp hành tinh ngày càng quan tâm đến châu lục này. Sự ra đời của tạp chí Asies cho thấy tầm quan trọng của châu Á trong xã hội Pháp thời hiện đại. Chia sẽ quan điểm này, trong bài trả lời phỏng vấn cho RFI, ông Laurent Passicousset giải thích nguyên nhân ra đời của tạp chí như sau :

« Đó là một châu lục đang trỗi dậy, và cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn, như vấn đề về môi trường chẳng hạn, những vấn đề mà chúng ta cũng gặp phải. Châu Á không phải là nơi tận cùng thế giới, mà ngược lại đang ở vị trí trung tâm của thương mại toàn cầu. Vì thế, tôi cho rằng, mọi người ai cũng quan tâm, chứ không chỉ riêng các chuyên gia về châu Á ».

Trong số đầu tiên, Asies dành nhiều bài về Việt Nam. Thế nhưng, đáng chú ý nhất là dành trang văn hóa giới thiệu bài viết của một nhà văn trẻ Việt Nam, nhà văn Nguyễn Việt Hà. Bài viết dài đến 5 trang, mang tên « Mon Hanoi » (Hà Nội của tôi), giới thiệu cuộc sống người Hà Nội với nhiều cung bậc khác nhau.

Asies dành trang nhất cho quan hệ Pháp-Trung. Đặc biệt, tờ báo phản ánh về một khu công nghiệp khổng lồ mà Trung Quốc đầu tư tại thành phố Châteauroux thuộc tỉnh Indre miền Trung nước Pháp. Địa điểm này vốn là một căn cứ quân sự của Mỹ trước đây.

Trên trang nhất đăng ảnh một thiếu nữ trẻ Trung Quốc đang hôn khẩu súng trên tay, trong một trang phục khiêu gợi. Thế nhưng, như lời một phóng viên Pháp nhận định : « Đừng để tâm đến nét khiêu gợi của hình ảnh trên trang nhất này, bởi phía sau đó, là cả một tạp chí rất chuyên nghiệp và rất hấp dẫn ».

Hiện tại, bản giấy của Asies đã có mặt ở các sạp báo ở Pháp, còn bản điện tử phải đợi đến tháng 9 tới đây.

Trang nhất các tạp chí Pháp

Le Figaro ưu tiên cho trang mạng xã hội Facebook. Trang nhất tờ báo đăng hình người sáng lập là chàng trai 27 tuổi Mark Zuckerberg cùng với dòng tựa « Tìm hiểu về góc khuất của Facebook ».

Courrier International quan tâm đến xung đột tiềm ẩn trong xã hội Trung Quốc với bài viết : « Điều đe dọa Trung Quốc ». Điều đe dọa ở đây chính là nạn tham nhũng và hối lộ, một hiện tượng nhức nhối đang bào mòn xã hội nước này.

L’Express dành trang nhất chạy tựa lớn : « Điều người Mỹ nghĩ về người Pháp ». Tờ báo cho biết, từ mười năm nay, người dân hai nước đã ngày càng xích lại gần nhau, thế nhưng, vụ ông Dominique Stauss-Kahn, nguyên tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, bị cáo buộc cưỡng dâm xảy đến đột ngột lại tạo ra những khoảng cách mới.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.