Vào nội dung chính
BIỂN ĐÔNG

Philippines sẽ dùng tàu mới mua của Mỹ để tuần tra tại Trường Sa

Quan hệ Philippines – Trung Quốc đã gợn sóng trở lại trên hồ sơ Biển Đông. Hôm nay 15/4, quân đội Philippines cho biết họ dự định sử dụng một loại tàu mới do Mỹ chế tạo để tăng cường tuần tra tại khu vực quần đảo Trường Sa. Thông tin này được đưa ra vào lúc Manila tỏ thái độ cứng rắn hơn trước các đòi hỏi chủ quyền rộng khắp của Bắc Kinh tại vùng Biển Đông.

Một tàu tuần tra loại Hamilton của Hải quân Hoa Kỳ.
Một tàu tuần tra loại Hamilton của Hải quân Hoa Kỳ. DR
Quảng cáo

Theo Chuẩn tướng Jose Mabanta, phát ngôn viên quân đội Philippines, Hải quân nước này có ý định đưa chiếc tầu tuần tra loại Hamilton hiện đại mới mua của Hoa Kỳ trong thời gian gần đây, đến hoạt động tại khu vực Philippines tuyên bố chủ quyền tại quần đảo Trường Sa.

Phát biểu với hãng tin Pháp AFP, tướng Mabanta xác định: "Đó là một trong những khu vực có thể là địa bàn hoạt động của chiếc tàu mới này. Chúng tôi thực sự cần phải bảo vệ an ninh cho lãnh thổ và lãnh hải của chúng tôi, và Trường Sa là của chúng tôi".

Phát ngôn viên quân đội Philippines tiết lộ thêm là một toán lính hải quân Philippines hiện đang tu nghiệp tại Hoa Kỳ để học cách vận hành loại tàu tuần tra mới này, sẽ được giao cho Philippines vào tháng Sáu tới đây.

Theo Hải quân Mỹ, tầu Hamilton là một loại tuần tra có khả năng di chuyển đường trường, được trang bị hệ thống vũ khí thuận tiện cho việc cận chiến. Loại tàu này như vậy sẽ góp phần tăng cường hiệu năng của Hải quân Philippines, vốn chỉ có một đội tàu rất nhỏ và cũ kỹ so với Trung Quốc.

Hạm đội Philippines chủ yếu bao gồm các chiến hạm cũ do Mỹ thải ra và được tân trang lại. Soái hạm của hải quân Philippines chẳng hạn, là chiếc Rajah Humabon, một khu trục hạm hộ tống loại Cannon đã được đóng từ Thế chiến II, và hiện là một trong chiến hạm cũ nhất trên thế giới còn đang hoạt động.

Philippines ngày càng cảm thấy cần phải gia tăng sự hiện diện tại vùng quần đảo Trường Sa, trong bối cảnh họ bắt đầu bị Trung Quốc chèn ép trở lại cho dù đã cố tránh làm phật ý Bắc Kinh. Vụ việc nổi cộm nhất xẩy ra vào tháng trước, khi tàu tuần tra Trung Quốc đã tiến vào vùng biển tranh chấp Reed Bank gần quần đảo Trường Sa để dọa nạt một chiếc tàu thăm dò dầu khí cho Philippines.

Manila đã lên tiếng chính thức phản đối hành vi sách nhiễu đó, trước khi có một loạt động thái cứng rắn hơn : loan báo tiếp tục thăm dò dầu khí tại vùng bị Trung Quốc tranh chấp, nâng cấp sân bay quân sự trên một hòn đảo đang do Philippines kiểm soát, và gần đây nhất là chính thức gởi văn thư lên Liên Hiệp Quốc bác bỏ tấm bản đồ chủ quyền hình ‘’lưỡi bò’’ mà Bắc Kinh đã công bố để xác định chủ quyền của Trung Quốc trên khoảng 80 % vùng Biển Đông.

Bất chấp phản ứng của Philippines, Trung Quốc vẫn tiếp tục đòi hỏi độc quyền của họ trên toàn bộ các vùng đang tranh chấp và vùng biển liền kề. Vào hôm qua, một lần nữa, Bắc Kinh lại lên tiếng cho rằng hành động phản đối của chính quyền Manila là điều không thể chấp nhận được.

Nhân cuộc họp báo thường kỳ, ông Hồng Lôi, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố thẳng thừng: "Chính quyền Trung Quốc không thể chấp nhận nội dung thư ngoại giao mà chính phủ Philippines đã đệ trình lên Liên Hiệp Quốc."

Lý do mà Bắc Kinh đưa ra cũng vẫn là : "Chủ quyền của Trung Quốc, các quyền liên quan và quyền quản lý hành chính tại Biển Đông đều bắt nguồn từ lịch sử và dựa trên các cơ sở pháp lý." Lập luận này đã từng bị biết bao nhà khoa học và nghiên cứu quốc tế phản bác, tuy nhiên cho đến nay vẫn thường xuyên được Trung Quốc nhắc đi nhắc lại nhiều lần.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.