Vào nội dung chính
Tạp chí khoa học

Kiểm soát hiểm họa hạt nhân : Các câu hỏi từ khủng hoảng Fukushima

Đăng ngày:

Chính phủ Nhật  vừa công nhận thời gian khắc phục cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima có thể sẽ còn kéo dài. Mức độ nghiêm trọng và khả năng khó dự đoán của hiểm họa Fukushima đè nặng lên Nhật Bản, những nước láng giềng, và tất cả những nơi nào hạt nhân đang được sử dụng như một nguồn cung cấp năng lượng. Làm thế nào để nhận diện được hiểm họa, và xác định được chính sách hợp lý về việc kiểm soát các hiểm họa hạt nhân?

Cấp cứu những người làm việc tại Fukushima bị trúng tia phóng xạ, tại bệnh viện trường Đại học Y Fukushima, 24/3/2011.
Cấp cứu những người làm việc tại Fukushima bị trúng tia phóng xạ, tại bệnh viện trường Đại học Y Fukushima, 24/3/2011. REUTERS/Yomiuri Shimbun
Quảng cáo

Từ hàng chục năm nay, đối diện với việc trái đất nóng lên có nguy cơ không kiểm soát nổi, vấn đề hạt nhân gần như ít được đụng chạm đến, trong bối cảnh nhân loại đang cố gắng tìm kiếm các loại hình năng lượng ít gây hiệu ứng nhà kính. Điện hạt nhân đã được nhiều nước chấp nhận như một giải pháp hợp lý, tương đối an toàn, tiết kiệm và được coi là ít gây ô nhiễm. Tuy nhiên, 25 năm sau Tchernobyl, hiểm họa hạt nhân tại Nhật Bản, là một minh chứng rõ ràng cho việc năng lượng hạt nhân không phải là an toànđang diễn ra tuyệt đối, cho dù công nghệ có cao đến mức nào. Và một tai biến hạt nhân, một khi đã xảy ra, thì những tác hại của nó sẽ vô cùng khó kiểm soát.

Trong tuần qua, đài phát thanh quốc tế Pháp đã tổ chức nhiều cuộc tọa đàm và trả lời các câu hỏi của thính giả cùng với các chuyên gia y tế, các nhà nghiên cứu khoa học xã hội, nhà hoạt động chính trị và nhà tư vấn năng lượng và chính sách hạt nhân, cũng như các nhà quản lý về vấn đề an toàn hạt nhân. Sau đây, xin mời quý vị theo dõi một số trong các vấn đề chính được rút ra từ các cuộc trao đổi này.

Bên cạnh những câu hỏi liên quan tác động của phóng xạ và sự lây nhiễm hạt nhân đến sức khỏe con người nói chung, như đã được trình bày trong Tạp chí Khoa học về chủ đề tác động của hạt nhân đến sức khỏe con người cách đây 2 tuần, sự chú ý gần đây được đặc biệt tập trung hướng về các vấn đề như sau : (1) Những nguy cơ vô hình trung hạn và dài hạn không được tính đến của tia và bụi phóng xạ hạt nhân, (2) Tác động của phóng xạ hạt nhân đến nhóm các cư dân hoạt động trong lĩnh vực điện hạt nhân, bao gồm trước hết là hàng chục nghìn nhân viên làm thuê cho những nhà thầu, chịu trách nhiệm khai thác và bảo dưỡng các lò phản ứng điện hạt nhân và (3) Khả năng kiểm soát các nguy cơ trong điện hạt nhân hiện nay.

Hiểm họa đo được và hiểm họa « vô hình » của phóng xạ hạt nhân

Tiếp tục đánh giá về mức độ nguy hại của bụi phóng xạ tại Nhật Bản bên ngoài khu vực phải sơ tán, giáo sư André Aurengo - bác sĩ chuyên khoa về y học hạt nhân, trưởng khoa điều trị y học hạt nhân của bệnh viện Pitié-Salpêtrière (Paris) cho rằng liều lượng phóng xạ hiện nay tại các khu vực cách xa Fukushima không đáng lo ngại và sẽ chỉ kéo dài trong vài tuần lễ. Về mức độ nguy hiểm đối với các khu vực dân cư gần đó, ra lệnh sơ tán vào thời điểm nào và tại những vùng nào, bác sĩ André Aurengo cho rằng cần rút kinh nghiệm của Tchernobyl. Không nên ra lệnh sơ tán quá muộn, đến nỗi cư dân rơi vào nguy hiểm, cũng như không ra lệnh tràn lan, gây ra những thảm họa nhân sinh mới khó lòng đền bù lại được, như việc mất công ăn việc làm, mất địa bàn sinh sống quen thuộc. Sơ tán như thế nào thì đúng, bác sĩ André Aurengo cho rằng :

"Tôi cho rằng điều này phụ thuộc vào chính quyền Nhật Bản. Cần phải chú ý rằng, sự lan truyền của bụi phóng xạ trong trường hợp này rất khác nhau tùy theo từng vùng một. Mức độ nhiễm bụi phóng xạ phụ thuộc vào lượng gió, cũng như lượng mưa, vân vân. Như vậy, cần phải xác định quy mô và địa điểm phải sơ tán dựa trên một cơ sở dữ liệu khoa học và tiến hành các đo lường để thấy được các tác động cụ thể của chất phóng xạ đến con người ».

Trong tạp chí Khoa học cuối tháng 3, chúng tôi đã dẫn lại ý kiến nhiều chuyên gia cho rằng, phóng xạ ở mức độ thấp dưới 100 mSv tác động không đáng kể đến sức khỏe. Tuy nhiên, bà Annie Thébaud-Mony, nhà xã hội học, giám đốc nghiên cứu danh dự của Viện INSERM, chuyên gia về các vấn đề sức khỏe lao động, thì lại rất lưu ý đến phần rất khó quan sát thấy trong các ảnh hưởng của phóng xạ hạt nhân. Phóng xạ có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng, bên cạnh các yếu tố quan sát được như các đám mây, bụi, khí, hơi. 

Theo bà Thébaud-Mony, những nghiên cứu cho thấy, chỉ cần nhận phải 20 mSv trong suốt cuộc đời nghề nghiệp, là khả năng bị các loại ung thư (như ung thư phổi, ung thư máu, …) ít nhất sẽ tăng gấp đôi. Bà cho biết:

« Nếu như lượng phóng xạ ở mức độ thấp, thì ít nhất nó cũng để lại ba loại hậu quả lâu dài. Thứ nhất là, những người này có nguy cơ mắc các chứng bệnh ung thư từ 10 năm đến 40 năm sau đó. Hậu quả thứ hai là về tim mạch và thứ ba là về mặt di truyền. Như vậy, ở mức độ liều thấp, ảnh hưởng của phóng xạ đến con người trải dài suốt cả đời. Điều không may là, hiện nay, việc quản lý các thống kê về sức khỏe công cộng ở trong tình trạng kém cỏi. Vì vậy khó lòng đánh giá đúng được các hậu quả của một thảm họa hạt nhân, cụ thể như trong tác động của thảm họa Tchernobyl. Hạn chế này khiến cho chúng ta không rút ra được các bài học thực sự từ thảm họa đã xảy ra. Tuy nhiên, cũng có thể thấy rõ mức độ thiệt hại qua việc, tuổi thọ bị suy giảm tại hai nước Ukraina và Bielorussia, là hai quốc gia nằm tại khu vực gần thảm họa. »

Sức khỏe tinh thần của người bị nhiễm phóng xạ - một vấn đề ít được chú ý

Khía cạnh sức khỏe tinh thần là điều thường ít được chú trọng trong nhiều nghiên cứu về tác động của phóng xạ, bà Helena Hirata, nhà xã hội học, giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Khoa học Quốc gia Pháp, thuộc đơn vị nghiên cứu Giới, Lao động và sự Năng động xã hội, cho biết, bà lo ngại cho sức khỏe tâm trí của những người đang phải tạm trú tại các trung tâm tỵ nạn Nhật Bản. Bà nói :

« Các bà mẹ rất lo lắng vì các ứng xử của con cái. Nhiều người nói rằng, con cái họ không còn vẽ các bức tranh thực sự nữa, chúng chỉ dùng màu bôi bác nguệch ngoạc. Chúng bôi màu đen là chính và không còn sử dụng các màu sáng như màu hồng. Và đặc biệt là những người bị mất cha mẹ, con cái, anh chị em, bạn bè thân thiết, thầy cô giáo trong thảm họa động đất và sóng thần vừa qua. Phải nói rằng sự chăm sóc về tâm lý là đặc biệt quan trọng đối với hàng trăm nghìn nạn nhân của động đất sóng thần, cũng như những quân nhân, lính cứu hỏa, những người lao động làm thuê cho các nhà thầu tại nơi xảy ra tai nạn hạt nhân ».

Chuyên gia Annie Thébaud-Mony, lưu ý đến các nghiên cứu của nhà xã hội học Paul Jobin, chuyên nghiên cứu về những người lao động làm việc tại các trung tâm điện hạt nhân Nhật Bản, đặc biệt là tại nhà máy Fukushima 1, nơi đang xảy ra thảm họa. Theo bà, có thể vì chúng ta đã quá tập trung vào sự nguy hiểm của các chất phóng xạ, mà coi nhẹ tình trạng tâm lý của những người đang làm việc trong các điều kiện cực kỳ nguy hiểm hiện nay. Khi một trung tâm hoạt động bình thường thì không có vấn đề gì, nhưng trong tình trạng tai biến như hiện nay tại Fukushima, rõ ràng là nhiều người đã phải hy sinh mạng sống của mình trong môi trường phóng xạ rất cao.

Bà cho biết mức độ nguy hiểm là rất lớn mà những người làm việc trực tiếp trong khu vực có tia xạ phải chịu,  dù họ có mang trang bị bảo hộ.

« Mặc dù, trên thực tế, người lao động tiếp xúc với các nguồn phóng xạ trực tiếp, có các trang bị bảo hộ trên người, tuy nhiên khi cởi bỏ quần áo bảo hộ ra, họ có nguy cơ bị dính chất phóng dạ trên da, trên mặt, hoặc trên tóc. Sự cách ly này, như vậy, không phải là tuyệt đối. Tùy theo chất liệu phóng xạ mà các nguy cơ đối với cơ thể là khác nhau. Nhất là tại lò phản ứng thứ 3, nơi có chứa hỗn hợp có tên gọi MOX, tức là hợp chất có chứa plutonium, được nhập từ Pháp vào Nhật. Bụi phóng xạ của plutonium vô cùng đáng sợ. Hợp chất chứa plutonium có thể gây tử vong ngay lập tức.

Làm việc trong môi trường phóng xạ ở mức độ mạnh, tức là từ 100 – 150 mSv trở lên, có thể khiến cho các tế bào bị phá hủy trực tiếp, mức độ nguy hại tùy theo việc bộ phận nào trong cơ thể bị nhiễm xạ. Người bị nhiễm ở mức độ cao này, ngay lập tức, hay sau đó vài tuần, sẽ cảm thấy mệt mỏi toàn thân. Họ có thể bị bỏng, bị các rối loạn chức năng gây tử vong, như rối loạn chức năng phổi, gan hay tiêu hóa... »

Khủng hoảng Fukushima buộc Pháp phải xét lại toàn bộ vấn đề an toàn hạt nhân

Trước hết, cuộc khủng hoảng Fukushima buộc các nước Châu Âu nói chung, và Pháp nói riêng phải xem xét lại toàn bộ vấn đề an toàn hạt nhân. Hiện tại, theo yêu cầu của Thủ tướng Pháp, Cơ quan An toàn Hạt nhân (ASN), có thể gọi là « cảnh sát hạt nhân » của Pháp được thành lập vào năm 2006, sẽ phải tiến hành thẩm định lại ngay trong tháng này 58 lò phản ứng hiện có của Pháp, xem có an toàn hay không. Chủ tịch ASN André-Claude Lacoste cho biết 5 vấn đề sẽ được thẩm tra : khả năng chịu đựng động đất, lũ lụt, bị mất nước, mất điện và khả năng đối phó khủng hoảng.

Mặc dầu, an toàn hạt nhân tại Pháp được đánh giá cao bởi cơ quan theo dõi trực tiếp là ASN, cũng như trung tâm nghiên cứu và thông tin độc lập Criirad, việc cần phải có một loại hình kiểm soát mới đối với an toàn hạt nhân tại Pháp, cũng đang bắt đầu được tranh luận một cách rộng rãi.

RFI phỏng vấn Nghị sĩ Christian Bataille, thuộc đảng Xã hội, tác giả của nhiều báo cáo về điện hạt nhân tại quốc hội Pháp, được coi là một trong những người ủng hộ nhiệt tình nhất đối với năng lượng hạt nhân. Nghị sĩ Bataille cho biết không loại trừ các nhân nhượng trong việc giảm bớt điện hạt nhân tại Pháp. Mặc dù không ủng hộ một cuộc trưng cầu dân ý về hạt nhân tại Pháp, nghị sĩ Bataille cho rằng :

« Nên có các cuộc tranh luận về vấn đề này, đặc biệt vào thời điểm vừa xảy ra thảm họa tại Nhật Bản. Cuộc tranh luận này là cần thiết vì đáp ứng những lo ngại của xã hội trước một thảm họa hạt nhân do trận động đất và sóng thần gây ra. Tôi xin nhấn mạnh là thảm họa này xảy ra là do các biến động của vỏ trái đất.

Về vấn đề này, lập trường của đảng Xã hội không phải là ủng hộ hạt nhân một cách mù quáng. Chúng tôi sẵn sàng chấp nhận việc giảm bớt tỷ trọng điện hạt nhân. Đây là điều hoàn toàn có thể sẽ xảy ra, tuy nhiên sẽ là hoàn toàn vô trách nhiệm nếu như chúng ta quyết định đóng cửa ngay lập tức các nhà máy điện hạt nhân ».

Thái độ của nghị sĩ đảng Xã hội thật ra thể hiện những chuyển biến mới trong công luận Pháp. Ngày hôm qua, theo một điều tra dư luận do Ifop thực hiện cho nhật báo Nước Pháp buổi tối (France Soir), 83% người được hỏi đã đồng ý với giả định, cần phải giảm một cách đáng kể tỷ trọng của điện hạt nhân tại Pháp trong vòng 20 đến 30 năm tới.

Tuy nhiên, vấn đề nghiêm trọng nhất trong an toàn hạt nhân ở Pháp không phải là động đất, mà chính là chế độ bảo hiểm bệnh tật nghề nghiệp đối với khoảng 20.000 nhân viên làm thuê cho các nhà thầu (tiếng Pháp gọi là "sous-traitant"). Đây là nhận định của ông Michel Lallier, một nhà hóa học về hưu, khi trả lời phỏng vấn RFI. Ông Lallier từng làm việc cho nhà máy hạt nhân Chinon và đại diện của nghiệp đoàn CGT tại Cao ủy về sự minh bạch và về thông tin liên quan đến an toàn hạt nhân Pháp.

Nhân viên kỹ thuật làm thuê cho nhà thầu chịu nhiều thiệt thòi

Một hoạt động cơ bản trong lĩnh vực điện hạt nhân là việc bảo trì. Đây là các lao động được thực hiện trong môi trường phóng xạ, ngay cả ở Pháp. Tại Pháp, có khoảng từ 20 đến 30 nghìn người "sous-traitant" làm việc như thế. Những người này làm việc theo từng giai đoạn trong năm, nhằm kiểm tra, bảo dưỡng các lò máy điện. Công việc này thường bao gồm cả việc tẩy rửa bụi phóng xạ và các can thiệp kiểm tra thay thế các van, các gioăng, các ống dẫn. Tại Pháp, những người lao động này phải chịu đến 80% tổng cộng lượng phóng xạ bị nhiễm hàng năm. Những người này không có cùng một địa vị, lương bổng và bảo hiểm như những người trong biên chế, và đặc biệt là họ rất ít được theo dõi về mặt y tế. Nhà nghiên cứu về lao động và sức khỏe Annie Thébaud-Mony chỉ ra hai bất cập trong bảo hiểm bệnh tật nghề nghiệp đối với những người làm việc trong môi trường phóng xạ cao.

« Hiện nay, chế độ xã hội đối với những người lao động làm thuê cho nhà thầu đã có một số thay đổi so với những năm 1990. Đặc điểm của những người này là họ phải tiếp nhận vào người một lượng phóng xạ trực tiếp rất cao trong một thời gian ngắn. Cơ quan y tế công nhận liều phóng xạ mà những người này bị nhiễm, nhưng điều bất cập là liều bị nhiễm được tính theo đơn vị năm. Tính theo đơn vị thời gian nào, trên phương diện y học là rất khác nhau. Tác động của phóng xạ đến những người nhận được một lượng tương đương, nhưng với liều rất nhỏ và trải đều ra trong một thời gian dài rất khác so với những người phải chịu cùng một lượng, nhưng tập trung trong thời gian ngắn.

Và còn một điều nữa liên quan đến việc quản lý công việc dựa trên lượng phóng xạ bị nhiễm, có nghĩa là một tổ chức có nhiệm vụ kiểm soát làm sao, không để cho những người làm việc trong môi trường này bị nhiễm phóng xạ quá liều cho phép.

Tuy nhiên, có những ví dụ cho thấy, thực tế rất khác so với các tiêu chuẩn chính thức được đưa ra. Cách đây khoảng 2 tuần, trong một bài báo trên Le Monde, một người lao động sau 28 năm làm việc trong ngành này, đột ngột phát hiện ra mình bị mắc bệnh ung thư phối. Ông được Quỹ bảo hiểm y tế công nhận là bị nhiễm tia xạ. Như vậy, người này đã bị nhiễm một lượng phóng xạ trong suốt một đời làm việc là 316 mSv, có nghĩa là cao hơn 15 lần so với tiêu chuẩn của một nhân viên làm việc cho EDF. Rõ ràng chúng ta có trước mặt một trường hợp tiêu biểu cho việc một nhóm người đã bị hy sinh trong môi trường lao động nguy hiểm này. Chúng ta biết rằng tỷ lệ mắc bệnh ung thư của nhóm những người làm thuê cho các nhà thầu, là cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ bệnh này trong nhóm những người thuộc biên chế của EDF. »

Nhà xã hội học Helena Hirata chia sẻ quan điểm kể trên đối với vấn đề những người làm thuê cho các nhà thầu trong lĩnh vực điện hạt nhân, trong trường hợp Nhật Bản :

« Tôi cho rằng tình trạng những người làm thuê cho các nhà thầu tại Nhật là rất quan trọng, vì đã từ lâu các công ty Nhật sử dụng rất nhiều người làm thuê, nhiều hơn hẳn so với các nước khác. Những người này hoàn toàn không có vị trí gì và không được hưởng các phúc lợi nghề nghiệp gì cả. Chỉ có những người thuộc biên chế mới được hưởng các ưu đãi, mà số người có biên chế thì rất ít. Hiện nay, trong bối cảnh tai nạn hạt nhân xảy ra, công ty đề nghị trả lương rất cao, tới 300 000 yen/một ngày, tương đương với 3 000 euro, cho những người nào nhận làm việc tại Fukushima. Đây là một khoản tiền rất lớn so với lương của một người là lao động chính trong gia đình. Có thể nói, đây là cái giá trả cho một mạng sống. Tuy nhiên, cũng chính vì tiền lớn như vậy, mà sau đó, khi đã nhận rồi, thì người ta không có quyền từ chối làm các công việc được phân công. Tôi cho rằng hiện nay, các tổ chức phi chính phủ đang làm việc rất tích cực để cung cấp đầy đủ các thông tin về những người làm thuê đang phải chấp nhận làm các công việc nguy hiểm tại Fukushima ».

Bài học 11/9  và kỷ nguyên "hậu Fukushima"

Theo ông Mycle Schneider, nhà tư vấn quốc tế độc lập về năng lượng và chính sách hạt nhân, sự kiện ngày 11/9/2001 đã thay đổi hoàn toàn cách nghĩ vốn có của chúng ta. Sau tháng 9/2001, ông nhận thấy rằng, nếu như có khả năng khủng bố, thì các bể làm lạnh nhiên liệu hạt nhân chính là các mục tiêu tấn công hàng đầu. Khoảng 10.000 tấn nhiêu liệu nằm tại các bể làm lạnh, mà các bể này hoàn toàn không được bảo vệ gì cả. Như vậy, theo ông Mycle Schneider, tại Pháp, người ta vẫn chưa hề rút ra bài học của vụ khủng bố 11/9. Trước mắt, không cần phải có kiểm định thanh tra gì, cũng có thể thấy điều phải làm ngay trước mắt là đưa toàn bộ lượng nhiên liệu này vào bảo quản trong các nơi chứa an toàn.

Lo ngại của nhà tư vấn Mycle Schneider tập trung vào chất plutonium, được coi là rất nguy hiểm, vừa vô cùng độc và vừa rất dễ rơi vào tay quân khủng bố. Chỉ cần vài kilogramme plutonium là đủ chế một quả bom hạt nhân. Theo ông Mycle Schneider, trình độ công nghệ hiện tại không cho phép sử dụng nhiên liệu này một cách thực sự an toàn.

« Bởi vì, hiện tại ở Pháp chưa có lò phản ứng thế hệ mới, nên người ta quyết định đưa nhiên liệu plutonium vào các lò phản ứng bình thường. Có khoảng 20 lò được sử dụng như vậy, trên tổng số 58 lò trên toàn nước Pháp. Các lò này, từ ít lâu nay, bắt đầu sử dụng đến 30% nhiên liệu bằng plutonium. Việc sử dụng nhiên liệu plutonium làm cho việc quản lý lõi của lò phản ứng trở nên phức tạp hơn, điều này cũng gây khó khăn cho việc bảo vệ người lao động trước tia xạ. Plutonium trong trạng thái lạnh đã có lượng phóng xạ rất cao, chưa kể khi chúng đi vào hoạt động. Để có một ý tưởng về tính chất khó kiểm soát của loại nhiên liệu, mới bắt đầu được ưu tiên sử dụng này, ta có thể so sánh nó với nhiên liệu uranium truyền thống, plutonium cần thời gian để làm lạnh nhiều hơn 100 năm so với uranium. »

Theo ông, trước tình hình nguy hiểm như hiện nay tại Fukushima, cộng đồng quốc tế nên thành lập ra một nhóm công tác đặc biệt. Nhóm này bao gồm tất cả những bộ óc xuất sắc nhất trên thế giới, trong tất cả các lĩnh vực bị ảnh hướng, như nước, vật lý hạt nhân, hệ thống kỹ thuật. Người Nhật có một niềm tự hào kiêu hãnh riêng, nhưng nếu quốc tế huy động được các nhóm chuyên gia hàng đầu, thì chắc chắn người Nhật sẽ khó lòng từ chối. Hiện tại, theo ông, mới chỉ có sự hợp tác song phương của Nhật với một nước khác, và các hợp tác này chỉ mang tính thời điểm. Rõ ràng cần phải thay đổi cách làm này. 

Điện hạt nhân - công nghệ không dễ dàng với các nước đang phát triển

Bài học Fukushima rất được Pháp và các cường quốc hạt nhân dân sự quan tâm. Tuy nhiên, Fukushima còn là lời cảnh báo đối với các quốc gia đang phát triển, hiện đang hy vọng chinh phục loại năng lượng đặc biệt này. Đây là một tham vọng chứa đầy nguy cơ. Ông Christian Bataille, nghị sĩ đảng Xã hội bình luận :

« Công nghệ hạt nhân là một công nghệ hết sức tinh vi. Công nghệ này chỉ có thể phát triển được tại các quốc gia có một nền công nghệ tiên tiến. Tôi hoàn toàn phản đối việc phố biến loại công nghệ này một cách rộng rãi trên toàn thế giới. Chúng ta phải hết sức thận trọng. Hiện nay, chúng ta đã thấy Nhật Bản, một quốc gia hết sức phát triển về công nghệ, nhưng cũng không kiểm soát nối các hậu quả, một khi thảm họa xảy ra. »
 

Một số bài liên quan

Fukushima gây thêm khó khăn cho cuộc đấu tranh chống biến đổi khí hậu

Việt Nam nên dừng chương trình điện hạt nhân

Phóng xạ hạt nhân tác động thế nào đến sức khỏe ?

Việt Nam cần xét lại chính sách phát triển điện hạt nhân

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.