Vào nội dung chính
CHÂU Á - NHẬT BẢN - NGUYÊN TỬ

Fukushima thải ra biển hơn 11 ngàn tấn nước nhiễm phóng xạ

Khoảng 11 500 tấn nước bị nhiễm phóng xạ được đổ ra Thái Bình Dương. TEPCO bắt buộc phải làm việc này để có thể tiến hành khai thông khu vực các lò hạt nhân và phòng máy, cho phép các chuyên gia vào khắc phục các sự cố tại đây.

REUTERS/Japan Maritime Self-Defence Force/
Quảng cáo

Theo giải thích của tập đoàn TEPCO, việc tháo xả hơn 11 tấn nước bị nhiễm phóng xạ này không ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Bởi vì một người lớn chỉ hứng chịu mức độ phóng xạ khoảng 0,6 millisievert trong một năm nếu tiêu thụ hàng ngày các loại tảo và hải sản trong vùng. Trong môi trường tự nhiên, con người bị phóng xạ ở mức 2,4 millisievert mỗi năm.

Trận động đất ở cường độ 9 trên bậc thang Richter, ngày 11/03 đã gây ra sóng thần với những đợt sóng cao 14 mét đổ ập vào khu nhà máy điện hạt nhân Fukushima, nằm sát bờ biển Thái Bình Dương. Toàn bộ hệ thống điện và bơm nước làm nguội của sáu lò phản ứng trong nhà máy bị hỏng. Các thanh nhiên liệu trong bốn lò, từ số 1 đến số 4 bắt đầu bị nóng chảy và gây ra những vụ nổ, hỏa hoạn, nhả khói nhiễm phóng xạ lên không trung.

Để ngăn chặn một thảm họa có thể còn lớn hơn Tchernobyl, các lực lượng cứu hỏa, binh sĩ và nhân viên kỹ thuật Nhật Bản ngày đêm bơm nước vào khu tâm lò để làm nguội các thanh nhiên liệu. Do khu nhà máy bị nổ vỡ, khối lượng nước bị nhiễm phóng xạ này tràn ngập phòng máy, các đường hành lang bên trong.

Phát ngôn viên TEPCO cho biết nước trong phòng máy, đặc biệt là ở lò số 2 bị nhiễm phóng xạ cao, với mức độ hơn 1000 millisievert mỗi giờ, rất nguy hiểm đối với sức khỏe con người.

Do vậy, cần phải hút số nước này vào các bể chứa thì các chuyên gia mới vào được bên trong để khắc phục mạng điện và hệ thống máy bơm làm nguội lò. Thế nhưng, các bể chứa lại đang có nước phóng xạ, cần phải tháo đổ 11 500 tấn nước ra biển để lấy chỗ chứa.

Mặt khác, trong những ngày qua, một khối lượng nước phóng xạ cao ở lò số 2 bị thất thoát ra ngoài và hiện nay, các chuyên gia vẫn đang tìm cách hàn gắn vết nứt giếng.

Ngày hôm nay (04/04/11), ở Bangkok, Thái Lan, tại vòng thương lượng về biến đổi khí hậu, đại diện chính quyền Tokyo cho biết thảm họa thiên tai cũng như sự cố hạt nhân Fukushima sẽ tác động đến chính sách chống biến đổi khí hậu và giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Nhật Bản.

Theo giới chuyên gia thì sự kiện này không chỉ có ảnh hưởng tại Nhật Bản mà còn đối với cuộc đấu tranh chống biến đổi khí hậu trên toàn thế giới.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.