Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Đồng tiền Trung Quốc lật đổ đồng đô la Mỹ : Một ảo vọng

Nhân khóa họp Quốc hội kết thúc ngày 14/03/2011, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã tuyên bố sẽ ưu tiên tăng cường vai trò quốc tế của đồng yuan (nguyên), tức là đồng nhân dân tệ, bằng hai hướng : mở rộng việc dùng đồng yuan trong mậu dịch và đầu tư xuyên biên giới và tạo cơ sở giúp cho đơn vị tiền tệ của Trung Quốc chuyển đổi tự do.

Reuters
Quảng cáo

Quan điểm hung hăng đòi dùng đồng nhân dân tệ để « đánh đổ đồng đô la Mỹ » từng được ông Từ Vận Hồng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp Hành Trung Ương đảng Cộng sản Trung Quốc nêu bật trong một bài viết đăng trên tạp chí lý luận Cầu Thị ngày 12/02/2011.

Là người thường xuyên theo dõi hồ sơ này, ông Ngô Nhân Dụng, bình luận gia báo Người Việt tại California, đã cho rằng vị trí thống trị của đồng đô la Mỹ trên trường quốc tế sẽ còn tồn tại lâu dài, và ngay cả khi có thay đổi, thì đơn vị tiền tệ lên thay sẽ không phải là đồng yuan của Trung Quốc.

08:03

Nhà báo Ngô Nhân Dụng tại California

'' Hiện giờ thế giới đang dùng đồng đô la như đồng tiền chung của tất cả mọi người. Dù là ở Nam Mỹ hay Bắc Phi, Á châu, khi buôn bán với nhau, người ta thường thanh toán với nhau bằng đồng đô la. Và các nước khi dự trữ ngoại tệ, họ cũng dùng đồng đô la làm tiền dự trữ chính.

Trên thế giới số đồng tiền của các quốc gia có thể được dùng để buôn bán giữa các nước, và dùng làm dự trữ ngoại tệ không có nhiều : Đồng đô la là thứ nhất, đồng euro của Âu châu là thứ 2, sau đó là đồng yen của Nhật Bản, và một số đồng tiền mạnh khác, thí dụ như tiền franc của Thụy Sĩ chẳng hạn.

Khi các nước dùng đồng tiền gọi là ‘’quốc tế’’ đó, họ biết là lúc nào giá trị của nó cũng được bảo vệ, và rất dễ đem đổi sang bất cứ đồng tiền nào khác trên thế giới trong việc mua bán.

Hiện nay, vị trí đồng nguyên rất yếu trong phạm vi giao dịch thế giới bởi vì trước tiên hết là chính quyền Trung Quốc hiện chưa cho phép đồng nguyên được trao đổi tự do. Có nghĩa là ở bất cứ nước nào, ai giữ đồng nguyên trong tay mà muốn sử dụng đồng tiền đó, thì chỉ dùng được đồng tiền đó với Trung Quốc mà thôi, chứ không phải là 2 nước ở Phi châu, buôn bán với nhau mà có thể dùng đồng nguyên trả cho nhau, hay là một nước Á châu mua hàng của một nước Nam Mỹ, thì cũng không thể nào dùng đồng nguyên được mà phải trả bằng đồng đô la hay euro.

Từ giữa thế kỷ 20 đến giờ, đồng đô la Mỹ vẫn giữ vai trò của một đồng tiền gọi là đồng tiền bá chủ thế giới đó. Muốn thay đổi vai trò đó của đồng đô la, thì người ta phải đợi nửa thế kỷ nữa mới có thể làm được, và khi thay đổi thì đồng tiền sẽ lên thay đồng đô la cũng chưa chắc là đồng nguyên.'''

RFI : Do đâu đồng tiền của Trung Quốc chưa thể đóng được vai trò của một đồng tiền quốc tế ?

'' Là bởi vì hiện nay chính sách của Trung Quốc là vẫn gắn chặt đồng nguyên vào đồng đô la. Họ không muốn thay đổi hối suất của đồng nguyên đối với đồng đô la. Chính phủ Mỹ, người ở trong Quốc hội cũng như trong chính quyền, cứ luôn luôn kêu gào là Trung Quốc phải thả nổi đồng nguyên, đừng gắn chặt vào đô la như vậy, và chính chính phủ Trung Quốc lại chống lại cái ý định đó. Họ vẫn giữ chính sách gắn đồng đô la vào đồng nguyên.

Thành ra ý kiến của ông Từ Vận Hồng, có thể là một lời ước ao, rất dài hạn của những người Trung Quốc muốn nâng cao vị trí của đất nước trên thế giới. Thế nhưng, trong thực tế , hiện giờ điều đó hoàn toàn ngược lại với đường lối của chính phủ Trung Quốc tại vì chính phủ Trung Quốc luôn luôn gắn đồng nguyên vào đồng đô la và thứ nữa là họ muốn giữ cho đồng nguyên có một giá trị rất thấp trong khi trên thực tế nó có thể có một giá trị rất cao.'''

RFI : Vì sao Trung Quốc lại muốn "ghìm giá" đồng tiền của họ như vậy ?

Việc Trung Quốc bảo vệ giá trị thấp của đồng nguyên là do nhu cầu kinh tế của họ. Họ muốn đồng nguyên rẻ, như vậy hàng hoá của Trung Quốc bán ra nước ngoài cũng được rẻ đi. Nếu đồng nguyên lên giá, khi bán ra nước ngoài, giá hàng cũng sẽ tăng và như vậy hàng xuất cảng của Trung Quốc sẽ bị giảm đi.

Cơ cấu kinh tế hiện nay của Trung Quốc buộc nước này phải sống nhờ vào xuất cảng. Họ hiện không phát triển được thị trường nội điạ để tiêu thụ hàng hoá của họ. Họ vẫn còn dựa vào xuất cảng. Tất cả những con số chúng ta nghe nói về sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, đã sản xuất được thêm bao nhiêu hàng, đã xây được thêm bao nhiêu nhà máy... toàn bộ chính sách của họ, tăng trưởng kinh tế, đều dựa trên xuất cảng, chứ chưa dựa trên sự tiêu thụ của dân chúng trong nội địa. Và chính sách đó nằm trong cơ cấu chính trị của Trung Quốc.'''

RFI : Xin ông nói rõ hơn về cái cơ cấu chính trị-kinh tế đó ?

'' Hiện nay đảng Cộng sản đang cầm quyền, và chính sách hiện có thể nói là khai thác hoặc là bóc lột sức lao động của người Trung Hoa để làm giàu. Nhưng làm giàu cho ai hưởng ? Thì phần lớn đó là những người dân thành thị và những người đảng viên ở cấp cao.

Chính sách đó khó lòng thay đổi được, bởi vì họ không thể nào bắt người dân thành thị đang được hưởng lợi và những đảng viên và gia đình của họ đang được hưởng phải hy sinh, hưởng bớt đi để chia sẻ cho người dân ở nông thôn được tiêu thụ. Làm như vậy sẽ gây xáo trộn ngay trong nội bộ đảng Cộng sản cũng như trong các thành phố lớn.

Thành ra, vì chính sách là nâng đỡ một số giai cấp được ưu đãi ở Trung Quốc đó, người Trung Quốc vẫn phải theo đường lối kinh tế là phát triển xuất cảng, bắt dân chúng làm việc cực khổ, làm ra hàng hóa rẻ vì nhân công rẻ, và dùng hàng hóa rẻ đó đi bán ở trên thế giới để thu tiền về. Họ dự trữ số tiền rất lớn đó để sử dụng trong việc điều hòa mỗi lần có lộn xộn trong nền kinh tế.

Họ chưa thực sự thị trưòng hóa nền kinh tế Trung Quốc mà vẫn theo chính sách tập trung và chỉ huy. Và chính sách này rất khó thay đổi, bởi vì thay đổi thì cơ cấu của họ sẽ bị xáo trộn.

Thì đấy là điều khiến cho chính phủ Trung Quốc không muốn thay đổi, tức là họ vẫn gắn chặt đồng nguyên vào đồng đô la, do đó họ muốn chính phủ Mỹ giữ đồng đô la thật vững, thật mạnh, họ không muốn đồng đô la Mỹ bị yếu đi.

Thành ra điều mà ông Từ Vận Hồng nêu ra là làm sao đánh đổ đồng đô la để cho đồng nguyên lên, hoàn toàn trái ngược với lại tất cả cơ cấu kinh tế của nước Trung Hoa hiện nay, và rất khó thực hiện.'''

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.