Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - CHÂU ÂU

Trung Quốc đã "xâm chiếm" châu Âu như thế nào ?

Trong bài « Trung Quốc đã lại là trung tâm của thế giới », L'Express trích đăng một đoạn trong cuốn sách mới nhất của nhà báo Erik Izraelewicz mang tên « Sự ngạo mạn Trung Quốc ». Tác giả nhận định, sự tăng trưởng mạnh mẽ của cường quốc kinh tế đứng thứ nhì thế giới đã làm cho Bắc Kinh mất đi sự khiêm tốn cần thiết, và cảnh báo: «Trong lịch sử, các cường quốc mới hiếm khi áp đặt sự thống trị của mình bằng phương thức hòa bình».

Một nhân viên của Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) trong ngày khai trương trụ sở ngân hàng này tại Brussels, 20/1/11.
Một nhân viên của Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) trong ngày khai trương trụ sở ngân hàng này tại Brussels, 20/1/11. Reuters
Quảng cáo

Trung Quốc đã xâm chiếm châu Âu như thế nào ? Đó là tựa lớn trên trang nhẩt báo L’Express tuần này. Nổi bật trên nền bìa là hai màu cờ đỏ của Trung Quốc và màu xanh của Liên Hiệp Châu Âu và khuôn mặt tươi cười của ông Hồ Cẩm Đào.

Ở các trang trong, hồ sơ dài 12 trang của tuần báo đã điểm qua của tấn công của Bắc Kinh vào nền kinh tế các nước châu Âu như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha. Trung Quốc đã cứu viện các nước yếu kém trong liên minh tiền tệ châu Âu, nhưng đổi lại là những lợi ích về kinh tế và chính trị. Như vậy là sau châu Phi, Bắc Kinh đã « tiến quân » vào châu Âu, đôi khi gây ra các phản ứng thù địch như tại cảng Pirée của Hy Lạp, được xem là cửa khẩu để người Trung Quốc đặt chân vào châu Âu.

Người ta ước lượng hiện Trung Quốc đang nắm giữ đến 630 tỉ euro trái phiếu châu Âu. Tờ báo gọi đây là «chiến lược màng nhện », khi chỉ trong vài tháng, Bắc Kinh đã nhân rộng việc mua lại nợ quốc gia, và đầu tư vào các cơ sở hạ tầng mang tính chiến lược như cầu cảng, xa lộ, nhà máy lọc hóa dầu… Có thể kể sơ qua : tại Ailen, Trung Quốc đang làm chủ dự án xây dựng một phức hợp công nghiệp. Tại Pháp, đó là một khu kinh tế Pháp – Trung đặt tại một căn cứ không quân cũ của NATO. Tập đoàn PetroChina cũng mua lại phần hùn trong ngành lọc dầu của Pháp, và tham gia vào nhà máy lọc dầu Grangemouth của Anh.

Trên lãnh vực giao thông, một tập đoàn Trung Quốc sẽ tham gia dự án thực hiện gần 50 cây số xa lộ nối liền thủ đô Berlin của Đức với Vacxava của Ba Lan, từ nay đến năm 2012. Tập đoàn hàng hải Cosco của Trung Quốc được nhượng quyền khai thác hai cảng hàng hóa ở Pirée, Hy Lạp trong vòng 35 năm, và quản lý cảng biển lớn nhất của thành phố Naples, Ý. Cũng tại Ý, một tập đoàn Trung Quốc khác đang là ứng viên muốn mua lại một sân bay có thể tiếp nhận các máy bay vận tải.

Các ông chủ Trung Quốc còn có mặt trên hầu hết các lãnh vực kinh doanh khác như thời trang, xe hơi, điện tử, viễn thông, dược phẩm, ngân hàng…mà tờ báo ví von là « ngọn gió phương Đông ». Trong vòng sáu năm qua, lượng đầu tư của các tập đoàn Trung Quốc vào cựu lục địa đã nhân lên gấp ba lần, nhắm vào các thương hiệu nổi tiếng, và cuộc chinh phục từ phương Đông vào châu Âu chỉ mới bắt đầu mà thôi.

Trả lời phỏng vấn của L’Express, ông Pierre Lellouche, Quốc vụ khanh đặc trách ngoại thương của Pháp đã nhìn nhận là có một nguy cơ chính trị tiềm ẩn. Do nhập siêu từ Trung Quốc, các nước châu Âu sẽ phải ngần ngại khi muốn áp dụng các biện pháp trả đũa đối với ông chủ nợ Bắc Kinh. Hiện nay tương quan đôi bên là bất bình đẳng, vì Bắc Kinh dành mọi ưu tiên cho các doanh nghiệp trong nước trong khi châu Âu tôn trọng nguyên tắc tự do cạnh tranh. Chẳng hạn như xa lộ ở Ba Lan đã nói ở trên, sử dụng nguồn tài chính của Liên Hiệp Châu Âu, lại được giao cho một doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện.

Sự ngạo mạn của Trung Quốc khi lại là trung tâm thế giới

Trong bài « Trung Quốc đã lại là trung tâm của thế giới », tờ báo trích đăng một đoạn trong cuốn sách mới nhất của nhà báo Erik Izraelewicz mang tên « Sự ngạo mạn Trung Quốc ». Tác giả nhận định, sự tăng trưởng mạnh mẽ của cường quốc kinh tế đứng thứ nhì thế giới đã làm cho Bắc Kinh mất đi sự khiêm tốn cần thiết, cho dù cũng biết rằng kiêu căng nhiều khi không có lợi. Bài viết cảnh giác : « Trong lịch sử, các cường quốc đô hộ mới hiếm khi áp đặt quyền thống trị của mình bằng phương thức hòa bình ».

Tác giả nhắc lại, nếu mới đây phương Tây còn tự nhủ một cách hạ cố là, Trung Quốc chỉ là « công xưởng của thế giới », thì nay, với cuộc khủng hoảng tài chính, Bắc Kinh đã trở thành ngân hàng và phòng thí nghiệm của các nước phát triển, và mai đây là các đơn vị chuẩn hóa, là nơi sáng tạo. Trung Quốc sẽ lại trở thành cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Càng tiến tới, Bắc Kinh lại càng mau quên những gì đã giúp mình tiến bộ, đó là tinh thần khiêm tốn lắng nghe, học hỏi từ những người đi trước. Cho dù hiện nay tốc độ tăng trưởng có chậm lại đôi chút, nhưng ít nhất trong vòng 10 năm tới vẫn tăng tốc mạnh mẽ, và đội ngũ lãnh đạo mới, tân tiến hơn và tự tin hơn, sẽ quyết tâm đưa Trung Quốc qua mặt Hoa Kỳ. Viễn tượng này được nhiều chuyên gia phương Tây dự báo vào khoảng năm 2019 đến 2030, tức là khoảng hai chục năm nữa. Cho dù khẳng định là sẽ « trỗi dậy một cách hòa bình », nhưng Bắc Kinh thừa biết là lịch sử thường cho thấy ngược lại.

Theo tác giả, thì cho dù hai động lực chính là dân số và xuất khẩu đang bắt đầu đi xuống, thêm vào đó là các cuộc đình công, nổi dậy hay bão cát…Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục đà tăng trưởng. Hai động lực mới là tính sáng tạo và tiêu dùng nội địa sẽ gặp ít nhiều khó khăn. Nó đòi hỏi một sự thay đổi sâu sắc. Để chuyển đổi từ sản phẩm giá rẻ đến kỹ thuật cao, từ chính sách tất cả cho xuất khẩu sang dựa vào sức mạnh tự thân, từ sao chép sang sáng tạo, công nghiệp sang dịch vụ, từ chú trọng số lượng sang chất lượng, để chính thức bước vào hàng ngũ các quốc gia phát triển, Trung Quốc cần có một « cuộc cách mạng xã hội ». Một Nhà nước pháp trị sẽ phải thay chân cho Nhà nước Đảng trị, và của cải xã hội sẽ phải được phân bố công bằng hơn, với chính sách an sinh xã hội thực sự. Nếu sức mạnh của Trung Quốc trước đây dựa vào lương và giá thành thấp, thì nay đó là tầm vóc khổng lồ của thị trường nội địa, và Bắc Kinh đang muốn « bán » với cái giá càng đắt càng tốt.

Tác giả cho rằng, tuy vậy, phương Tây vẫn còn thời gian, để đấu tranh bảo vệ lợi ích của mình bằng mọi giá. Đúng là Trung Quốc đã lại trở thành trung tâm của thế giới, nhưng bằng chính lịch sử của mình, Bắc Kinh cũng hiểu rằng số lượng chưa hẳn đã làm nên sức mạnh, và qua lịch sử của các đế quốc khác, rằng, sự ngạo mạn có thể là các cố vấn rất tồi…

Trung Quốc và tham vọng tàu cao tốc

Cũng liên quan đến Trung Quốc, Le Monde Magazine có bài phóng sự mang tựa đề « Trung Quốc thực hiện cuộc cách mạng đường sắt ». Thông tín viên của tờ báo viết về việc Bắc Kinh đang xây dựng mạng lưới tàu cao tốc lớn nhất thế giới.

Bài báo cho biết, đây là dự án mạng lưới tàu cao tốc tham vọng nhất từ trước đến nay. Mười ba ngàn cây số đường tàu cao tốc sẽ được xây dựng, nằm trong kế hoạch tái thúc đẩy nền kinh tế lên đến 4.000 tỉ nhân dân tệ, tương đương 450 tỉ euro. Một phần ba ngân sách của kể hoạch này được dành cho việc phát triển cơ sở hạ tầng, và ngành hỏa xa được ưu tiên hàng đầu.

Chỉ riêng tuyến Bắc Kinh – Thượng Hải sẽ khánh thành từ tháng 6 năm nay, đã huy động đến 135 ngàn công nhân, tốn kém 220 triệu nhân dân tệ, tương đương 24 tỉ euro. Tàu cao tốc chỉ mất 4 giờ để vượt 1.300 km. Người Trung Quốc tự hào hầu hết đều made in China.

Tác giả mô tả Trung Quốc như là « một quốc gia với hai vận tốc khác nhau ». Nếu các hành khách doanh nhân thích thú với những đoàn tàu cao tốc hiện đại, những nhà ga hoành tráng mới toanh, những nhân viên phục vụ ăn mặc đẹp như tiếp viên hàng không, thì còn có một Trung Quốc khác mà hàng triệu người lao động nhập cư phải chen chúc trên những con tàu cũ kỹ, mất hàng chục tiếng đồng hồ để về quê ăn Tết.

Bài báo cũng trích lời một người có trách nhiệm cho biết, với công suất lắp ráp của nhà máy đặt tại Thanh Đảo hiện nay, mỗi ngày có thể xuất xưởng đến 4 tàu hoàn chỉnh, và nhận định, Trung Quốc đang có tham vọng xuất khẩu tàu cao tốc ra nước ngoài. California là một tiềm năng, và từ mùa đông này một tuyến đường nối Vân Nam với Miến Điện sẽ bắt đầu được xây dựng. Người Trung Quốc cũng đang mơ đến một tuyến đường cao tốc nối Bắc Kinh với Luân Đôn.

Các vụ bệnh nhân hành hung bác sĩ ngày càng nhiều tại Trung Quốc

Trên lãnh vực xã hội, tờ Le Courrier International trích dịch bài báo « Bác sĩ, một nghề nghiệp đầy rủi ro », từ tờ Nam phương Đô thị báo ở Quảng Đông, cho biết các trường hợp hành hung y bác sĩ trong bệnh viện ở Trung Quốc ngày càng nhiều cho đến nỗi các nhân viên y tế phải lo giữ an ninh cho chính mình hơn là sức khỏe của bệnh nhân.

Theo tờ báo, ngày càng có nhiều bệnh nhân phàn nàn về chi phí chữa bệnh tăng cao, do các bác sĩ lạm dụng việc xét nghiệm và cho toa các loại thuốc giá cao, trong khi chất lượng điều trị thì thấp. Nhiều bệnh nhân hoặc thân nhân đã phản ứng lại bằng cách xô xát, hành hung các y bác sĩ. Có đến 78% số người trả lời một cuộc thăm dò cho rằng nguyên nhân là do ngân sách dành cho các bệnh viện bị cắt giảm nên nhân viên y tế phải « tự cứu » mình, và tờ báo cho là cần phải cải cách cho được
hệ thống y tế Trung Quốc.

Thế giới Ả Rập trước các cuộc cách mạng Ai Cập và Tunisia

Các cuộc cách mạng tại Tunisia và Ai Cập hiện đang làm chao đảo thế giới Ả Rập tiếp tục là đề tài chính trên nhiều tuần báo Pháp. Le Courrier International vẽ nên một « Ai Cập, chân dung một dân tộc phẫn nộ », với hình ảnh những người biểu tình trước hàng rào khiên và dùi cui của cảnh sát. Tờ báo trích dịch những bài phân tích và phóng sự của các blogger người Ai Cập, về niềm tự hào và nỗi âu lo của những người xuống đường, thuật lại các tình tiết của cuộc nổi dậy.

Le Nouvel Observateur lướt qua « Từ Tunisia đến Cairo : Khi thế giới Ả Rập tỉnh thức ». Trong bài xã luận, tờ báo nhận định, chưa bao giờ có đông đảo thanh niên Ả Rập lao vào một phong trào không phải là chống lại phương Tây, cũng không phải chống Do Thái như thế. Phóng sự ảnh của Le Monde Magazine tô đậm hình ảnh của giới trẻ Ai Cập, họ chính là động lực của cuộc nổi dậy, trên đường phố cũng như trên internet.

Hồ sơ của Le Point điểm qua tình hình « Ai Cập, Tunisia, Algérie…Bóng ma Hồi giáo », nêu lên nỗi âu lo, làn gió tự do liệu có thể bị phe Hồi giáo cực đoan lợi dụng ?

Còn Le Figaro Magazine chú ý đến sự kiện « Ai Cập : Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo ra khỏi bóng tối », nhận xét rằng, ban đầu còn do dự, nhưng rốt cuộc tổ chức Hồi giáo mạnh nhất trong thế giới Ả Rập với bốn, năm triệu cảm tình viên, đã tham gia vào các cuộc biểu tình chống tổng thống Mubarak, với mục tiêu giành quyền lực. Tuần báo L’Express chú trọng đến vai trò của quân đội. Trong bài « Ai Cập : Quân đội trước cuộc chiến », tờ báo cho biết, tuy luôn được đám đông biểu tình chống chính phủ hoan nghênh, nhưng quân đội vẫn là cột trụ của chế độ ông Mubarak. Tuy cho đến nay vẫn ở trong hậu trường, nhưng quân đội rồi cũng sẽ phải ra mặt tham gia gỡ rối tình hình.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.