Vào nội dung chính
BIÊN ĐỔI KHÍ HẬU

ADB : Châu Á phải tìm cách đối phó ngay với vấn đề tỵ nạn khí hậu

Do khí hậu trái đất biến đổi, chính quyền các nước Châu Á phải chuẩn bị đối phó ngay từ lúc này với khối lượng người di cư to lớn, nếu không muốn bị rơi vào những cuộc "khủng hoảng nhân đạo" trong thập kỷ tới. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã báo động như trên trong một bản báo cáo sắp được công bố.

Người tỵ nạn Pakistan tìm đường tránh nạn lụt ngày 16/10/2010. Ảnh tư liệu.
Người tỵ nạn Pakistan tìm đường tránh nạn lụt ngày 16/10/2010. Ảnh tư liệu. Reuters/Adrees Latif
Quảng cáo

Theo dự thảo đầu tiên của bản báo cáo mà AFP vừa có được, thì giới chức trách nhiệm của ADB đã thẩm định : "Rõ ràng là châu Á và Thái Bình Dương sẽ nằm trong những khu vực trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nhất do tình hình biến đổi khí hậu".

Công trình nghiên cứu mang tên "Biến đổi khí hậu và di cư ở châu Á và Thái Bình Dương" nêu rõ là trong số các hậu quả của biến đổi khí hậu, có vấn đề "nhiệt độ tăng đáng kể, thay đổi về lượng mưa, gió mùa khó dự đoán hơn, mực nước biển dâng cao, lũ lụt và bão nhiệt đới dữ dội hơn."

Các mối đe dọa nói trên đòi hỏi các chính phủ vừa phải nỗ lực hành động chống lại hiện tượng biến đổi khí hậu, vừa phải đề ra các chính sách nhằm quản lý vấn đề di cư chắc chắn sẽ xảy ra.

Theo bản báo cáo mà phiên bản cuối cùng sẽ được công bố trong những tuần lễ sắp tới đây, "Châu Á và Thái Bình Dương đặc biệt dễ bị tổn thương do mật độ dân số rất cao. Vì vậy, họ có thể gặp phải các vụ di dân trên một quy mô chưa từng thấy trong những thập kỷ tới đây."

Vào năm 2010, trên tổng số 207 triệu người bị ảnh hưởng của thiên tai, có 89% sống tại châu Á. Theo Trung tâm nghiên cứu về thảm họa CRED, có trụ sở tại Bỉ, lũ lụt và đất lở tại Trung Quốc đã gây ra 18 tỉ đô la thiệt hại, trong lúc nạn lụt tại Pakistan cũng làm mất đi 9,5 tỉ đô la. Đó là không kể đến tổn thất nhân mạng.

Tuyên bố với hãng AFP, ông Bart Edes, một quan chức lãnh đạo của Ngân hàng Phát triển Châu Á giải thích : "Chính vì các chinh phủ thiếu chuẩn bị mà ADB đã phải tiến hành công trình nghiên cứu này". Theo ông, hiện nay "không có cơ chế hợp tác quốc tế nào để vấn đề di cư vì biến đổi khí hậu, các biện pháp bảo vệ và hỗ trợ thì lại không rõ ràng, thiếu phối hợp và manh múm."

Theo nhân vật này, chỉ cần nhìn cảnh hàng trăm ngàn người di tản ở Sri Lanka hay Philippines trong năm 2010 và đầu năm 2011 do lũ lụt, là có thể "mường tượng ra những gì sẽ xảy ra".

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.