Vào nội dung chính
NHẬT - TRUNG

Nhật Bản và Trung Quốc gặp gỡ không chính thức để làm giảm căng thẳng

Các đại diện của Tokyo và Bắc Kinh đã gặp gỡ hôm nay 19/10/2010  với mục đích làm quan hệ đôi bên đỡ căng thẳng, sau vụ bắt tàu cá ở khu vực quần đảo đang tranh chấp, làm dấy lên nhiều cuộc biểu tình suốt ba ngày qua tại Trung Quốc.

Biểu tình chống Nhật Bản tại thành phố Vũ Hán tỉnh Hồ Bắc ngày 18/10/2010.
Biểu tình chống Nhật Bản tại thành phố Vũ Hán tỉnh Hồ Bắc ngày 18/10/2010. REUTERS/Stringer
Quảng cáo

Hãng thông tấn Nhật Jiji Pres cho biết, ông Satsuki Eda, cựu phát ngôn viên Thượng viện Nhật Bản, được xem là một nhân vật thân cận của Thủ tướng Naoto Kan, đã tiếp xúc với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Bắc Kinh. Hai bên thống nhất là sẽ có cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Naoto Kan và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, trong hội nghị thượng đỉnh khu vực tại Việt Nam và Nhật Bản sắp tới.

Theo AFP, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Mã Triêu Húc, đã chỉ trích phát biểu trước đó của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Seiji Maehara, cho rằng phản ứng của Trung Quốc về vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là « quá khích ». Ông Mã Triều Húc tuyên bố : « Chúng tôi bị sốc khi Bộ trưởng Ngoại giao của một nước lại có nhận xét như thế. Việc cải thiện quan hệ Trung – Nhật là lợi ích căn bản của cả hai quốc gia ».

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng cho rằng ý kiến mới đây của ông Shinzo Abe, cựu Thủ tướng Nhật Bản là « vô nghĩa ». Ông Abe đã lên án Bắc Kinh theo đuổi một chính sách « Lebensraum » - từ tiếng Đức chỉ chủ trương bành trướng của Đức quốc xã trước đây – nhắm vào việc mở rộng lãnh thổ theo lợi ích và sức mạnh của mình.

Sau một thời gian tạm lắng, tình hình đã đột ngột căng thẳng trở lại vào cuối tuần qua. Hàng ngàn người Trung Quốc, đa số là thanh niên, đã biểu tình chống Nhật tại nhiều tỉnh, phá hoại một số cửa hàng của người Nhật tại đây. Bộ trưởng Kinh tế Nhật Banri Kaieda đã yêu cầu Bắc Kinh phải bảo đảm an toàn cho công dân Nhật Bản.

Từ khi tình hình bắt đầu căng thẳng cho đến nay, đã có hơn 11.000 người hủy các chuyến bay giữa Trung Quốc và Nhật Bản.

Liên quan đến việc xuất khẩu đất hiếm, Bộ Thương mại Trung Quốc hôm nay cũng trấn an rằng không có việc ngưng xuất sang Nhật, trong khi đó phía Nhật vẫn yêu cầu có đối thoại chính thức trên vấn đề này.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.