Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - NHẬT BẢN

Ôn Gia Bảo đòi Nhật trả tự do cho thuyền trưởng tàu cá

Hôm qua, khi nói chuyện với cộng đồng người Hoa tại New York, thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã yêu cầu chính quyền Tokyo trả tự do vô điều kiện cho viên thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc, bị tạm giữ tại Nhật Bản từ ngày 7/9, sau một vụ va chạm với tàu tuần tra của Nhật. Thủ tướng Trung Quốc còn đe dọa sẽ đưa ra những biện pháp trả đũa mới.

Reuters
Quảng cáo

Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo cao cấp Trung Quốc lên tiếng về vụ này. Theo ông Ôn Gia Bảo, thì Nhật Bản đã không chú ý tới các nỗ lực và những phản đối liên tiếp của Trung Quốc. Do vậy, Trung Quốc không thể làm gì khác là phải có những biện phá trả đũa cần thiết và Nhật Bản phải gánh chịu hoàn toàn trách nhiệm về những hậu quả nghiêm trọng.

Thủ tướng Trung Quốc nhận định là trong thời gian qua, quan hệ Bắc Kinh – Tokyo đã được cải thiện, thế nhưng vụ bắt giữ viên thuyền trưởng đã làm dấy lên sự phẫn nộ của toàn thể người dân Trung Quốc trong và ngoài nước.

Xin nhắc lại là tư pháp Nhật Bản đã quyết định tạm giữ viên thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc cho đến ngày 29/09 để điều tra. Đương sự bị nghi ngờ cố tình gây ra vụ va chạm với tàu tuần tra Nhật Bản và cản trở công việc của các quan chức địa phương sau khi xẩy ra sự cố. Theo phía Nhật Bản, tàu cá Trung Quốc đã bị bắt gần quần đảo Senkaku, còn được gọi theo tiếng Hoa là Điếu Ngư, ở biển Hoa Đông, nơi đang có tranh chấp về chủ quyền giữa hai nước.

Bất chấp sức ép của Trung Quốc đi kèm với những lời đe dọa, phía Nhật Bản vẫn cố làm dịu căng thẳng song phương, đồng thời vẫn kiên quyết tạm giam viên thuyền trưởng tàu Trung Quốc để điều tra.

Tổng thư ký văn phòng chính phủ Nhật Bản bày tỏ mong muốn là thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo gặp thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan bên lề khóa họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, nhưng Bắc Kinh đã từ chối và cho rằng một cuộc gặp như vậy không phù hợp trong hoàn cảnh hiện nay.

Trước đó, Trung Quốc đã đình chỉ mọi cuộc gặp cấp cao song phương.

Trả lời báo Financial Times, thủ tướng Nhật Bản đã tìm cách giảm nhẹ tầm quan trọng của sự cố bắt tàu cá Trung Quốc. Theo ông, nếu vụ việc được xử lý một cách bình tĩnh thì hoàn toàn có thể đây chỉ là một vấn đề tạm thời.

Theo giới phân tích, vụ bắt giữ viên thuyền trưởng tàu cá đã trở thành một biểu tượng cho sự thiếu tin cậy lẫn nhau giữa Bắc Kinh và Tokyo. Quan hệ song phương tuy căng thẳng, nhưng không bên nào muốn làm tổn hại đến việc phát triển quan hệ kinh tế giữa hai nước.

Hồng Kông đấu tranh cho Điếu Ngư

Một nhóm Hồng Kông, đấu tranh vì chủ quyền của Trung Quốc tại các hòn đảo tranh chấp với Nhật Bản, lên đường ra đảo Điếu Ngư

Theo AFP, hôm nay một nhóm những người đấu tranh Hồng Kông để bảo vệ chủ quyền Trung Quốc tại khu vực quần đảo Điếu Ngư đã lên đường đi ra vùng biển này. Có ba người tham gia vào chuyến đi này, cùng với bốn thủy thủ của chiếc tàu, có chiều dài 45 mét. Chuyến đi được hai tàu cảnh sát biển Hồng Kông theo sát.

Nghị sĩ Hồng Kông Albert Ho cho AFP biết, con thuyền này chở những người đánh cá, trong đó có một số ngư dân là thành viên của tổ chức đấu tranh bảo vệ quần đảo Điếu Ngư (Action Committee for Defending the Diaoyu Islands), có trụ sở tại Hồng Kông. Theo ông Albert Ho, chuyến tàu này khởi hành là để đi đánh cá, họ có thể đi khắp nơi, kể cả Điếu Ngư, nên chính quyền không có quyền ngăn cản họ. Nhưng nghị sĩ Hồng Kông cũng giải thích thêm rằng chuyến đi dự kiến 10 ngày này sẽ có thể bị nhà cầm quyền Hồng Kông ngăn chận.

Theo báo South China Morning Post, cơ quan phụ trách hàng hải của Hồng Kông hôm qua, đã gửi đến chủ tàu một lá thư cảnh báo, theo đó, con tàu không có quyền rời Hồng Kông với hành khách trên tàu, vì tàu chỉ được cấp giấy phép đánh cá. Hiện tại, người phát ngôn của cơ quan này không đưa ra lời giải thích nào thêm về vụ việc này.

Trả lời câu hỏi : liệu các nhà chức trách Hồng Kông có chịu sự chỉ đạo của Bắc Kinh, khi can thiệp vào hoạt động của nhóm đấu tranh bảo vệ chủ quyền quần đảo Điếu Ngư hay không, nghị sĩ Albert Ho giải thích rằng, giới chức Hồng Kông không muốn bất cứ điều gì xảy ra khiến cho quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản thêm căng thẳng và không muốn bất cứ chuyện gì vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.