Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Nhân dân tệ tăng giá, tác động đối với Việt Nam ?

Đăng ngày:

Ngày 25/6 đơn vị tiền tệ của Trung Quốc đạt mức cao nhất trong 5 năm qua. Bắc Kinh đang từng bước nâng giá nhân dân tệ. Quốc tế vẫn tiếp tục cho rằng đơn vị tiền tệ của Trung Quốc còn ở mức rất thấp. Đồng nhân dân tệ phải được tăng giá là khuynh hướng không thể đảo ngược. Riêng đối với Việt Nam, đâu là những tác động nếu nhân dân tệ tăng giá ?

REUTERS
Quảng cáo

Hôm 19/6 vừa qua, Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc ra thông cáo cho biết Bắc Kinh đang tiến hành « cải cách cơ chế tỷ giá hối đoái ». Ngày 25/6 đơn vị tiền tệ của Trung Quốc đạt mức cao nhất kể từ năm 2005 đến nay. Các động thái nói trên cho thấy Bắc Kinh đang từng bước nâng giá nhân dân tệ, thậm chí trong tương lai, đơn vị tiền tệ Trung Quốc không nhất thiết phải được cột chặt vào đồng đô la Mỹ.

Tuyên bố nói trên được coi là một cử chỉ thiện chí của giới lãnh đạo Bắc Kinh trước thượng đỉnh G20 Toronto, nhưng cộng đồng quốc tế vẫn tiếp tục cho rằng đơn vị tiền tệ của Trung Quốc còn ở mức rất thấp. Đồng nhân dân tệ phải được tăng giá là khuynh hướng không thể đảo ngược và việc điều chỉnh tỷ giá hối đoái này sẽ có lợi cho cả Trung Quốc lẫn thế giới.

Riêng đối với Việt Nam, một nền kinh tế nhỏ bé, nằm sát cạnh Trung Quốc và luôn trong bóng tối của nước láng giềng to lớn này, đâu là những tác động nếu nhân dân tệ tăng giá ?

Trao đổi mậu dịch Việt Nam- Trung Quốc

Theo các thống kê của Việt Nam, trong một thập niên qua, tổng trao đổi mậu dịch hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc tăng đều đặn ở nhịp độ 30% một năm. Cho dù trong một số lĩnh vực, như lương thực, hay thủy sản, tỷ trọng của Trung Quốc hãy còn khiêm tốn. Năm ngoái, bất chấp khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu, tổng kim ngạch thương mại hoa nước đạt 21 tỷ đô la tăng gần 6% so với tài khóa 2008. Việt Nam bị nhập siêu đối với Trung Quốc.

Trong lĩnh vực đầu tư Trung Quốc cũng là một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam. Đến cuối tháng ba vừa qua, Trung Quốc đã có trên 700 dự án đang hoạt động ở Việt Nam với tổng số vốn đăng ký gần ba tỷ đô la. Nếu đồng nhân dân tệ tăng giá thì sẽ ảnh hưởng ra sao đến ngành xuất nhập khẩu của Việt Nam, cũng như là đối với các dự án đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam ?

Theo giới phân tích, trước mắt việc điều chỉnh tỷ giá hối đoái vừa qua của Trung Quốc còn rất khiêm tốn, nhưng về lâu dài thì đây là một tiến trình không thể đảo ngược. Khi đồng nhân dân tệ tăng giá, thì khả năng đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc sẽ còn lớn hơn so với hiện nay, và Việt Nam sẽ là một trong những thị trường nằm trong chiến lược phát triển đó của Trung Quốc.

Riêng trong lĩnh vực xuất nhập khẩu : nhân dân tệ tăng giá, thì hàng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ trở nên đắt hơn, và làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa Trung Quốc. Đây sẽ là một cơ hội đối với ngành xuất khẩu của Việt Nam để thâm nhập vào thị trường Trung Quốc đặc biệt là nếu các khoản trao đổi đó được thanh toán bằng đô la. Qua đó Việt Nam có thể hy vọng giảm bớt thâm hụt mậu dịch đối với bạn hàng Trung Quốc.

Một yếu tố khác khiến Việt Nam cần suy nghĩ đó là với một đơn vị tiền tệ cao hơn, trong tương lai xa, bộ máy công nghiệp của Trung Quốc sẽ được nâng cao về mặt chất lượng : giá thành của Trung Quốc cao hơn so với các nước chậm phát triển khác, như vậy Trung Quốc sẽ từng bước đưa ngành công nghiệp hướng đến với những sản phẩm có trị giá gia tăng cao hơn.

Cụ thể là trước khi nâng giá nhân dân tệ vào năm 2005, ngành dệt may mang về từ 70 đến 75% thặng dư mậu dịch cho Trung Quốc. Sau công cuộc cải tổ tiền tệ đó, tỷ trọng này đã giảm đi đáng kể, đồng thời Trung Quốc đã đẩy mạnh khu vực sản xuất trang thiết bị và điện tử để trở thành một trong những nhà cung cấp máy vi tính, màn ảnh tivi, hay xe hơi … then chốt của thế giới.

Tóm lại, việc Trung Quốc nâng giá nhân dân tệ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến cán cân thương mại Việt Trung, đến tổng kim ngạch đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam mà về lâu dài nó còn tác động cả đến chiến lược phát triển của Việt Nam một khi Trung Quốc cân bằng lại chính sách phát triển của họ, tức là vừa chú trọng hơn đến tiêu thụ nội địa, vừa nâng cấp cỗ máy sản xuất.

Quan ngại của bản thân Trung Quốc

Trước mắt việc Trung Quốc nâng giá đơn vị tiền tệ chưa đem lại tác động nào đáng chú ý. Thêm vào đó, bước nhẩy vọt 0,04% như vừa qua (một đô la ăn 6,7890 nhân dân tệ thay vì 6,7896) được coi là một cử chỉ mang tính biểu tượng nhiều hơn.

Bằng chứng là Hoa Kỳ tiếp tục kêu gọi Bắc Kinh nâng giá đơn vị tiền tệ, và hôm qua (28/6) giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế vẫn khẳng định là tỷ giá 6,7890 nhân dân tệ đổi lấy 1 đô la là còn quá thấp và một đồng tiền Trung Quốc vững mạnh sẽ cơ lợi cho cả thế giới. Đâu là nguyên nhân khiến quốc tế khẳng định rằng một đồng nhân dân tệ vững mạnh sẽ đem lại thịnh vượng chung cho cả thế giới ?

Dù sao đi chăng nữa thì giới quan sát cũng đồng ý trên một điểm đó là sớm muộn gì Trung Quốc cũng sẽ phải tăng giá đồng tiền. Một trong những lý do tất yếu là để kềm hãm lạm phát. Vấn đề đặt ra là Bắc Kinh muốn đóng vai trò chủ động, không để cho bất kỳ một cường quốc nào lên tiếng "dậy bảo", nhất là khi mà Trung Quốc đang kiểm soát nguồn dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới với khoảng 2400 tỷ đô la. Nhưng theo phân tích của chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa việc điều chỉnh tỷ giá đồng tiền không đơn thuần là một quyết định kinh tế. 

Để kết luận có thể nói rằng chính quyền Bắc Kinh sở dĩ đã có cử chỉ nhượng bộ trong lĩnh vực tiền tệ, do Trung Quốc đang thực sự muốn tránh để quốc tế, mà đứng đầu là Hoa Kỳ xếp vào danh sách các quốc gia thao túng đơn vị tiền tệ, tạo nên thế cạnh tranh bất công bằng với các đối tác thương mại. Nhưng trước mắt sự thay đổi trong lĩnh vực này còn quá dè dặt. Song về lâu về dài, nâng giá nhân dân tệ là điều tất yếu và khi đó cục diện kinh tế của bản thân Trung Quốc sẽ thực sự thay đổi. Với một nước Trung Quốc có một cơ cấu công nghiệp cao cấp hơn, những nước nhỏ như Việt Nam cũng sẽ phải xét lại chiến lược phát triển của họ.

 

 

 

 

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.