Vào nội dung chính
MỸ - NHẬT

Ngoại trưởng Nhật tới Washington thảo luận về việc di dời căn cứ quân sự Mỹ

Ngoại trưởng Nhật gặp bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Obama tại Washington. Mục tiêu chính nhằm tìm kiếm một giải pháp cụ thể cho việc di dời căn cứ không quân Futenma trên quần đảo Okinawa.

Căn cứ không quân Mỹ trên đảo Okinawa
Căn cứ không quân Mỹ trên đảo Okinawa AFP/Yoshikazu Tsuno
Quảng cáo

 Theo lịch trình, hôm nay (29/3) tại Washington, ngoại trưởng Nhật Bản Katsuya Okada gặp bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Robert Gates và cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ, ông James Jones.

 
Theo đại diện bộ Ngoại giao Nhật Bản, mục tiêu chính của các gặp này là nhằm tìm kiếm một giải pháp cụ thể, từ nay đến cuối tháng năm, cho việc di dời căn cứ không quân Futenma, hiện đặt tại một khu đông dân trên quần đảo Okinawa của Nhật Bản.

Chính phủ trung tả Nhật Bản hiện nay đang bị sức ép của Mỹ về hồ sơ này.

Xin nhắc lại là vào năm 2006, theo thỏa thuận Nhật-Mỹ, căn cứ không quân Hoa Kỳ Futenma sẽ được di dời đến một địa điểm khác, cách xa khu dân cư, nhưng vẫn nằm trên quần đảo Okinawa.

Tuy nhiên, trước sự bất bình của dân chúng tại Okinawa, chính phủ của thủ tướng Yuko Hatoyama đề nghị xem xét lại thỏa thuận nói trên. Thậm chí, Tokyo không loại trừ khả năng đưa căn cứ này ra khỏi Okinawa. Thế nhưng, chính quyền Mỹ không chấp nhận giải pháp này.

Tuần trước, đô đốc Robert Willard, chỉ huy lực khu vực Thái Bình Dương, bao gồm cả châu Á, nhận định rằng căn cứ Futenma rất cần thiết trong kế hoạch phòng thủ vùng.

Kể từ sau đại chiến thế giới lần thứ hai, Nhật Bản là nơi tiếp nhận những căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ và khoảng 47 ngàn lính Mỹ hiện diện trên lãnh thổ Nhật Bản, trong đó, hơn một nửa đóng quân tại Okinawa.

Futenma là căn cứ không quân của hải quân Mỹ, được xây dựng từ năm 1945. Trong nhiều năm qua, người dân tại đây đã đòi phải di chuyển căn cứ này do tiếng ồn và không bảo đảm an toàn.

Thỏa thuận Nhật-Mỹ năm 2006 nêu ra việc di chuyển căn cứ Futenma đến một hòn đảo xa ở phía nam quần đảo Okinawa và khoảng 8000 lính Mỹ rời lãnh thổ Nhật Bản để sang căn cứ Guam.
 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.