Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Tin vui Khí hậu: Điện than lần đầu tiên giảm !

Đăng ngày:

Hai báo cáo mới cho thấy trong lúc điện than trên thế giới lần đầu tiên sụt giảm đáng kể, Trung Quốc lại tăng tốc phát triển năng lượng ô nhiễm nặng nề này. Báo cáo điều tra của các hiệp hội môi trường lên án thái độ hai mặt của nhiều ngân hàng Nhật Bản – châu Âu trong đầu tư than đá.Sáng kiến của giới hoạt động môi trường Ailen : nhờ ông già Noel mang mong ước của trẻ thơ đến thượng đỉnh COP 25, để gây áp lực với lãnh đạo các cường quốc. Tập đoàn Uber lần đầu tiên công bố số vụ bạo hành tình dục khách hàng, để trấn an dư luận.

Biểu tình tại Nairobi (Kenya, châu Phi) chống xây dựng một nhà máy than, ngày 5/6/2018. Trong ảnh người biểu tình mang khẩu hiệu tố cáo "Than đá là thần chết !".
Biểu tình tại Nairobi (Kenya, châu Phi) chống xây dựng một nhà máy than, ngày 5/6/2018. Trong ảnh người biểu tình mang khẩu hiệu tố cáo "Than đá là thần chết !". REUTERS/Baz Ratner
Quảng cáo

Một tin vui hiếm hoi trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu : năm 2019, sản lượng điện  than giảm 3%, mức giảm chưa từng có trong lịch sử. Trên đây là kết quả nghiên cứu được Carbon Brief - tổ chức chuyên phân tích về các dữ liệu năng lượng, trụ sở tại Anh Quốc - công bố hôm 25/11/2019. Bà Laura Myllyvirta, tác giả của nghiên cứu, nhấn mạnh : ''Kỷ nguyên tăng trưởng nhanh chóng của các nhà máy than đã chấm dứt''.

Sự sụt giảm của điện than là một chỉ báo rất quan trọng trong cuộc chiến khí hậu, bởi nhiệt điện than chiếm đến một nửa số lượng khí thải gia tăng trong năm 2018.

Than là loại năng lượng ô nhiễm nhất, nhưng lại được sử dụng nhiều do giá rẻ. Trong vòng 30 năm qua, lượng điện than tăng đến gấp 2,5 lần. Việc điện than thoái lùi trong năm 2019 mới chỉ cho phép trở lại mức 2017, có nghĩa là vẫn còn rất cao. Hiện tại than vẫn góp 30% khí thải gây hiệu ứng nhà kính và là nguồn năng lượng tạo điện số một thế giới (1).

Có ba yếu tố chính giải thích sự tụt lùi của điện than trong năm vừa qua. Thứ nhất là tăng trưởng kinh tế toàn cầu chững lại, thứ hai là chính sách chia tay với than đá tại Hoa Kỳ và Liên Âu, và thứ ba là tỷ lệ năng lượng tái tạo tăng lên. Từ đầu năm đến nay, 57 nhà máy điện than bị đóng cửa tại Mỹ. Điện than ở châu Âu sụt giảm mạnh (dự kiến 23% tính trên toàn Liên Hiệp Châu Âu), kể cả Ba Lan (giảm 6%). Theo tác giả nghiên cứu, tại Liên Hiệp Châu Âu, thuế đánh vào khí thải lần đầu tiên đạt mức đáng kể (20 euro/tấn), cho phép năng lượng tái tạo trở nên hiệu quả hơn.

Trung Quốc tụt hậu trong trận tuyến vì Khí hậu

Tuy nhiên, điện than lại tăng lên ở Đông Nam Á, nhất là Việt Nam, nơi lượng than nhập khẩu tăng gấp đôi trong năm 2019 (2). Tình hình đặc biệt đáng lo ngại tại Trung Quốc, nền kinh tế thứ hai thế giới và là quốc gia gây ô nhiễm số một thế giới.

Theo nghiên cứu của tổ chức phi chính Mỹ Global Energy Monitor, các nhà máy điện than đang hoặc sắp được xây dựng tại Trung Quốc có tổng công suất là 148 gigawatt, có nghĩa là tương đương với toàn bộ công suất hiện có của các nhà máy điện than của châu Âu (khoảng 150 gigawatt).

Trung Quốc đang trở thành ''gót chân Asin'' trong cuộc chiến Khí hậu, theo nhận xét của giám đốc điều hành Cơ Quan Năng Lượng Quốc Tế (AIE), Fatih Birol.

Tình hình Trung Quốc có vẻ đầy nghịch lý. Trong lúc tăng trưởng về nhu cầu năng lượng chững hẳn lại (từ 6,7% hai năm 2017 – 2018 xuống còn 3% trong năm nay), thì các công ty Trung Quốc gia tăng đầu tư vào năng lượng than. Cứ hai tuần lại có thêm một nhà máy nhiệt điện than mới mọc lên. Trung Quốc đang làm ngược lại với những gì mà quốc gia này cam kết, giảm 40% sản xuất than trong 10 năm tới.

Thái độ hai mặt của các ngân hàng Nhật Bản – châu Âu bị lên án

Không chỉ riêng Trung Quốc, giới bảo vệ môi trường chú ý đến tình trạng nói một đàng, làm một nẻo của nhiều tập đoàn kinh tế, khiến việc sản xuất than trên thế giới tiếp tục được duy trì trên quy mô lớn. Theo AFP, trong vòng ba năm gần đây, thêm 745 tỉ đô la được đầu tư vào lĩnh vực than đá. Các nhà điều tra điểm mặt hơn 1.000 dự án nhà máy than của 258 doanh nghiệp, với tổng công suất dự kiến 570 gigawatt. Các ngân hàng Nhật Bản chiếm một phần ba tổng số đầu tư nói trên. Các ngân hàng châu Âu chịu trách nhiệm 26%.

Một thái độ hai mặt điển hình là tập đoàn Tây Ban Nha Santander, nhà tài trợ cho thượng đỉnh Khí hậu COP 25, vốn đã cam kết không trực tiếp tài trợ cho than đá, nhưng vẫn đầu tư 655 triệu đô la cho ba nhà máy điện than tại Ba Lan, với tổng công suất 5,7 gigawatt.

Tác giả của các số liệu điều tra này, được công bố hôm 05/12, là hai tổ chức môi trường Urgewald et BankTrack, nhờ sự trợ giúp của một mạng lưới các tổ chức phi chính phủ toàn cầu. Một người phụ trách của BankTrack nêu trường hợp hai ngân hàng lớn BNP Paribas (Pháp) và Barclays (Anh), như một ví dụ tiêu biểu. Các ngân hàng này tránh đầu tư trực tiếp vào than đá, nhưng lại tiếp tục đầu tư cho các doanh nghiệp than đá. Được AFP đặt câu hỏi, BNP phản bác và khẳng định đã ngừng tài trợ cho các dự án than mới, kể từ năm 2017, tuy nhiên thừa nhận ''có quan hệ thương mại'' với một số trong 258 doanh nghiệp bị điểm mặt.

Ông già Noel đến thượng đỉnh Khí hậu

Thượng đỉnh COP 25 khai mạc hôm thứ Hai, 02/12/2019 tại Madrid, Tây Ban Nha. Tại thượng đỉnh Khí hậu kéo dài hai tuần lễ này, lãnh đạo các quốc gia đang đứng trước áp lực ngày càng lớn, phải nâng mạnh mức cam kết cắt giảm khí thải. Hiện tại, theo giới khoa học, nếu thực hiện đúng các cam kết đã có, Trái đất đang trên đường tiến đến nhiệt độ hơn 3°C so với thời tiền công nghiệp (vượt xa mục tiêu không để nhiệt độ tăng quá từ 1,5°C đến 2°C, đã được cộng đồng quốc tế thông qua với Thỏa thuận Paris 2015).

Với mức tăng nhiệt độ này, nhân loại sẽ phải đối mặt với những hiện tượng thời tiết cực đoan dữ dội hơn nhiều so với hiện nay, vượt quá khả năng kiểm soát, cũng như hàng loạt biến đổi môi trường kinh hoàng khác, đơn cử như nước biển dâng cao do tan băng, nhấn chìm hàng loạt vùng đồng bằng ven biển.

Biểu tình chống khí thải hâm nóng Trái đất, gây nhiều thảm họa, Madrid, 06/12/2019. Trong ảnh, biểu tình nằm với các biểu tượng về tình trạng chết chóc, do công nghiệp sử dụng năng lượng hóa thạch gây ra
Biểu tình chống khí thải hâm nóng Trái đất, gây nhiều thảm họa, Madrid, 06/12/2019. Trong ảnh, biểu tình nằm với các biểu tượng về tình trạng chết chóc, do công nghiệp sử dụng năng lượng hóa thạch gây ra REUTERS/Rafael Marchante

Năm 2019 được nhiều người nói đến như ''Năm thức tỉnh Khí hậu'', với các cuộc tuần hành, bãi khóa khổng lồ của giới trẻ, đặc biệt tại các nước phương Tây. Tại Madrid, trong lúc thượng đỉnh diễn ra, hôm qua, 06/12, hơn trăm nghìn người biểu tình lên án ''cuộc thượng đỉnh giả dối'', ''chủ nghĩa tư bản đang giết chết hành tinh''… Những người biểu tình mang một chiếc quan tài tượng trưng cho ''Môi trường'', bị hiến tế cho tham vọng ''phát triển'' mù quáng.

Đừng đánh giá thấp nỗi giận của trẻ em !

222 tổ chức của các cha mẹ trên toàn thế giới, thuộc 27 quốc gia, ra tuyên bố chung gửi đến thượng đỉnh Khí hậu, kêu gọi lãnh đạo các nước hãy ''để lại cho con cháu chúng ta một thế giới mà chúng đáng được thừa hưởng''.

Ngày 03/12, thiếu nữ Greta Thunberg 16 tuổi (3) – tia lửa nhỏ làm bùng lên phong trào phản kháng vì Khí hậu của giới trẻ thế giới – có mặt Bồ Đào Nha. ''Đừng đánh giá thấp nỗi giận dữ của trẻ em !'', đó là thông điệp của Greta Thunberg tại Lisboa, sau 3 tuần đi thuyền buồm, từ Hoa Kỳ trở về.

Thiếu nữ Thụy Điển Greta Thunberg phát biểu tại cuộc tuần hành phản kháng vì Khí hậu, Madrid, 06/12/2019.
Thiếu nữ Thụy Điển Greta Thunberg phát biểu tại cuộc tuần hành phản kháng vì Khí hậu, Madrid, 06/12/2019. REUTERS/Javier Barbancho

Thanh thiếu niên có thể xuống đường bày tỏ thái độ, nhưng những em nhỏ ở độ tuổi mẫu giáo có thể làm gì đây ? Một chuyên gia môi trường Ailen khởi sự chiến dịch nhờ ông già Noel thần thoại đưa lời ước của những em nhỏ đến giới lãnh đạo thế giới.

Đến cậu bé 5 tuổi cũng nhập cuộc 

Sau đây là phóng sự của thông tín viên Emeline Vin từ Dublin :

Ông già Noel Xanh gây ấn tượng mạnh với cậu bé Léo 5 tuổi. Leo và bố đã giao phó cho ông già Noel một danh sách lời ước khá đặc biệt năm nay.

Léo : Con muốn các đại dương trong kỳ Noel này thật trong lành, cho các loài động vật.

Bố Léo : Như thế đúng là con không muốn động vật bị săn đuổi phải không ?

Léo : Đúng rồi !

Ông già Noel : Thật tuyệt vời, ta mang lá thư của cháu đến Madrid nhé !

Madrid là nơi diễn ra thượng đỉnh về Khí hậu. Ông già Noel Xanh : ''Trên thực tế, chúng tôi muốn gây áp lực lên giới chính trị, chứng minh cho họ thấy là vấn đề này có ảnh hưởng rất lớn đến dân chúng, đến các công dân trên hành tinh. Ngay cả trẻ em cũng lo lắng và muốn là người ta phải làm một điều gì đó''.

Trẻ em Ailen gửi lời ước đến Thượng đỉnh Khí hậu qua ông già Noel Xanh. Ảnh minh họa
Trẻ em Ailen gửi lời ước đến Thượng đỉnh Khí hậu qua ông già Noel Xanh. Ảnh minh họa RFI / Emeline Vin

Trong các bức thư mang những lời ước, trẻ em yêu cầu bảo vệ ong, gấu Bắc cực, cấm sử dụng nhựa…

Chiến dịch mang tên Dear Green Santa – Ông già Noel Xanh yêu quý – do bà Laura Kehoe, một chuyên gia về phát triển bền vững tại Oxford, nghĩ ra.

Nữ chuyên gia bày tỏ : ''Thật không thể tượng tượng nổi khi chứng kiến những hiểu biết của trẻ em về Khí hậu. Thật là đáng lo ngại, bởi vì ở cái tuổi của chúng, không dễ để xử lý những điều đó ! Nhưng cũng thật là tuyệt vời, bởi vì trẻ em không chỉ yêu thiên nhiên, chúng yêu cả động vật, và điều rất tự nhiên với chúng là cần phải bảo vệ động vật. Chúng ta hy vọng những bức thư này chuyển tải những điều gì đó khiến các nhà chính trị phải cố gắng hơn nữa ! ''.

Toàn bộ các bức thư này sẽ được phó thác cho Saoi O’Connor, một trong các học sinh trung học bãi khóa vì Khí hậu, được mời tham dự COP25''.

Uber thừa nhận 6.000 vụ bạo hành tình dục, hơn 200 vụ cưỡng hiếp

Lần đầu tiên tập đoàn Uber công bố số các vụ bạo hành tình dục và hiếp dâm mà nạn nhân là các khách hàng đi xe VTC của hãng. Uber là mạng lưới cung ứng dịch vụ xe chất lượng cao, nổi tiếng toàn cầu. Cách quản lý thiếu minh bạch của hãng ngày càng bị nhiều chỉ trích. Thông tín viên Eric de Salve tường trình từ San Francisco :

Logo của tập đoàn Uber
Logo của tập đoàn Uber ROBYN BECK / AFP

''Thoạt nhìn, những con số đáng sợ này có thể khiến người ta sẽ không bao giờ dám ngồi lên một chiếc xe VTC. Tuy nhiên, đây lại chính là những thống kê do Uber loan báo, với mục tiêu trấn an khách hàng. Bởi cần phải so sánh số lượng các vụ bạo hành này với tổng số 2,3 tỉ chuyến đi đã được thực hiện, mà Uber nhắc lại là đã diễn ra một cách tốt đẹp.

Dù sao, hãng cũng đưa ra con số tổng cộng 235 vụ quan hệ tình dục cưỡng bức, cũng có nghĩa là cưỡng dâm, trên các lộ trình phục vụ khách hàng tại Hoa Kỳ năm 2018. Năm 2017, con số này là 229 vụ. 92% nạn nhân là khách hàng. Tổng cộng cả thảy là 6.000 vụ bạo hành tình dục nói trên, trong đó có 19 người chết trong hai năm này.

Uber giảm nhẹ tầm mức nghiêm trọng, khi nhấn mạnh là số lượng các vụ bạo hành chỉ chiếm 0,00002% số lượng chuyến đi. Dù sao thì chỉ một dấu hiệu nguy hiểm duy nhất cũng đã là không thể chấp nhận được, tập đoàn VTC nổi tiếng bình luận. Uber buộc phải nỗ lực minh bạch hóa do áp lực của công luận trên các mạng xã hội như UberCestOver, nơi rất nhiều nạn nhân bị tài xế bạo hành tình dục lên tiếng.

Bản báo cáo 84 trang chưa từng có này được công bố đúng vào thời điểm mà nhiều thành phố chỉ trích Uber không bảo đảm an ninh cho khách hàng. Thủ đô nước Anh vừa rút giấy phép hoạt động của Uber. Tập đoàn này hứa hẹn sẽ cải thiện tình hình an ninh, bằng cách kiểm tra kỹ càng lý lịch pháp lý của các tài xế, để xem họ có phạm các tiền án, tiền sự nào không''.

Ghi chú

1 - "Tại sao nhu cầu sử dụng than đá trên thế giới tăng?", RFI 04/02/2019.

2 - "Việt Nam cần ngày càng nhiều than để sản xuất điện", RFI 16/09/2019.

3 - "Khí hậu: Nỗi tức giận của Greta và thông điệp ‘‘lạnh gáy’’ của giới khoa học", RFI 26/09/2019.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.